Biên chế hành chính vẫn phình to

Biên chế hành chính vẫn phình to
TP - Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) bằng văn bản, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, biên chế bộ máy hành chính 10 năm qua sau tinh giản, cải cách vẫn tăng 25%, có bộ đang có tới 10 thứ trưởng…
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 18-11, ông Nguyễn Đình Xuân nói: Khi chúng ta lập ra cơ quan mới, luật mới, biên chế bộ máy hành chính phải tăng. Nhưng tăng tới 25% là quá nhiều, trong khi chúng ta đang có chính sách giảm biên chế ở một số cơ quan.

Vậy, ông nghĩ sao khi một bộ có tới 10 thứ trưởng?

Tôi nghĩ một bộ có bao nhiêu thứ trưởng không phải do Quốc hội đặt ra, mà đây là Chính phủ quy định mỗi bộ chỉ có tối đa 4 thứ trưởng. Khi mới nhập lại có thể nhiều, nhưng phải có lộ trình giảm xuống. Điều tôi quan tâm là làm sao ông bộ trưởng có thể làm việc cùng một lúc với 10 thứ trưởng. Lãnh đạo sẽ quản lý theo cơ chế nào hay mỗi thứ trưởng là một mảng độc lập. Như vậy, trách nhiệm người đứng đầu ở đâu? Cái chính là chúng ta đang có vấn đề trong tổ chức bộ máy ở các cơ quan.

Có thực tế là sau mỗi lần sáp nhập bộ, ngành, địa phương, thường chỉ bớt được ông thủ trưởng còn tất cả vẫn giữ nguyên?

Mục tiêu sáp nhập là bộ máy tinh gọn hơn, nhưng lại không tinh gọn gì cả. Hai bộ sáp nhập lại, mỗi bộ có 5 thứ trưởng thì bộ mới thành lập sẽ có 10 thứ trưởng. Các phòng ban, vụ, cục cũng cộng số học lại với nhau. Vậy việc sáp nhập này có giải quyết được vấn đề chúng ta mong muốn không? Tại sao không để cả hai bộ? Đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ và đánh giá.

Nhưng việc giảm cán bộ cấp cao này là rất khó?

Đó là cơ chế, cán bộ thường chỉ có lên, ít khi xuống, kể cả khi Nhà nước không cần nữa. Chúng ta phải xem lại cơ chế này. Ai cũng nói cán bộ, đảng viên làm việc theo sự phân công. Hôm nay, tôi cần một người ở vị trí này, bây giờ sáp nhập bộ, không cần người ở vị trí đó nữa thì xin mời anh chuyển vị trí khác và có thể nhận một chức vụ thấp hơn. Đây không phải là kỷ luật mà do không có chỗ. Thế nhưng, chúng ta nói nhiều mà không làm được như vậy.

Thực ra, là một cán bộ nhà nước, tôi cũng không bao giờ muốn mình mất chức cả. Nhưng nếu ai cũng như thế thì chúng ta sẽ có cơ chế chỉ có lên, không có xuống. Dẫn đến, biên chế không giảm được, chức vụ không giảm được và quan trọng hơn là không có chỗ cho người trẻ, không trẻ hóa được đội ngũ.

Điều lo ngại nữa là các bộ thành lập nhiều tổng cục và dưới tổng cục lại là các cục, vụ khiến bộ máy không giảm được?

Không phải thành lập tổng cục chỉ tăng người tổng cục mà còn tăng cả ở dưới địa phương, vì có tổng cục thì đẻ ra chi cục. Từ một phòng công tác chỉ 5 người, thành lập một chi cục là ra mấy chục người, phải có kế toán, thủ quỹ, lái xe, thậm chí phòng hành chính riêng.

Tôi nghĩ cần xem xét, đánh giá lại xu hướng này. Có người nói thành lập tổng cục không những không giảm được biên chế mà còn tăng tầng nấc, thay vì tôi báo cáo bộ trưởng thì bây giờ báo cáo qua tổng cục trước. Ở dưới, thay vì phòng báo cáo lên giám đốc sở thì báo cáo lên chi cục trưởng.

Hiện tại, hai Bộ NN&PTNT, Công Thương đang có tới 10 thứ trưởng. Bộ TN&MT, Tài chính có 7 thứ trưởng; Bộ Xây dựng, Nội vụ, Văn phòng Chính phủ có 6 thứ trưởng. Bộ Nội vụ cho rằng, ngoài việc hợp nhất các bộ, còn có lý do chủ quan, quan trọng là thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo từ địa phương lên T.Ư và ngược lại. Bộ Nội vụ cho biết, sau đại hội Đảng toàn quốc, sẽ điều chuyển số cán bộ lãnh đạo cấp bộ để giảm dần số cấp phó theo đúng chủ trương. (Theo báo cáo số 3930/BNV-TCBC ngày 8-11-2010 do Bộ trưởng Trần Văn Tuấn ký trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Đình Xuân) 

Hà Nhân (ghi)

MỚI - NÓNG