Nỗi ám ảnh mang tên… sạt lở. Bài 3:

Ðất đi, sổ đỏ ở… ngân hàng

Sạt lở sát mé nhà dân ở Vĩnh Long. ẢNH: NHẬT HUY
Sạt lở sát mé nhà dân ở Vĩnh Long. ẢNH: NHẬT HUY
TP - Hiện nay, sạt lở hầu như có mặt ở khắp ngõ ngách từ bờ sông, bờ biển, cù lao và cồn trong khu vực ÐBSCL. Thảm họa này đã cuốn đi nhà cửa, hoa màu, khiến cuộc sống người dân ngày càng trở nên bí bách.

SỐNG TRONG SỢ HÃI

 Bà Ngô Thị Cẩm Hương ở ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình (Chợ Lách, Bến Tre) ngồi trong căn nhà cấp bốn mái tôn, vừa sửa sang lại của mẹ ruột để mở tiệm buôn bán tạp hóa sống hằng ngày. Căn nhà của bà xây dựng vừa xong, chuẩn bị vào ở  bị sụp xuống sông hồi tháng 10 năm ngoái khiến gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất. “Vợ chồng tích góp hơn 15 năm mới xây được căn nhà khang trang, trị giá gần 300 triệu đồng, còn 3 bữa nữa mới vào nhà mới nhưng chưa kịp tận hưởng ngày nào đã bị “hà bá” cuốn trôi”, bà Hương nghẹn ngào nói.

Hằng ngày bà bán tạp hóa nhỏ, chồng chạy xe ôm nuôi con gái đang học lớp 6.  Bà kể, gần nửa tháng chuẩn bị vào nhà mới ở, đêm nằm vợ chồng thủ thỉ có được căn nhà mừng vô kể. “Nhiều đêm không ngủ được vì vợ chồng từ hai bàn tay trắng tạo nên căn nhà như thế là quá hạnh phúc rồi. Thế mà, trời không thương, tai họa ập đến khiến tôi suy sụp tinh thần cả tháng trời mới gượng dậy nổi”, bà Hương tâm sự.

Ðang trò chuyện, chồng bà là ông Phan Văn Phong vừa chạy xe ôm về đến nhà, góp chuyện: “Làm nghề này bữa trúng bữa trật, có hôm kiếm trăm ngàn nhưng cũng có hôm bão kéo dài, chỉ được vài đồng”. Ông Phong cho biết, ở đây có ai nghĩ sẽ sạt lở ghê gớm đến vậy. “Lúc đó, vợ ngã khuỵu rồi ngất còn tôi như chết đứng vì xót của. Bây giờ không biết làm đến bao giờ mới kiếm được ngần ấy tiền nữa”, ông Phong than thở.

Không những vậy, vợ ông Phong còn cho biết thêm, sau sự cố xảy ra, vợ chồng cất căn nhà chế bằng sắt để ở tạm, nhưng sau cơn giông gió thổi bay “tứ cẳng lên trời”, tang hoang mọi thứ. Sau đó, cùng kế mới sửa lại căn nhà cũ kỹ của mẹ ở tạm để buôn bán đến giờ.  

 Bà Phan Thị Hóa, năm nay 67 tuổi, tóc bạc trắng sống ở đây từ bé đến giờ. Bà dẫn chúng tôi ra mé sông Cổ Chiên, nói: “Trước đây cồn này còn xa ngoài kia mấy công đất nhưng mỗi năm lở dần, mất đất, mất nhà mới chạy vào. Không biết vài năm nữa có còn đất để sản xuất”, bà Hóa lo lắng.

 Bà Hóa cũng bị ảnh hưởng sạt lở và được nhà nước hỗ trợ cất nhà dời sâu vào bên trong ở được vài tháng. Bà đứng nhìn dáo dác về phía  đầu và đuôi cồn thấy xáng cạp rú hình hịch hút cát suốt ngày. “Không biết dăm năm nữa dân cồn này sẽ ra sao?”, bà Hóa giọng đầy ưu tư.

Bà Hóa vừa dứt lời, bà Hương liền nói: “Nhà tôi giờ xuống sông cầm cuốn sổ đỏ ở lại nhìn đau lòng. Giờ muốn đi vay tiền để làm ăn hay sửa sang nhà cửa cũng chẳng ai cho”, rồi bà nói tiếp: “Bây giờ còn đỡ chứ vài năm trước ở đầu và cuối cồn xáng cạp múc cát suốt ngày đêm, người dân bức xúc lo sợ sạt lở nên kéo nhau ra ngăn họ lại. Có lần dân đi ít, bọn họ kêu giang hồ chống cự, hai bên giằng co đến mức công an phải can thiệp”, bà Hương nói.

MỎI MÒN CHỜ KÈ

Bà Phạm Thị Thơi ở thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang) bị ảnh hưởng nặng trong vụ sạt lở hồi cuối năm ngoái kể: “Tôi mất nửa căn nhà, sau đó địa phương cấp cho một cái nền nhà ở vào khu tái định cư để sinh sống. Tuy nhiên, vì ở đó hẻo lánh, nằm cách đây gần chục cây số, không làm ăn buôn bán gì nên bám trụ lại chờ nhà nước làm kè”. 

Theo bà Thơi, sau nhà vẫn còn đất nếu sạt lở tới đâu thì bà cứ lùi dần nhà vào để tiếp tục ở. “Căn nhà đang ở trước đây xây dựng cả trăm triệu đồng, nếu vào khu tái định cư, nhà nước cấp cho 20 triệu thì số tiền ấy không đủ làm được nhà. Do vậy, tôi buộc lòng phải liều tiếp tục ở dù bất an, lo sợ”, bà Thơi nói.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (59 tuổi) ở tổ 6, khóm 3, phường Thành Phước (Bình Minh, Vĩnh Long) có nhà tại nơi sạt lở. Bà cho biết, chồng bà bị bệnh tai biến, bác sĩ khuyên nên tìm nơi yên tĩnh ở để điều trị nên gia đình mới mua mảnh đất ở cạnh sông Hậu rồi cất nhà. Mới ở được vài năm thì hàng chục căn nhà ở cạnh mé sông bị nước cuốn trôi. Lúc đầu vị trí sạt lở có vài mét, bây giờ lên đến hàng trăm mét. “Mùa mưa bão sắp tới nhà nằm ở đây thì lúc nào cũng bất an. Do không được khắc phục, gia cố kịp thời nên vị trí lở càng rộng và nay chỉ còn cách nhà tôi vài bước chân”, bà Lệ tâm tư.

Ðất đi, sổ đỏ ở… ngân hàng ảnh 1

Gia đình bà Ngô Thị Cẩm Hương ở Bến Tre sống trong bất an. ẢNH: HÒA HỘI.

Cũng theo bà Lệ, con đường bê tông phía trước nhà bị “ngoạm” nham nhở, sóng đánh sập luôn một đoạn nên việc đi lại của người dân khu vực này gặp rất nhiều khó khăn. “Ðứa con dâu của tôi mang bầu, đi làm bên Cần Thơ nhưng đường sá hư hỏng đi lại khó khăn nên đành phải thuê căn nhà bên đó ở trọ”, bà Lệ nói.

Thấy người dân vất vả trong việc đi lại vì sạt lở, ông Lê Ngọc Hiếu (77 tuổi, người dân địa phương) đã vận động quyên góp gần chục triệu đồng mua ván, xi măng xây dựng cây cầu dài khoảng 15m, bắc ngang khu vực sạt lở để phục vụ nhu cầu đi lại: “Khi thực hiện làm cây cầu này, địa phương đến không cho làm vì sợ tiền mất, tật mang nếu sạt lở xảy ra. Tôi cùng với ông tổ trưởng ở đây vận động người dân kí cam kết đảm bảo không khiếu nại, rồi trình lên mới được xây dựng”, ông Hiếu chia sẻ.

Theo ông Nhàn, tổ trưởng tổ 6, khóm 3, sạt lở diễn biến bất thường ở khu vực tiếp giáp sông Hậu nên khi mưa to, nước chảy xiết, sóng ập vào là từng mảnh đất “bay” mất. “Tôi nghe nói là có nguồn vốn để xây dựng bờ kè cấp bách cho các khu vực nguy hiểm. Người dân ở đây mong muốn nhà nước sớm đầu tư để dân yên tâm, ổn định cuộc sống”, ông Nhàn bày tỏ.

(Còn nữa) 

“Ở đây đa số là dân lao động nghèo, khi họ bị mất nhà mà giấy tờ (sổ đỏ) còn nằm trong ngân hàng. Sau đó, ngân hàng giải quyết bằng cách chuyển qua nền tái định cư mà nhà nước đã hỗ trợ, rồi người dân trả lãi dần”.

Ông Phạm Văn Nhàn nói

Ông Phạm Văn Nhàn - Tổ trưởng tổ 6, khóm 3 cho biết, sạt lở hồi cuối năm ngoái làm cho 30 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn. Trong đó có 2 trường hợp nhà của người dân đã thế chấp ngân hàng.
MỚI - NÓNG