Công tác hỗ trợ truyền thông về tác hại của thuốc lá

Hội thi tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá khu vực I của Công đoàn Y tế Việt Nam
Hội thi tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá khu vực I của Công đoàn Y tế Việt Nam
Việc Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và cho phép thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá là một bước tiến quan trọng góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam khi phê chuẩn Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nói riêng và công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng nói chung.

Theo đó, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) được thành lập nhằm mở rộng các cơ chế tài trợ bền vững và dành riêng cho các chương trình nâng cao sức khỏe sẽ làm giảm nhu cầu chi tiền cho các dịch vụ khám chữa bệnh, đem lại không chỉ lợi ích sức khỏe cho người dân mà còn cả lợi ích kinh tế cho quốc gia. 

Để chuyển tải được thông tin đến với cộng đồng và các đối tượng khác nhau, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội truyền thông trên nhiều kênh từ trung ương đến địa phương với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bao gồm cả báo hình, báo viết, các trang mạng xã hội.

Các hoạt động truyền thông còn được tổ chức sâu rộng tới cộng đồng thông qua các buổi giao lưu, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, các cuộc thi vẽ tranh, thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá, truyền thông lưu động tại các xã phường, làng bản, các cơ sở y tế, trường học...

Một trong những mục tiêu truyền thông quan trọng của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá là hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, vì vậy, các nội dung truyền thông chủ yếu tập trung vào: Quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn, nhà hàng, bến tàu, bến xe; Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người đứng đầu, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá; Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; các mô hình, tấm gương cơ quan đơn vị thực hiện tốt các quy định về môi trường không khói thuốc, tấm gương cá nhân bỏ thuốc.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông chung cho cộng đồng, các nội dung truyền thông cũng được xây dựng nhằm hướng tới các nhóm đối tượng cụ thể để giúp đạt hiệu quả truyền thông tốt nhất: thành thị - nông thôn, thanh thiếu niên, cán bộ công chức, người lao động, học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số.

Năm 2019, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Cuộc thi sáng tác tranh cổ động về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Với gần 800 tác phẩm dự thi, Ban giám khảo đã chọn ra 07 giải khuyến khích, 03 giải Ba, 03 giải nhì và 01 giải phong trào dành cho đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi chất lượng nhất là Trường Tiểu học Kim Bình, Thành phố Phủ Lý, Tỉnh Hà Nam.

Cùng với Bộ Y tế, luôn có sự đồng hành của các bộ ngành, các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội để thực hiện công tác truyền thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Nghiên cứu đánh giá hằng năm đối với các chiến dịch truyền thông của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá thực hiện trong giai đoạn 2014-2018 được tiến hành độc lập bởi tổ chức Y tế cộng đồng Vital Strategies đã cho thấy kết quả tích cực của các chiến dịch truyền thông. Năm 2018, 60% số người được hỏi có nghe thấy hoặc nhìn thấy các thông tin về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe trên các phương tiện truyền thông và 70% số người trả lời có nhìn thấy các biển cấm hút thuốc các khu vực ngoài trời. Kết quả cũng cho thấy 84% người hút thuốc lá nói rằng việc tiếp nhận các thông tin trong chiến dịch truyền thông khiến họ lo lắng hơn về tác hại của thuốc lá lên sức khỏe bản thân, 83% người hút thuốc lá lo lắng cho sức khỏe gia đình họ. 50% số người hút thuốc được hỏi cho biết họ đã nhận được lời khuyên bỏ thuốc lá từ các thành viên gia đình mình trong vòng sáu tháng trở lại đây so với 44% năm 2017. 70% số người hút thuốc nói rằng họ đã cố gắng bỏ thuốc và 61% người không hút thuốc nói rằng họ đã khuyến khích người hút thuốc bỏ thuốc khi được tiếp nhận các thông tin từ chiến dịch truyền thông.

MỚI - NÓNG