Xây thương hiệu cho làng

Xây thương hiệu cho làng
TP - Những chủ nhân của ngôi làng cổ nằm giữa phố thị (phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi) đang ấp ủ ước mơ chắp cánh để ngôi làng vượt lên giới hạn thông thường bằng việc xây thương hiệu cho làng.
Xây thương hiệu cho làng ảnh 1
Khách rất lấy làm thú vị khi ngồi uống cà phê dưới rặng tre xanh cổ thụ trong Làng cà phê

Một ngôi làng cổ nằm giữa phố thị (phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi) với những khu vườn rộng thênh, xanh um bóng cây. Ẩn dưới tán lá mỗi khu vườn là một quán cà phê thơ mộng. Không băng-rôn, khẩu hiệu song “Làng cà phê”-ngôi làng cổ ấy- từ lâu đã  trở thành nét đẹp văn hóa và  niềm tự hào của người dân địa phương.

Thương hiệu xanh

Trải bộ hồ sơ đăng ký và Giấy chứng nhận sở hữu nhãn hiệu hàng hóa ra chiếc bàn làm bằng gốc cây, ông Phan Tâm-chủ quán cà phê Tuế Mai Viên bảo: “Tôi nộp đơn xin đăng ký thương hiệu từ năm 2004 và gần hai năm sau thì được cấp Giấy chứng nhận sở hữu”.

Mẫu nhãn hiệu trên Giấy chứng nhận sở hữu nhãn hiệu hàng hóa của Cục Sở hữu trí tuệ chỉ ghi vỏn vẹn 3 chữ “Tuế Mai Viên” nhưng cũng đủ biến ông Tâm thành người đầu tiên ở xứ mía đường này làm cái việc đăng ký thương hiệu cho quán cà phê và làm thương hiệu cho làng.

“Tôi muốn lấy tên của hai loại cây đặc trưng và rất có ý nghĩa, ít ra là đối với gia đình tôi; đó là cây mai vàng và thiên tuế”- ông Tâm lý giải về tên của quán. Ông đưa tay chỉ về phía trước, nơi có hai “cụ” thiên tuế 300 năm tuổi và “đàn con cháu” xum xuê. Chen giữa đám thiên tuế là những cây mai to lớn, trên cành vẫn còn vương mấy cánh hoa muộn.

Nhưng người đầu tiên “đặt nền móng” cho sự hình thành làng cà phê ngày nay là ông Tạ Xuân Hoàng. Quán Phượng Cát của ông Hoàng khai trương hồi giữa 1994. Dịu dàng, thơ mộng giữa vườn cây xanh lá, Phượng Cát đã trở thành hiện tượng cà phê vườn tại Quảng Ngãi và là điểm hẹn của những tao nhân mặc khách, kể cả lữ khách thập phương.

Từ khi Phượng Cát ra đời, làng cổ vốn trầm mặc, im lìm dưới những tán cây xanh bỗng bừng tỉnh. Chủ nhân của những khu vườn còn lại chợt nhận ra một tiềm năng qúy giá khác trong khối tài sản mình đang nắm giữ: thương mại trong không gian văn hóa vườn.

Sau Phượng Cát, một loạt quán cà phê khác nối nhau ra đời trong các ngõ xóm của làng như Đan Phượng, Hoàng Trúc, Thảo Nguyên, Tao Nhân, Bích Huyền… Tên gọi “Làng cà phê” cũng hình thành từ đây. Mỗi quán một tên, một kiểu nhưng đều có điểm chung ở không gian vườn, những tên gọi - thương hiệu gắn với cây cỏ và màu xanh đầy sức sống.

Song, điều đó chưa khiến những chủ nhân của làng cà phê cảm thấy an lòng. Sau khi Tuế Mai Viên được công nhận là nhãn hiệu độc quyền, ở Đà Nẵng, có một người cũng mở quán cà phê và lấy tên Tuế Mai Viên. Chuyện đến tai, ông Tâm bỏ làm bỏ ăn để đi kêu kiện đến tận Trung ương.

“Chẳng hiểu họ vô tình hay cố ý, nhưng rõ ràng mình đã được Nhà nước bảo hộ độc quyền sở hữu nhãn hiệu, và nó là “đứa con” của mình sinh ra thì mình phải giữ gìn, nuôi nấng” - Ông Tâm giãi bày. Tuy đòi được quyền sở hữu đứa con tinh thần ông Tâm đã phải chuốc lấy một phen vất vả. Và mặc dù thắng nhưng ông Tâm cứ nơm nớp lo vì một ngày nào đó lại có kẻ “thuổng” cái thương hiệu của mình, lúc ấy lại phải bỏ làm bỏ ăn để đi kiện đòi thì mệt mỏi vô cùng.

Một điều lo lắng khác là làm sao thay đổi thói quen làm ăn manh mún, nhỏ lẻ theo lối rất… làng xã như hiện nay. “Tôi muốn biến làng cà phê này thành một điểm đến không thể thiếu của khách thập phương mỗi khi dừng chân ở Quảng Ngãi” - Ông Tâm không ngần ngại thổ lộ tham vọng.

Đang hào hứng bỗng nhiên ông Tâm khựng lại, đưa tay gãi đầu gãi tai, miệng hít hà như ăn phải ớt: “Cái khó hiện giờ là không có cơ quan nào đứng ra cầm chịch hay hỗ trợ. Tôi thấy mấy ảnh (chính quyền địa phương - PV) chả quan tâm chuyện này. Đuôi muốn chạy mà cái đầu chưa chịu nhúc nhích thì liệu có được chăng?”.

Sau phút đăm chiêu, ông Tâm lấy lại trạng thái ban đầu, dọn giọng: “Nhưng tôi cũng đã nghĩ cách và đang vận động mọi người trong làng và cả những người có quyền lợi liên quan cùng bắt tay xây dựng một thương hiệu chung cho làng. Mình phải tự cứu lấy mình. Nhiều người cũng có mong muốn tương tự”.

Dưới bóng thời gian

Xây thương hiệu cho làng ảnh 2
Vườn cau cao vút trong làng cà phê

Làng cà phê có bề dày lịch sử và nơi đây còn lưu lại nhiều dấu tích thời gian. Theo nhà nghiên cứu văn hóa-lịch sử địa phương Cao Chư: Khu vườn nơi tọa lạc quán cà phê Tuế Mai Viên hiện do ông Phạm Đăng Trúc, một hậu duệ của Thượng thư Bộ Lại Phạm Đăng Hưng-cha của bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) sở hữu.

Vào khoảng thập niên 60-80 của thế kỷ 19, bà Từ Dũ cho xây tại đây một ngôi đền thờ tộc Phạm (dân gian quen gọi là chùa). Trải qua dâu bể, đền đã đổ nát nhưng dấu tích vẫn còn, đó là một phần nền móng, hai trụ cổng và một tấm bia khắc chữ Thích Thiện Từ- tên ngôi đền.

Một chứng nhân lịch sử khác còn lưu lại là hai “cụ” thiên tuế. Chiều cao của mỗi “cụ” khoảng 6-7 mét, vòng gốc chừng 2 vòng tay người ôm và có nhánh lớn, hiên ngang đứng ở hai bên cổng đền Thích Thiện Từ.

Cụ Tạ Ư, người sinh ra và lớn lên tại làng nhớ lại: “Từ khi còn nhỏ tôi đã biết đến hai cây thiên tuế này. Thiên tuế rất chậm lớn, cả hai cây giờ trông cũng không khác mấy so với thời tôi còn nhỏ, chúng vẫn đứng nguyên tại vị trí của ngày trước”.

Cụ Tạ nay ở tuổi 85, ông lão có bộ râu trắng như cước này đưa bàn tay gân guốc vuốt lên thân cây thiên tuế sần sùi dấu tích thời gian như để tìm về kỷ niệm. “Trong đời, đã đi nhiều nơi nhưng tôi chưa từng thấy cây thiên tuế nào cao niên và to lớn thế này”- Cụ Tạ quay sang nói với đám hậu sinh. 

Ngoài hai “cụ” thiên tuế, làng còn có rất nhiều cây cổ thụ và cả những bonsai hàng trăm năm tuổi. Đó là điều đặc biệt và là nét rất riêng của ngôi làng cổ này. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt khi bước vào làng cà phê là vườn cau cao vút, những cây cau như mũi tên thẳng tắp lao mình lên trời xanh. Song, ấn tượng nhất có lẽ vẫn là hàng tre ken dày như bức tường thành xanh ngắt. Bóng tre trùm mát rượi, xua tan không khí nóng bức của mùa hè miền Trung.

Tuy còn ì ạch về kinh tế, nhưng Quảng Ngãi đang bùng nổ về quán cà phê. Cà phê “chảy” trên từng con phố, trong từng ngõ xóm. Mặc dù vậy, làng cà phê vẫn có chỗ đứng vững chãi trong tâm thức người Quảng Ngãi.

Nhấp một ngụm cà phê sóng sánh, ông Cao Chư trầm ngâm bảo: “Đến đây, không chỉ uống cà phê mà còn “uống” cả  bóng thời gian”. Sau câu nói đầy hình ảnh và sự chiêm nghiệm, nhà nghiên cứu cười sảng khoái.

MỚI - NÓNG