Nguy hiểm rình rập

Xóm mò sắt

Xóm mò sắt
TP - Giữa phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng, mấy chục năm qua, không biết bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu con người sống dựa chủ yếu vào cái nghề ngụp, lặn mò sắt...

11 giờ trưa, xóm vắng đìu hiu. Một bé gái chừng 12 tuổi ngồi trên chiếc thuyền phía cuối lối đi. “Chỉ có mẹ cháu ở nhà thôi. Giờ này, các thuyền khác đi mò hết rồi” - Cháu bé nói.

Chị Phùng Thị Tĩnh, 38 tuổi, mẹ của năm đứa con. Nhà chị Tĩnh được xếp vào hàng khá giả của cái xóm chài vì có bán thêm chút hàng nước uống, đồ ăn linh tinh ở ngay trên thuyền.

Ở đây, sau bữa cơm sáng, trai tráng, các thợ lặn, phụ thuyền kéo nhau đi hết. Thấy chúng tôi tỏ ý muốn mục sở thị cảnh làm việc của các người nhái, chị Tĩnh gọi chồng là Đỗ Văn Xá, 39 tuổi. 20 phút sau, con thuyền 15 mã lực của anh Xá trở về, rẽ sóng đưa chúng tôi ra nơi làm việc của các thợ lặn.

Chỉ tay vào cuộn dây thừng đường ống màu vàng dài khoảng 30m đầu trên có gắn mặt nạ, đầu còn lại nối với bình khí đặt cẩn thận ở thân thuyền, anh Xá giới thiệu: “Đồ của cánh thợ lặn dùng mò sắt  đấy”. Với năm năm trong nghề, anh Xá có thể lặn sâu 15m, mò mẫm dưới đáy sông cả giờ.

Thường, mỗi thuyền đi mò sắt cần hai người, một thợ lặn, một trên thuyền thả dây, lo kiểm tra bình khí và kéo người ở dưới lên khi có tín hiệu thông báo.

Ngồi trên mui thuyền, tay cầm thả dây thừng và đầu thở cho chồng, mắt chị Lê Thị Lan đăm chiêu nhìn vào sợi dây màu vàng mà trả lời tôi: “Có bữa may gặp chỗ nhiều bán cũng được  ba, bốn trăm ngàn. Có bữa chỉ được vài mẩu sắt nhỏ, bán được vài chục, bù vào xăng dầu cũng hết. Hôm thì lỗ. Tôm cá sinh nở thêm, chứ sắt thép chỉ ít đi thôi”.

Nguy hiểm rình rập

Xóm mò sắt ảnh 1

Chị Lan đang giúp chồng lên thuyền Ảnh: Văn Chung. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Văn Quân, 56 tuổi, quê gốc Thanh Hà, Hải Dương, đến đây làm nghề này đã hơn 20 năm.

Ông Châu cho biết: “Sức tôi còn lặn sâu được cỡ 15m, mò sắt dưới nước cả tiếng đồng hồ cũng được, thỉnh thoảng mới thấy cảm giác như say rượu, loạng choạng”.

Theo như lời một số hộ ở đây, sắt thép dưới sông đa phần là xác tàu thuyền của Pháp bị đắm: “Những thứ có thể hút được bằng máy, tàu lớn mò hút hết rồi” - Chị Tĩnh cho biết.

Mỗi năm, mỗi mùa qua đi, sắt lại càng ít, thuyền của hai bố con ông cứ theo con nước mà ra cảng Đình Vũ (Hải Phòng), cách xóm chài khoảng 6 - 7km đường sông, hay chạy tới tận Cẩm Phả (Quảng Ninh) may ra mới dư dật chút tiền.

Vợ chồng ông Quân có năm người con, hai người con trai nối nghiệp cha từ thuở còn bé tới giờ. Nỗi sợ lớn nhất của thợ lặn chính là dây thở nối với bình khí rất dễ bị đứt nếu không khéo.

Trong trí nhớ của anh Xá, cái chết đầy thương tâm của anh Các, quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng tưởng như vẫn còn là chuyện hôm qua. Anh Xá kể: “Giữa buổi trưa, Các lặn xuống mò sắt. Anh ấy chết do không kịp nhô lên mặt nước khi dây thở bị đứt, lúc đang lặn sâu hơn 10m”.

Còn chuyện các thợ lặn quệt tay vào sắt nhọn, va phải đá, và vô số thứ nguy hiểm khác dưới lòng sông thì chẳng có gì lạ. Ở đây, dân nghèo, có người chỉ lặn, ngụp tay bo chẳng cần bình dưỡng khí. Họ chỉ chèo thuyền bằng tay ra chỗ nước gần, kiếm được thứ gì hay thứ đó.

Cuộc sống của phần nhiều gia đình ở xóm chài Máy Chai đều rất khó khăn. Nước dùng cho sinh hoạt phải hết sức tiết kiệm. Nhà anh Thủy (chồng chị Lan) chẳng biết bao năm đời sống trôi dạt trên thuyền rồi. Cứ múc nước sông lên, đánh phèn mà dùng.

Trẻ em ở đây cũng thường chỉ học hết lớp xóa mù chữ ở trường Hải Thành, do phường Máy Chai tổ chức.

Ngồi quay lưng về phía mấy đứa trẻ đang ngồi võng, đánh đu trong khoang thuyền mà mắt chị Lan buồn rượi: “Cái Thúy (Nguyễn Thị Thúy, 11 tuổi) đang theo học lớp tình thương của phường. Có bữa, mấy mẹ con ngồi với nhau, nó thủ thỉ: “Sau này con muốn làm cô giáo mẹ ạ”. Chị chỉ biết ậm ừ, mắt rơm rớm.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.