Xôn xao một vùng quê sau cái chết của cô gái nhiễm HIV-AIDS

Xôn xao một vùng quê sau cái chết của cô gái nhiễm HIV-AIDS
TP - Tin Nhi(*) (thị trấn Đô Lương, Nghệ An) chết vì HIV-AIDS khiến nhiều khách làng chơi hoang mang cực độ. “Quả bom” HIV-AIDS đang lơ lửng trên đầu, làm xáo động cuộc sống của một bộ phận người dân phố huyện.
Xôn xao một vùng quê sau cái chết của cô gái nhiễm HIV-AIDS ảnh 1
Đô Lương - thị trấn yên bình từng bị chao đảo trước thông tin một cô gái chết vì HIV- AIDS

Thị trấn Đô Lương nằm trên Quốc lộ 7 (ngã 3 Diễn Châu, Mường Xén), một trong những đô thị sầm uất và giàu có nhất miền Tây xứ Nghệ.

Giao thông ở đây rất thuận tiện, từ ngã ba thị trấn theo đường 15A có thể sang Tân Kỳ, ngược lên Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong; Bám dọc đường 7 là các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn.

Trên đường đến thị trấn Đô Lương, tôi ghé qua thửa đất bên đường 15 - nơi trước đây là quán cà phê đông vui nhộn nhịp Nhi từng làm tiếp viên. Lều quán đã chuyển đi chỗ khác, lô đất trở nên hoang vắng, trên nền cũ còn sót lại một ít chai lọ và những mảnh vỡ.

Nhà của Nhi cách chỗ bán hàng không xa, cô thường đi về qua góc phố chật hẹp và đôi lúc cô cảm thấy mình như một kẻ lạc lõng, bơ vơ. Chồng mất, một mình nuôi hai đứa con nhỏ cùng sống với mẹ chồng gần 70 tuổi, cuộc sống nghèo túng triền miên như một màn đêm đen tối bao phủ lấy người quả phụ.

Vì nghèo, vì cần tiền nuôi con ăn học, Nhi chấp nhận bán thân cho những người khách lạ. Nhưng cái chết không đến từ những cuộc mây mưa, cái chết lan truyền từ chồng cô- người nghiện ma tuý. Anh bị nhiễm HIV, chuyển sang AIDS và đã lìa đời.

Tôi đứng giữa ngã ba Đô Lương, hình dung về con đường Nhi đã trải qua. Ngọt ngào thì ít, cay đắng thì nhiều, hầu như cuộc đời của Nhi chưa bao giờ được hưởng một ngày hạnh phúc trọn vẹn. Sinh ra trong một gia đình thuộc diện “nghèo cùng đinh” ở huyện miền núi Tân Kỳ, từ nhỏ cô bé N đã phải bỏ học đi làm thuê làm mướn, ăn nhờ ở đậu nhà người.

Lớn lên, tiếp tục thất học và đi làm thuê. Nhi phiêu dạt xuống Đô Lương và gặp Q. Họ cưới nhau. Chồng xe ôm, vợ bưng bê cà phê thuê kiếm mỗi tháng dăm ba trăm ngàn đồng. Chồng lâm bệnh, chết. Bán cà phê không đủ ăn, Nhi phải bán cả đời con gái cho khách mua vui. Khuôn mặt xinh đẹp, thân hình cân đối với những đường cong “chết người”, Nhi đã làm nghiêng ngả bao trái tim đàn ông.

Nhà của Nhi nằm trong ngõ nhỏ, trước căn nhà cấp 4 tồi tàn có mảnh vườn chật hẹp trồng khoai lang, rau diếp, hành tỏi. Tối om. Tôi gọi tên mẹ chồng Nhi phải đợi đến vài chục phút ánh đèn điện mới bật sáng, trong nhà có tiếng dép sột soạt.

“Khuya rồi, chú đến có việc gì không?”, mẹ Nhi hỏi. “Cháu vào thắp hương cho Nhi, xin phép bác!”. Bà dẫn thẳng tôi vào gian nhà bếp. “Em nó nằm đây!”.

Trên bàn thờ, di ảnh Nhi cười buồn. Nhà bếp rộng chừng 5m2 trước đây làm chỗ nấu ăn, cũng là chỗ Nhi nằm “điều trị” những ngày tàn tạ. Lạnh lẽo, cô đơn. Lúc bệnh tình của Nhi chuyển sang giai đoạn cuối, sợ lây sang 2 con gái của Nhi, mẹ chồng cách ly cô ở khu vực riêng: nhà bếp. “Bố mẹ nó bị HIV- AIDS, nhưng may mà hai đứa con không hề hấn gì, chú ạ!”, chủ nhà nói.

Hai con của Nhi, đứa lớn học lớp 6, đứa út học lớp 2, xinh xắn và khỏe mạnh. 11 giờ đêm, chúng đang thiêm thiếp ngủ trên chõng tre, khuôn mặt thơ ngây hồn nhiên. Đến lúc này tôi mới để ý đến chủ nhà. Cao, gầy, bà có nước da ngăm đen và giọng nói sang sảng. Cuộc đời của bà trầm luân, khổ cực từ ngày lấy chồng.

Cưới nhau chưa được bao lâu, chồng bà đi chiến đấu và hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Một mình bà thay chồng nuôi hai đứa con, một trai một gái. Bây giờ, bà lại thay con nuôi 2 cháu nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Con trai mất, con dâu chết, bà không khóc được nữa. Nước mắt của người mẹ bất hạnh ấy đã thấm ướt đường đời!

Tiếng sét giữa ngày đông

Tháng 11 năm 2007. Nhi nhiễm trùng cơ hội, HIV- AIDS giai đoạn cuối. Sau hai tuần nằm viện, cô chuyển về nhà. Người con gái “hồng nhan bạc mệnh” ấy vốn đã chịu nhiều đau thương khi tuổi còn thanh xuân, giờ ra đi trong hiu quạnh. Bạn bè xa lánh, bên giường bệnh lúc đó chỉ có mẹ đẻ, mẹ chồng. Bố cô ốm liệt giường ở Tân Kỳ không xuống Đô Lương thăm con gái được. Chưa đầy một tháng sau khi Nhi mất, bố cô cũng nhắm mắt về với tổ tiên.

Cái chết của Nhi đã được báo trước, như một định mệnh, nhưng với nhiều kẻ đàn ông thì quả là một cú “sốc”. Bởi, trong lúc ân ái với Nhi, họ cố tình không dùng bao cao su phòng bệnh. Lo lắng hơn, dân thị trấn rỉ tai nhau rằng có hàng trăm người quan hệ với Nhi mà không dùng “biện pháp an toàn”.

Thấy Nhi đẹp, Nhi xinh, nhiều kẻ “háu gái” không thèm “đi” OK! Ngồi ở hàng nước, hàng phở, hàng rau, đâu đâu cũng thấy dân thị trấn kháo nhau tin này. Có chuyện kể: Hôm trăng thanh gió mát, một gã đàn ông đi nhậu về, xỉn, sà vào quán cà phê gọi một ly thượng hạng, rồi trong lúc trà dư tửu hậu anh ta mới rủ Nhi vào nhà nghỉ.

Nhi bảo: “Em bị nhiễm HIV rồi, anh đi bao vào cẩn thận nhé!”. Tên này vỗ ngực cười nói oang oang: “Ta đây sợ gì! Ở làng ta nhiều người chết vì ung thư, đến ung thư ta cũng chả sợ, HIV là con cóc gì. Ta không sợ!”. Thế rồi hắn xé toạc bao cao su trước mặt Nhi rồi lao vào cô.

“Chết là cái chắc rồi!”, có người bình luận. “Ngu như thế, không chết mới là lạ!”, người khác bàn tới. Đang ăn sáng với tôi cạnh ngã ba Đô Lương, H giật mình vỗ tay đôm đốp: “May cho tớ, mày ạ! Nhắc đến Nhi tao mới nhớ ra chuyện này!”.

H chậm rãi kể: “Trước khi Nhi chết khoảng 2 tháng, có hôm rượu vào “ong ong” tao và thằng bạn mới dắt Nhi về nhà nghỉ. Thằng bạn “đi” trước, đến lượt tao cầm chìa khóa lên phòng bỗng chuông điện thoại đổ. “Về nhà có việc gấp!”, vợ gọi. Thằng con ốm, tao phải về đưa nó đi viện chứ nếu không đêm ấy toi rồi. Rượu phê phê, gặp em xinh như mộng có khi không dùng bao, mày ạ!”.

Dân thị trấn còn đồn thổi một hung tin: Trước khi ra đi, Nhi để lại cuốn nhật ký ghi rõ ngày giờ, danh sách những kẻ từng quan hệ với cô mà không dùng biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, tin đồn chỉ là tin đồn, nhưng cũng khiến nhiều kẻ mất ăn mất ngủ.

Trong một lần tiếp xúc với nhân viên y tế, bác sỹ hỏi: “Vì sao chị biết mình bị nhiễm HIV, vẫn cho người khác quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su?”. Nhi trả lời: “Em đã nói rõ bệnh tật của mình, nhưng người ta cứ tưởng em đùa. Hơn nữa, nhiều người không muốn dùng “bao”!

Cái chết của Nhi như tiếng sét giáng xuống thị trấn bé nhỏ yên bình giữa ngày đông, như một lời cảnh báo.

Một phen hú vía

Các nhân viên y tá tại Khoa Lây, Trung tâm y tế huyện Đô Lương cho biết trong thời gian Nhi nằm điều trị ở bệnh viện, chỉ có một người bạn gái của Nhi đến chăm sóc cô. “Thật tội nghiệp, hình như cô ấy chẳng còn ai!”, nữ y tá xót xa.

Anh Đặng Ngọc Mạnh- Cán bộ Trung tâm y tế dự phòng Đô Lương kể: “Lúc Nhi vào viện, có một thanh niên đến nhờ tôi tư vấn về HIV- AIDS. Trông anh ta hoảng loạn và hết sức lo lắng về sức khỏe của mình, thậm chí khi ngồi lâu hai cẳng chân bị tê, anh ta liền chỉ vào đôi chân của mình và luôn miệng hỏi: Bác sỹ ơi, chân em bị tê như thế này có phải bị Si-đa không?”.

Ban đầu, anh ta nói quê ở Thanh Chương, nhưng sau thú nhận là quê Đô Lương. Trong một lần gần gũi Nhi anh chàng “quên” mang bao cao su.

Các Bác sỹ Phòng Xét nghiệm, Khoa Cận lâm sàng tiến hành lấy mẫu máu, thử test cho người thanh niên nói trên, kết quả âm tính. Biết mình không bị lây nhiễm HIV, anh ta cầm biên bản xét nghiệm chạy thẳng một mạch về nhà.

Trao đổi với Tiền phong, BS Quế Anh Trâm- Trưởng Khoa truyền nhiễm BV Đa khoa Nghệ An cho biết trong giai đoạn cửa sổ, bệnh nhân mới lây nhiễm HIV- AIDS đôi lúc vẫn chưa thể phát hiện ra virút HIV trong máu.

BS Trâm nói: “Việc quan hệ tình dục với người bị nhiễm HIV-AIDS mà không sử dụng biện pháp an toàn là rất nguy hiểm. Trong lúc giao hợp, nếu chỗ kín bị xây xước nhẹ là “dính” bệnh ngay!”. Đối với những con nghiện ma tuý dùng chung kim tiêm, tỉ lệ lây truyền HIV là tuyệt đối: 100%.

Trước và sau khi Nhi ra đi, Trung tâm y tế huyện Đô Lương cũng đã ghi nhận một số trường hợp đến kiểm tra HIV- AIDS trên địa bàn này. Chị Nhung- nhân viên kỹ thuật Phòng Xét nghiệm kể lại:

“Những ngày Nhi đang nằm điều trị tại Khoa Lây, chúng tôi thấy 3-4 thanh niên đến đăng ký xét nghiệm HIV, họ nói đã từng quan hệ tình dục không an toàn với một cô gái và cảm thấy rất lo lắng”. Khi nhân viên y tá thăm dò liệu đó có phải là Nhi không, tất cả đều lảng tránh câu trả lời.

Một bộ phận Nam giới cư trú trên địa bàn tỏ ra “đặc biệt quan tâm” đến thông tin về bệnh tình của Nhi, có người cảm thấy “sốc” khi nghe tin Nhi đã chết vì HIV- AIDS. Dù sao, sau sự ra đi của cô gái trẻ “hồng nhan bạc mệnh”, nhiều kẻ “hám của lạ” đã qua một phen... hú vía.

 Quang Long

(*)Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

MỚI - NÓNG