Xóm đàn ông đa năng

Xóm đàn ông đa năng
TP - Đàn ông ở xóm Núi Nhọn của thôn Hiệp Cường (xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) rất tháo vát. Họ làm tất mọi việc, từ đi chợ, sửa xe mô tô và máy cày, xây nhà đến... đỡ đẻ.

Họ bắt buộc phải tháo vát vì ở lọt thỏm giữa nơi hoang vắng và ước mơ về một con đường của họ chưa thành.

Hai năm một bộ áo quần

Xóm đàn ông đa năng ảnh 1
Những nông dân xóm đàn ông đa năng

Nghèo khó đưa đẩy hơn 60 hộ tìm miếng ăn từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đến đây. Năm 1991, anh Hoàng Văn Thống rời quê Thanh Hóa đến vùng đất hoang cỏ tranh lút đầu để làm thuê. Ngày- làm cho chủ. Đêm- mò mẫm từng nhát cuốc khai hoang.

Sau ba năm, anh Thống có miếng đất riêng để trồng hạt đậu, củ mì. Người trung niên săn chắc như lõi cây rừng rưng rưng nhắc thời khốn khó: “Hai năm trời tôi chỉ mặc bộ quần áo vá tơi tả. Bộ quần áo ngày xa quê tôi cất đáy ba lô. Thỉnh thoảng lấy ra ngắm nghía để đỡ nhớ nhà”.

Cựu bộ đội biên phòng Phan Chí Minh quê Bình Thuận, diễn tả tâm trạng lúc đào ao chứa nước tưới kết hợp nuôi cá: “Lúc đào cái ao đầu tiên, em nhấn toàn bộ sức lực lên chiếc mai, rễ cây làm bật lại. Em phải cố nghĩ tới ngày cái ao đầy nước, thả câu giật con cá lóng lánh vẫy, mới đủ sức tiếp tục cầm cái mai”.

Anh Nguyễn Công Thành rời quê Nghệ An năm 1991: “Thời đó, tôi rất thèm tiền. Đang nhổ mì, nghe vợ kêu đau đẻ, tôi gạt phắt vì mắc đuổi bắt con rắn hổ chúa hơn ba ký bán bạc triệu. Bỏ con rắn vào bao xong thì cũng vừa nghe tiếng con khóc oa oa”.

Vợ Thành và đứa bé đỏ hỏn được mấy người nhổ mì khiêng về chòi lá, Thành nấu nước sôi để khử trùng con dao bén, dùng cắt dây rún cho con và cột rún bằng chỉ khâu quần áo. Cả bốn đứa con của vợ chồng Thành, từ ba đến mười tuổi, đều do cha chúng đỡ đẻ.

Ba đứa sau, anh Thành chuẩn bị trước dao lam, bông băng và thuốc sát trùng. Chị Bích Tuyết, vợ anh Thành, chống chế: “Cũng muốn đến bệnh viện sinh đẻ cho an toàn nhưng đường đi trắc trở, lại cứ chờ bán rau, bán mì bọc chút đỉnh tiền mới đi, thành ra đẻ rớt”.

Ngày rời quê ở lứa tuổi ba mươi, thoắt cái xấp xỉ năm chục. Anh Thống đã sở hữu tám ha đất, ba anh em Minh canh tác 17 ha, Thành-Tuyết có bảy ha. Rồi anh Huỳnh Minh Cường ở Cam Ranh có 10 ha, anh Đặng Thái Giang ở Đồng Nai có 12 ha…

Họ trồng mì, điều, xoài và các cây ngắn ngày, trừ chi phí cũng dư năm bảy chục triệu đồng mỗi năm, nhiều nhà sắm được máy cày. Bữa cơm của họ không còn khoai sắn như xưa nhưng chưa thể gọi là dư dả vì chi phí sản xuất cao mà giá nông sản bấp bênh.

Mơ con đường

Từ trung tâm xã vào đến nơi họ ở chỉ có bốn cây số đường đất đỏ, còn quãng bảy cây số là đường mòn ngập cát, mương suối, đồi dốc nhấp nhô hay ngoằn ngoèo giữa những hàng cây keo của lâm trường.

Nông sản thu được từ hơn 300 ha đất của dân trong xóm, phân bón, cây giống đều phải vận chuyển bằng máy cày kéo rơ moóc. Một con đường, dù chỉ đường sỏi để dễ dàng lưu thông, giảm chi phí vận chuyển, bao năm qua vẫn là mơ ước.

Vào vụ sản xuất, họ phải mua nợ phân bón, cây giống, thuốc trừ sâu giá đắt, và cứ mỗi tháng phải chịu lãi suất ba phần trăm. Anh Cường đầu tư 160 triệu đồng để trồng 10 ha mì. Mười tháng sau bán mì phải trả lãi gần 50 triệu đồng cho nhà đầu tư với giá thấp hơn thị trường.

Thiệt đủ điều vẫn phải cám ơn. Nếu không người đầu tư thì không có vốn để thả hom giống. Năm nay giá mì hạ, trồng mỗi ha mì lỗ vài triệu, tiền lãi cứ thế lũy tiến.

Thống, Minh, Thành, Giang hằng năm đều phải trả vài chục triệu tiền lãi mua nợ vật tư. Họ ước ao được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gọi nôm na là sổ đỏ, để có cái thế chấp vay ngân hàng với lãi suất thấp hơn.

Họ sản xuất ổn định lâu năm, từ những năm đầu 1990 và không bị tranh chấp nhưng nguồn gốc đất lại do lâm trường quản lý, không biết bao giờ họ mới được cầm tờ giấy chứng nhận mồ hôi công sức trên mảnh đất của mình.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.