Xóm người Việt ở Phnom Penh

Xóm người Việt ở Phnom Penh
TP - Theo lời kể của một số người cao tuổi ở đây thì xóm  được hình thành bởi những người Việt nghèo đã chọn chốn này làm nơi tá túc. Xóm hoàn toàn không có tên, không có số nhà.

Xóm người Việt thuộc quận ngoại thành Mieng Chay nằm bên bờ sông Basac (một nhánh của dòng sông Mê Kông). Ngay cạnh xóm là cây cầu có tên là Chba Om Pau bắc qua sông và dẫn vào khu vực trung tâm Phnom Penh.

Tuy nhiên, với những người Việt trong xóm thì cây cầu ấy lại có tên là cầu Sài Gòn. Một  bác xe ôm người Việt giải thích đơn giản: “Thì từ Phnom Penh phải qua cầu ấy mới đi đến Sài Gòn- Việt Nam được”.

Người dẫn đường cho chúng tôi thăm xóm người Việt chính là ông Võ Văn Mười- Trưởng Chi hội Việt kiều quận Mieng Chay. Ông Mười quê ở Bình Thuận- lang bạt sang Campuchia sinh sống đã được gần 20 năm.

Ngày trước, ông cũng sống ở khu xóm này. Sau mấy đứa con ông trưởng thành có công việc ổn định nên ông Mười đã dời được nhà, lại còn có thời gian để đi làm việc cho Hội.

Đường đến xóm chỉ là một con hẻm nhỏ, sình lầy. Bước vào xóm, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những ngôi nhà mái tôn lô nhô, đắp vá bằng đủ thứ vật liệu tạm bợ. Những đứa trẻ nhem nhuốc, tò mò nhìn khách lạ. Gần đó, vài phụ nữ tay bồng con ngồi nói chuyện phiếm với nhau.

Bên trong một căn nhà nào đó vẳng ra tiếng hát cải lương… Khung cảnh giống như ở một xóm nghèo miền Tây Việt Nam. Ông Mười bảo: “Đa số những người dân ở đây đều là người miền Tây.

Khu vực này đã được chính quyền quy hoạch làm công viên từ nhiều năm nhưng chưa thực hiện. Những người dân Campuchia ở gần đã lấn đất, xây phòng trọ để cho thuê. Người Việt chọn nơi này để thuê vì gần trung tâm TP lại có giá rẻ”.

Chúng tôi ghé vào nhà ông Phan Văn Sanh. Căn nhà chừng hai chục thước vuông dựng bằng tôn cũ, vách che bằng giấy các tông, trong nhà chỉ có cái bàn đã cũ cùng một chiếc giường chất đầy quần áo. Ông Sanh đã đi làm, chỉ còn mấy người phụ nữ ở nhà.

Cả nhà ông Sanh qua đây đã hơn chục năm và sống bằng nghề làm thợ thủ công, công việc thu nhập cũng chừng ba chục ngàn ria (tương đương khoảng 1,2 triệu đồng Việt Nam) nhưng vì còn phải nuôi mẹ, vợ và 2 đứa con nên vẫn phải chấp nhận sống ở xóm nghèo này.

Cách đây mấy năm  con gái ông lấy chồng, thêm con rể đi làm tưởng chừng gia đình sẽ hơn, nào ngờ chưa đầy 1 năm, người con rể bị tai nạn chết, ông Sanh lại phải nuôi thêm cả đứa cháu ngoại.

Hiện cả nhà sống bằng thu nhập do mình ông gánh. Cô con gái ở nhà cùng mẹ và bà nội, vừa trông con vừa mở thêm cái quán cóc trước cửa nhà bán cho hàng xóm, ngày thu nhập cũng chỉ chừng mươi ngàn đồng. Quán cóc nhỏ nhoi, vài hộp kẹo rẻ tiền, vài bịch bánh, mấy chai nước ngọt…., tổng cộng vốn chỉ chừng trăm ngàn đồng tiền Việt.

“Khổ lắm chú ơi! Bà con ai cũng nghèo, lấy đâu mà mua nên không dám sắm, bán cho vui thôi chú à” -  Bà mẹ ông Sanh than thở. Bà theo con qua đây hơn 20 năm nhưng chưa về quê lần nào, quê cha đất tổ giờ ra sao bà cũng không biết. “Nhớ lắm nhưng nghèo quá, sao về chú ơi”- Bà rưng rưng nước mắt.

Thấy có người đến, mấy người phụ nữ gần đó cũng tò mò góp chuyện. Một phụ nữ tên Nụ- quê ở Long Xuyên bảo: “Ở đây nhà ai cũng hoàn cảnh hết đó chú. Như tui qua đây với chồng đã bảy năm mà vẫn chưa về quê. Má mất cũng không dám về, chỉ gửi chút tiền về nhờ anh chị thắp nén nhang”.

Một người phụ nữ khác cũng chen vào: “Thì tui có khá gì hơn đâu. Qua đây gần hai chục năm, bồng con về thăm quê có lần một mà qua đây trả góp mấy năm nay chưa xong, giờ thằng con mới 15 tuổi đã phải cho đi làm phụ ba nó”.

Chúng tôi tới một căn nhà sát bờ sông, nơi 5 người đàn ông ở trần đang ngồi nhậu. Chỉ có đĩa cá khô, một ít hoa quả gọt sẵn cùng can rượu 5 lít đã vơi gần nửa: “Ủa sao giờ này chưa đi làm mà lại ngồi đây?” - Ông Mười lên tiếng.

Người đàn ông có gương mặt khắc khổ, ngồi quay mặt về phía cửa than: “Ế ẩm quá chú Mười ơi! Hàng bán không được, hôm qua lại bị cảnh sát dẹp, nằm nhà nghỉ mấy hôm xem sao đã”.

Người đàn ông vừa lên tiếng tên là Bình, người Đồng Tháp- qua Campuchia đã đã hơn 5 năm và làm nghề bán trái cây dạo trước các khu du lịch tại trung tâm Phnom Pênh. Khi trước, việc quản lý ở đây còn lỏng lẻo nên hàng bán cũng được.

Hai năm nay chính quyền đã xiết chặt dân việc buôn bán nên người bán dạo ế ẩm dần, muốn đổi nghề thì không đủ vốn.

Năm 2004, một vụ cháy lớn xảy ra ở khu xóm nghèo đã thiêu sạch tài sản của những người Việt nơi đây. Nhờ sự can thiệp của Hội Việt kiều, chính quyền Campuchia đã tổ chức cứu trợ, sau đó còn cấp đất, phát vật liệu xây dựng cho những hộ bị cháy nhà.

Tuy nhiên, việc này cũng không thể giúp cho những người nghèo nơi đây nâng cấp cuộc sống của mình. Nhiều hộ bán đất, bán vật liệu xây dựng với giá rẻ để quay lại xóm, thuê nhà ở tiếp. Lý do duy nhất mà họ đưa ra là chỗ ở mới chưa có điện chưa có nước, lại khá xa trung tâm nên tìm việc làm rất khó.

Xóm nghèo nhưng tình người không nghèo. Mấy năm nay, nhờ có hoạt động của Hội, sự gắn bó, tinh thần đoàn kết của những người Việt nơi đây mạnh lên rất nhiều. Không chỉ giúp nhau trong cuộc sống mà bà con đã biết gắn bó, nương tựa nhau cùng vượt qua khó khăn.

Những bà con gặp hoạn nạn đã tìm đến Hội, coi Hội như là một điểm tựa về tinh thần. Ông Mười đưa ra danh sách những hộ khó khăn được Hội vận động trợ cấp: Ông Nguyễn Văn Ốc bệnh mất, Hội vận động giúp đỡ và chi phí đám ma; Vụ Huỳnh Văn Vũ, Hội vận động được 125 ngàn ria cho vợ con; Cô Nguyễn Thị Lệ bị lừa sang Campuchia, Hội cũng vận động được 125 ngàn ria và giúp đưa về Việt Nam...

“Chúng tôi đã tổ chức được các lớp học tiếng Việt cho con em Việt kiều. Chính quyền Campuchia cũng đã cấp đất xây trường và một số địa phương ở Việt Nam đã giúp đỡ về kinh phí nên sang năm, ở đây sẽ có thêm trường dạy tiếng Việt”- Ông Mười tự hào nói.  

MỚI - NÓNG