Xe ôm online

Xe ôm online
“Watashi wa bai kư taz shi desư!” (Tôi chỉ là một tài xế xe ôm!) - người đàn ông ấy thường mở đầu câu chuyện với du khách như vậy. Nhưng trong công việc hằng ngày của mình, ông quả là một trong những “đại sứ thiện chí” của giới xe ôm.
Xe ôm online ảnh 1
Những lúc rảnh rỗi, ông Hiếu ngồi bên lề đường học ngoại ngữ và đọc sách -Ảnh: Y. Trinh

Cặp kính lão. Đôi giày da. Chiếc Dream sạch coong. Am tường những địa danh của TP.HCM. Giao tiếp tiếng Anh và tiếng Nhật ron rót. Đó là hình ảnh ban đầu về tài xế xe ôm Đinh Văn Hiếu.

“Vật bất ly thân” của người tài xế 46 tuổi này là quyển nhật ký và từ điển Việt - Nhật. Nó cứ dày thêm mãi theo những vòng bánh xe quay. Sau gần mười năm cùng người tài xế này lang thang dặm đường, góc sách quăn queo, ố vàng. Song, cái màu cũ kỹ ấy lại là chứng nhân của bao nụ cười và giọt mồ hôi.

Quyển nhật ký ố vàng

“Xin chào, tôi là Uchid Hiroshi, số điện thoại của tôi là… Tôi đã đến VN, từng gặp ông Hiếu và ông ấy đã hướng dẫn tôi đi một vài nơi ở TP.HCM. Chúng tôi đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng Lịch sử. Sau đó, tôi và ông Hiếu vào khu vực Chợ Lớn và ông ấy hướng dẫn tôi ăn những món ăn VN. Tôi hi vọng ngày nào đó tôi sẽ trở lại. Một lần nữa, tôi sẽ cùng đi với ông ấy. 

Cảm ơn ông rất nhiều!”.

Hàng ngàn lời chào, hàng ngàn hình ảnh của du khách xứ sở hoa anh đào được lưu lại trong quyển nhật ký ố vàng, tài sản vô giá của bác tài và chúng như liều thuốc bổ giữ ông lại với nghề.

“Tôi muốn xem con đom đóm, ông biết ở đâu chở tôi đi!”. Nhiều lúc ông Hiếu nhận được những lời đề nghị dễ thương như vậy. Và, một khách một tài xế lặn lội về Bến Tre lúc chạng vạng tối. Có khi lại ngược về Cần Giờ, Nhà Bè để khách xem con còng và con cá thòi lòi.

Người tài xế lại dắt khách đi mua áo dài, kiêm làm bảo vệ phòng khách bị móc túi mỗi khi lang thang các chợ. Dù bảo vệ không phải là trách nhiệm của mình, nhưng “mình làm điều đó vì mình là người VN” - ông bộc bạch.

Mỗi ngày, ông đọc sách giới thiệu về văn hóa, du lịch. Thấy hình ảnh nào hay, đẹp về đất nước và con người VN, ông cắt lại, dán vào một quyển sổ và ghi chú bằng tiếng Nhật. Mặc dù khách du lịch bụi thường đã đọc sách giới thiệu trước, tuy nhiên, có những hình ảnh mà không “guide book” nào có được.

Chữ tín của bác xe ôm

Xe ôm online ảnh 2
Bìa của quyển nhật ký do một du khách Nhật Bản thiết kế và tặng ông Hiếu - Ảnh: Y.T.

Ngoài những câu chuyện trong sách vở, “hướng dẫn viên bất đắc dĩ” này cũng có thể ngồi hàng giờ cùng khách bên quán cóc vỉa hè để nhâm nhi một tách cà phê hay trái bắp nướng.

Chính những điều đó đã khiến người ta nhớ đến ông Hiếu. Ban đầu, vài người khách xin số điện thoại của người xe ôm này để giới thiệu cho những người bạn khi du lịch bụi sang VN.

Con số này cứ tăng dần nên ông không còn phải ghếch chân ngoài phố chờ khách. Mỗi sáng, người tài xế ấy ngồi trước máy vi tính và kiểm tra thư điện tử. Nhiều du khách Nhật chuẩn bị sang VN thường liên lạc trước qua email và ông ra đón.

Điều gì khiến du khách “săn lùng” ông, một tài xế xe ôm? “Chữ tín và chữ đức!”, ông Hiếu trả lời không chút do dự. Chữ tín và chữ đức của tài xế xe ôm không vĩ mô như những lý thuyết được in trong sách.

Đơn giản: “Sẽ nói trước với khách là tôi chở 3 USD/giờ. Không ngửa tay xin thêm của du khách đồng nào. Không chèo kéo. Điều quan trọng là không để du khách có ấn tượng không tốt về người VN!”.

Do vậy, ông cũng đặt ra phương châm hành nghề của mình: “Cho dù làm xe ôm cũng không thể làm theo kiểu mì ăn liền. Mình không chỉ đón khách một lần. Có làm tốt, khách mới trở lại và giới thiệu cho nhiều người khác”.

Có người gọi ông là “hướng dẫn viên đường phố”. Ông không dám nhận: “Từ đầu tới cuối, tôi vẫn là một người lái xe ôm, biết chút ngoại ngữ. Cậu con trai của tôi đang học ngành hướng dẫn viên du lịch chính qui. Mong muốn lớn nhất là cụm từ “hướng dẫn viên” sẽ dùng cho con tôi sau này!”...

“Bí mật” dưới yên xe

Ban đầu, khi ôm tập sách đi học ngoại ngữ, ông Hiếu nghĩ: “Với trình độ văn hóa lớp 7, mình khó kiếm được nghề nào phù hợp hơn. Thế nhưng, dù có là xích lô hay xe ôm, cũng phải là một xích lô, xe ôm giỏi nghề!”.

Thế là nhiều năm trước, mỗi sáng ông Hiếu lại cuốc bộ 2km từ Q.2 đến phà Thủ Thiêm, sang Q.1, lấy xích lô và đạp tới trung tâm ngoại ngữ. Ông xích chiếc xích lô vào cây cột điện, gửi nệm xe cho bảo vệ, rồi lên lớp.

9 giờ, học xong, ông Hiếu lại bắt đầu một ngày mưu sinh mới. Học được chữ nào, người tài xế mang ra thực hành ngay với khách nước ngoài. Bên xe của người đàn ông này cũng treo toòng teng một túi nilông có quyển từ điển và sách vở.

Lúc vắng khách, ông kéo chiếc xích lô lên lề đường, rút tập vở ra học. Cứ vậy, những con chữ ngoại ngữ đã “chào đời” ngay trên lề con đường yên tĩnh như Đồng Khởi, Thi Sách; có khi bên hè một quán bia hơi…

8g tối, ông Hiếu lại kẽo kẹt đạp xe về cùng vợ và con trai trong căn nhà trọ nhỏ ở Q.2. Mỗi ngày trở về, người đàn ông ấy mang theo một  “bí mật”. Ông đã xếp tờ 2.000 đồng thẳng thớm dưới yên xe. Cuối tháng, “quĩ đen” này là phần học phí.

A hi u ro ta ma gồ

Ông Hiếu đến với tiếng Nhật cũng rất tình cờ. Một nữ du khách vì mến thương mà dẫn ông đến trung tâm tiếng Nhật và tặng sáu tháng học phí đầu tiên. Khiếu ngoại ngữ giúp ông sáng chế những ngôn từ khiến du khách cũng ngạc nhiên. “Hột vịt lộn, tui gọi là “a hi u ro ta ma gồ”. Nhật không có món này, nhưng mình tạm gọi là con vịt trong cái trứng. Đôi khi mình phải sáng tạo một chút”, ông Hiếu kể.

Theo Phương Lan - Yến Trinh
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.