Xáo động những vùng quê

Xáo động những vùng quê
TP - Tiếp xúc hồ sơ khiếu nại trong quá trình đô thị hóa, tôi thấy những vụ kéo dài, đơn khiếu nại của dân dày lên bao nhiêu thì quyết định giải quyết của các cấp cũng dày lên bấy nhiêu.

>> Bài 1: Vật vã rời đất đai

Tất cả các quyết định bác khiếu nại đều cho rằng, chính quyền đã làm đúng quy định và giải quyết thỏa đáng.

Xáo động những vùng quê ảnh 1
Cưỡng chế lấy khu Mỹ Hòa Chay ngày 16/12/2008 - Ảnh: Sáu Nghệ

Quy định

Ông Lý Quan Ngự ở ấp Lợi Dũ B, phường An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ), có 10 người con lấy chồng, lấy vợ đều phải ở rể hoặc ở trọ. Trước đây, ông có nhiều đất, khi mới giải phóng, ông bị cho là địa chủ nên bị thu hồi đất, chỉ còn 3.060 mét vuông đất có mồ mả tổ tiên.

Để lại cho ông chừng ấy đất là sai. Quyết định thu hồi đất ngày 20/6/1978 viết rõ: “Gia đình ông Ngự được cho bình quân nhân khẩu do địa phương quy định cả đất lẫn vườn để lao động sản xuất”. Bình quân, đất mỗi nhân khẩu theo quy định của địa phương lúc đó là 0,18 hec - ta, gia đình ông có 11 người, ít nhất phải được để lại 1,98 hec - ta.

Nhưng sai lầm lớn hơn còn ở chỗ, gia đình ông không phải địa chủ ác bá mà có công với cách mạng, được tặng nhiều huy chương kháng chiến. Trên đất bị thu hồi, ông từng đào 13 hầm bí mật nuôi cán bộ suốt hai cuộc kháng chiến.

Nhiều năm qua, gia đình ông khiếu nại đến nhiều cơ quan, đòi đất cho con cái sinh sống. Đất thu hồi của ông được đem chia cho nhiều người và có 2,2 hec - ta làm trại giam của công an địa phương.

Đầu năm 2006, trong số đất làm trại giam, công an địa phương cắt ra 1,037 héc-ta xây dựng “khu tập thể cán bộ” với 80 lô. Gia đình ông Ngự càng khiếu nại quyết liệt, yêu cầu được nhận một số lô đất trong “khu tập thể” ấy, cho con cháu ông sinh sống.

Ngày 10/8/2006, trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước chuyển đơn của ông Ngự về UBND TP Cần Thơ xem xét. Ngày 25/11/2006, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ chuyển đơn của ông cho UBND TP Cần Thơ giải quyết.

Trong năm 2006 và năm 2007, UBND TP Cần Thơ có ba công văn (ngày 21/4/2006, 30/8/2006 và 4/5/2007) đều bác yêu cầu của ông Ngự. Lý do bác yêu cầu là: “Đất sử dụng vào mục đích an ninh là phù hợp... đúng theo quy định của pháp luật”.

Gia đình ông Ngự chỉ xin lại đất trong phần làm “khu tập thể”, không còn sử dụng cho “mục đích an ninh”. Ông khóc vì mất đất mà con cháu ly tán vất vưởng.

Mới đây, ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ hứa với gia đình ông Ngự, sẽ xem xét lại. Hy vọng, nhu cầu chính đáng của gia đình ông Ngự được tôn trọng.

Nói về cái lý “đúng quy định” lại xin đề cập việc giải quyết khu Mỹ Hòa Chay ở phường 4 (TX Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Ở đó, có một tòa nhà kiến trúc rất đẹp, cao hai tầng với 41 phòng, rộng chừng 1.300 mét vuông, xây trong khu đất rộng 8.200,8 mét vuông. Gia tộc họ Huỳnh truyền nhau ở đã bốn đời.

Chính quyền địa phương muốn xây dựng trung tâm văn hóa nên ra quyết định thu hồi. Ngày 23/7/2002, Bộ Xây dựng có Công văn số 1117 khẳng định: “Thu hồi khu đất phải bồi hoàn cho chủ sở hữu”.

Con cháu họ Huỳnh đang sống trong căn nhà yêu cầu tính toán bồi hoàn trước khi thu hồi đất. UBND Tỉnh Bến Tre, trong quyết định ngày 7/7/2008 cho rằng: “Gia tộc họ Huỳnh rất lớn nên có rất nhiều người được hưởng thừa kế chung cư Mỹ Hòa Chay”; những người đang sống trong Mỹ Hòa Chay hiện nay chỉ là một số trong những người đó “chưa được những người đồng thừa kế ủy quyền là không đủ tư cách pháp lý, không phù hợp với quy định pháp luật”.

Tóm lại, UBND Tỉnh Bến Tre không muốn tính toán bồi hoàn trước khi thu hồi đất.

Ở đây có hai vấn đề, tính toán bồi hoàn và chia thừa kế tiền bồi hoàn. Việc thứ nhất thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính, việc thứ hai thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp.

Với quyết định trên, UBND Tỉnh Bến Tre đã lấn quyền của tòa án. Lẽ ra, UBND tỉnh Bến Tre phải tính tiền bồi hoàn khu đất và gửi vào ngân hàng, sau đó mới thu hồi đất. Còn chia thừa kế như thế nào, con cháu họ Huỳnh làm việc với tòa án.

Khi chưa được tính toán bồi hoàn, con cháu họ Huỳnh không chịu di dời. UBND Tỉnh Bến Tre cũng thấy con cháu họ Huỳnh “đang có khó khăn về nhà ở nên tạm bố trí cho căn nhà số 5 đường Nguyễn Du” (quyết định ngày 7/7/2008).

Con cháu họ Huỳnh vẫn không đồng ý, họ nói, “bố trí tạm” thì không yên ổn vì tài sản tổ tiên để lại còn không được yên ổn. Ngày 16/12/2008, UBND Tỉnh Bến Tre tổ chức cưỡng chế.

Cuộc cưỡng chế phá luôn ba cơ sở kinh doanh cà phê có đăng ký của con cháu họ Huỳnh. Mười mấy người thuộc năm gia đình con cháu họ Huỳnh không thể vào căn nhà nhỏ “bố trí tạm”, liền kéo nhau đi ở đậu.

May thay, ngày 22/12/2008, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8744 gửi Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Bến Tre truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng kiểm tra, kết luận “để có biện pháp giải quyết có tình, có lý, phù hợp với tình hình thực tế”.

Rõ ràng, có tình có lý và phù hợp thực tế mới là chân lý, là tiêu chuẩn để giải quyết các vấn đề, nếu thật sự vì mục đích an dân và phát triển.

Thỏa đáng

Bộ Tài nguyên & Môi trường đang đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật mà cụ thể là Nghị định 197 theo hướng chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư phải lấy con người làm trọng tâm.

Chính sách phải gắn trách nhiệm của nhà nước, chủ đầu tư đến cùng với người bị thu hồi đất và coi đây là chính sách xã hội.

Tôi đứng hồi lâu nhìn khu đất vốn của gia đình bà Khưu Thị Kim Hương, nay mọc lên nhiều nhà cao tầng của cán bộ và nhiều công sở. Còn gia đình bà Hương, với bảy người con cùng gần chục cháu đang chen chúc trong căn nhà lá chật chội, mục ải tại số 84/2, Lê Hồng Phong, phường 3 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng).

Gia đình bà Hương bị thu hồi nhiều lần, hơn 35.000 mét vuông đất, tổng số tiền bồi hoàn khoảng 600 triệu đồng. Bà được bố trí bảy nền tái định cư, tổng cộng 1.680 mét vuông, nhưng phải trả tiền sử dụng đất khoảng 300 triệu đồng. Tóm lại, sau khi bị lấy 35.000 mét vuông đất, bà nhận lại 1.680 mét vuông đất và khoảng 300 triệu đồng.

Bà Hương cho là quá thiệt thòi nên nhiều năm qua khiếu nại đòi thêm tiền hoặc thêm nền tái định cư nhưng luôn bị chính quyền địa phương bác yêu cầu, với lập luận bồi hoàn cho bà “đã thỏa đáng”.

Điển hình là Công văn số 200 của Thanh tra Tỉnh Sóc Trăng báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ ngày 20/11/2008. Công văn này tính toán, sau khi làm đường, giá đất ở khu vực này cao hơn trước nhiều lần. Với giá năm 2008, một mét vuông sáu triệu đồng, bảy nền nhà tái định cư của bà Hương trị giá 10.080 triệu đồng, không thua tổng giá trị cả khu đất của bà trước khi thu hồi.

Lập luận ấy có thể thuyết phục nếu không xuất hiện lập luận khác. Đó là, hơn 20.000 mét vuông trong số đất thu hồi của bà Hương, lúc đầu nói để xây trường chính trị nhưng về sau phân ra 94 lô, chia cho cán bộ. Nhiều cán bộ bán ngay, có lô được hơn một tỷ đồng. Các vị cán bộ lập luận, họ hưởng lợi thỏa đáng bởi mỗi người chỉ có một đến hai lô, tiêu chuẩn không sử dụng thì bán.

Như thế, sự thỏa đáng với gia đình bà Hương và với cán bộ được chia đất có khác nhau. Bà Hương mất nhiều đất cho sự phát triển, chỉ nhận lại khoảng 0,5 phần trăm, là thỏa đáng; với cán bộ được chia đất, không đóng góp chút gì cho sự phát triển, được nhận trăm phần trăm món lợi, cũng là thỏa đáng!

Nếu gộp tất cả đất của cán bộ được chia, nghĩa là “cái được” của cán bộ để so với “cái được” của gia đình bà Hương càng thấy chênh lệch trời vực. Đó còn chưa kể đến việc gia đình bà Hương là gia đình liệt sỹ, sống lâu đời nơi đây, còn các cán bộ hầu hết đã có nhà cửa nơi khác.

Đất đai với một số người chỉ là một món tài sản, có thêm sẽ giàu thêm. Nhưng đất đai với gia đình bà Hương, cũng như những người bị mất đất mà cuộc sống gắn liền với đất thì đất còn là nguồn sống. Với những người như gia đình bà Hương, mất đất cuộc sống sẽ rất khốn khó khi chỉ còn có mỗi cái nền nhà ở.

Nói đến thỏa đáng còn phải xét ở ý nghĩa xã hội. Trong xã hội hiện nay, có những người làm chủ đất đai và có những người làm chủ các dự án. Quá trình đô thị hóa, đất đai tăng giá trị, lợi ích phải được phân chia hợp lý giữa các nhóm người. Như thế, sự phát triển mới đi vào thực chất, phát triển tiềm năng, bền vững và ổn định, không phải phong trào trục lợi gây mất ổn định.

Quản lý còn phải thận trọng cân nhắc đến lợi ích của xã hội, của nhà nước. Không thể bảo vệ quyền lợi của nhóm này để tác động tiêu cực nặng nề tới quyền lợi của nhóm khác, gây thiệt hại cho cả nhà nước. Ở trường hợp đất của bà Hương, nguồn lợi lẽ ra vào ngân sách nhà nước (bán đấu giá đất, thu thuế) đã vào túi một số cá nhân, tập thể.

Nguyện vọng

Tôi về phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), ngạc nhiên thấy 13 héc-ta cánh đồng lúa Cơn Bùi vẫn là bãi đất nham nhở. Đây là cánh đồng lúa tốt nhất phường. Năm 2008, chính quyền địa phương quyết định san lấp để xây dựng một nhà máy kéo sợi. Bà con không muốn, tuy nhiên việc san lấp vẫn diễn ra và dang dở đến nay.

Nguyên do có mấy hộ dân không chịu giao đất nên còn mấy nghìn mét vuông sâu như ao ở giữa. Trong những nông dân không chịu giao đất có anh Phạm Minh Điền, bạn của tôi thuở nhỏ. Tôi tìm Điền, hỏi tại sao không giao đất cho người ta xây nhà máy để quê hương đi nhanh lên công nghiệp hóa.

Phạm Minh Điền nhìn tôi vè vè, hất hàm: “Hỏi thật hay đùa, có ý gì?”. Một lúc, thấy tôi rõ thái độ chân thành bạn bè, anh kể, gia đình anh sống bằng nghề nông, có mấy sào ruộng, mấy lần lấy làm nọ kia nay chỉ còn hơn tám sào (hơn 4.000 mét vuông). Làm nhà máy, lấy thêm 1.616 mét vuông nữa. Tính ra, trước sau anh mất hơn 51 phần trăm đất ruộng mà không được tính toán hỗ trợ lo cho cuộc sống tương lai nên anh chưa đồng ý.

Điền kể, vợ chồng anh có năm đứa con đang ăn học, sống dựa hoàn toàn vào ruộng đất. Hai con học phổ thông. Một đứa tốt nghiệp trung cấp y tế, chưa có việc làm. Một đứa con đang học cao đẳng công nghệ ngoài Thái Nguyên. Một đứa ở nhà làm ruộng. “Đấy, chừng ấy miệng ăn, nhiều việc phải lo. Mất hết ruộng là gia đình tôi chết đói”, anh buồn bã.

Tiền bồi hoàn mỗi mét vuông đất là 20.322 đồng. Tôi hỏi, nguyện vọng cụ thể hiện nay của anh là gì. Điền nhìn bâng quơ đất trời một lúc mới trả lời: “Mất ruộng thì con cái phải có việc làm khác để sinh sống.

Chẳng hạn, những người có quyền thu hồi đất giải quyết cho đứa con đã tốt nghiệp trung cấp y của tôi một việc làm, những người xây dựng nhà máy cam kết tuyển dụng vài đứa con của tôi vào làm việc. Cũng nên nâng giá bồi thường đất chứ mỗi mét vuông đất trồng lúa rất tốt mà chỉ bằng một bát phở thì rẻ quá. Được như thế, tôi chịu liền”.

Những nguyện vọng không quá xa xôi, hơn thế, chính là mục tiêu vẫn đặt ra của chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tôi hỏi Điền, đã đề đạt những nguyện vọng ấy với lãnh đạo địa phương chưa? Anh trả lời: “Đã gặp tới Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhưng chỉ được hứa suông. Giải quyết không rõ ràng, dứt khoát”.

Vừa khi gặp ông Đặng Minh Khang, Phó chủ tịch Hội đồng Bồi thường, Hỗ trợ và Tái định cư của TX Hồng Lĩnh, tôi nêu nguyện vọng của Điền. Ông Khang tươi cười nói: “Nguyện vọng chính đáng nhưng giải quyết phải theo quy định”. Tôi nén tiếng thở dài. Lại quy định.

MỚI - NÓNG