Để nông thôn không còn “khát” nước sạch

Tỉ lệ người dân khu vực nông thôn và miền núi được sử dụng nước sạch vẫn còn hạn chế (Ảnh minh họa)
Tỉ lệ người dân khu vực nông thôn và miền núi được sử dụng nước sạch vẫn còn hạn chế (Ảnh minh họa)
Trong những năm gần đây, cấp nước sạch nông thôn đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong phát triển nông thôn mới. Tuy nhiên, đối với nhiều khu vực nông thôn và miền núi, việc sử dụng nước sạch vẫn còn nhiều hạn chế. Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và cấp nước nông thôn dựa trên kết quả” đã hỗ trợ và giúp đỡ cho các tỉnh tham gia dự án được tiếp cận rộng rãi với nước sạch.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 80% loại bệnh tật có liên quan đến chất lượng nước và vệ sinh môi trường mà chủ yếu là do chất lượng nước, nhất là các bệnh về đường ruột, bệnh tả, bệnh thương hàn,... Điều đáng nói, số người mắc các bệnh này tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn quốc có khoảng 84,5% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong đó, vùng có số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh cao nhất là Đông Nam bộ với 94,5%, đồng bằng sông Hồng với 91%, đồng bằng sông Cửu Long với 88%. Tuy nhiên, theo kết quả báo cáo của Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới, mặc dù tỷ lệ 84,5% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, song số hộ dân nông thôn thụ hưởng nước sạch đạt chuẩn của Bộ Y tế mới chỉ chiếm 42%.

Nhận thấy nước sạch nông thôn là một vấn đề lớn cần được giải quyết, chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” được triển khai nhằm tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch của người dân ở nông thôn và độ bao phủ nước hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn miền núi.

Đây là chương trình dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới, tập trung hướng đến 21 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong giai đoạn 2016 -2020. Những tỉnh này có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất cũng như có nhóm dân số nghèo nhất và dễ tổn thương nhất Việt Nam, đồng thời là nơi có độ bao phủ vệ sinh thấp nhất trên toàn quốc, tỷ lệ suy dinh dưỡng, nghèo và bệnh tiêu chảy cao nhất.

Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình là tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn, cụ thể: đạt số đấu nối cấp nước hoạt động 255.000 (với số người hưởng lợi từ cấp nước khoảng 1.045.000 người), tăng độ bao phủ nước hợp vệ sinh ở các khu vực mục tiêu; xây dựng năng lực ở cấp tỉnh, xã và thôn, bản.

Để nông thôn không còn “khát” nước sạch ảnh 1 Đoàn đại diện các Tổ quản lý công trình cấp nước tại các xã ở Lào Cai tham gia lớp tập huấn tại Sơn La (Ảnh: snnptnt.laocai.gov.vn)

Trong lịch sử, Việt Nam đã báo cáo tình trạng thiết kế quá mức cho các công trình nước nông thôn, dẫn tới thiếu hiệu quả trong đầu tư và tính bền vững thấp. Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” có các tiêu chí kỹ thuật cho thiết kế các công trình nước nhằm giải quyết tình trạng này.

Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã chủ động xem xét việc thiết kế các công trình trong chương trình và không báo cáo bất kỳ trường hợp thiết kế quá mức nào. Tỷ lệ đấu nối tới các hệ thống dự kiến ít nhất là 60% trong năm đầu hoạt động theo cam kết của người sử dụng trong báo cáo kinh tế - kỹ thuật đã được phê duyệt.

Qua quá trình triển khai thực hiện dự án, đến nay chương trình đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhiều hộ gia đình ở các khu vực khó khăn của các tỉnh nhận được sự hỗ trợ của dự án đã được tiếp cận và sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, góp phần làm giảm tình trạng bệnh tật trong các khu dân cư, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh, qua đó tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng cuộc sống người dân trong khu vực được nâng cao.

MỚI - NÓNG