Đường đến ghế lái của nữ phi công trẻ

Đường đến ghế lái của nữ phi công trẻ
Từng là tiếp viên hàng không, “vi vu” trên các chuyến bay trong và ngoài nước, nhưng được ngồi vào ghế lái của phi công mới thỏa nỗi đam mê của Ngọc Bích. Cô đã tự thử thách bản thân để đi học lái máy bay và giờ chính thức trở thành nữ phi công của Vietnam Airlines...

Gương mặt tiêu biểu của ngành giao thông 

Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành Giao thông vận tải diễn ra ngày 22/8 vừa qua, phi công Nguyễn Ngọc Bích của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vinh dự là đại diện của thế hệ trẻ ngành GTVT phát biểu và cam kết thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của Ngành giai đoạn 2015 - 2020.

Nữ cơ phó 27 tuổi, điều khiển dòng máy bay Airbus A321 của Hãng hàng không Quốc gia kể về “ước mơ bay”: “Với tôi, mơ ước từ nhỏ là được tham gia vào các chuyến bay trên bầu trời, được đến nhiều vùng đất khác nhau của Việt Nam và thế giới, được thử thách và khẳng định bản thân và đặc biệt, được làm những công việc tưởng chừng chỉ có nam giới mới có thể thực hiện được. Đó chính là lý do mà tôi đã trở thành tiếp viên và sau đó là phi công trong đội bay A321 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam”.

Bước ngoặt từ tiếp viên hàng không trở thành phi công của cô gái Hải Phòng này diễn ra năm 2011. Lúc đó, Ngọc Bích đã là tiếp viên của Vietnam Airlines được 3 năm. Biết tin có lớp học phi công của Học Viện Hàng không phối hợp với công ty Bay Việt tổ chức, Ngọc Bích đăng ký và vựợt qua 120 ứng viên, phần lớn là nam giới, trở thành một trong 23 học viên của khóa VFT2. Ngọc Bích cũng là nữ học viên duy nhất của khóa học năm đó.

“Có lẽ tôi sẽ mãi không quên được cảm xúc đặc biệt khi lần đầu tiên được tự mình điều khiển chiếc máy bay mà không có thầy giáo hướng dẫn bay cùng. Đó là cảm giác thật sự hạnh phúc khi được tự mình điều khiển cần lái đưa một chiếc máy bay lên trời cao, để ước mơ trở thành phi công như các chú, các anh trở thành hiện thực” – Bích nhớ lại.

Mong có những chuyến bay êm ái, an toàn nhất cho hành khách

Khi trở thành phi công cũng là lúc Bích bắt đầu có ý thức rõ ràng và chân thực nhất về trách nhiệm đối với sự an toàn tính mạng của chính mình cũng như hàng trăm hành khách trên từng chuyến bay.

Bích nói, mỗi chuyến bay là một tình huống khác nhau, những chuyến bay khi thời tiết xấu, những chuyến bay đêm, những chuyến bay mang trọng trách chở những vị khách đặc biệt, những dịp lễ, Tết xa nhà… đều gắn với sự hy sinh và những kỷ niệm khó phai của bất kỳ người phi công nào.

Càng làm việc, càng học tập, Bích càng thấy mình được trưởng thành hơn. Mỗi chuyến bay với là một hành trình mới, một trải nghiệm mới. “Mỗi lần cất, hạ cánh là một lần thực hành và học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm, làm sao để có những chuyến bay êm ái, thoải mái và an toàn nhất cho tất cả hành khách” – Bích nói.

Đặc biệt là với một phi công nữ, Bích phải tự rèn cho mình tính mạnh mẽ và độc lập, sự dũng cảm và tự tin, từ đó có thể thực hiện tốt những chuyến bay an toàn.

Ngọc Bích chia sẻ, sau mỗi chuyến bay áp lực, vất vả, nhận được những lời cảm ơn, khen ngợi hay những cái bắt tay nồng ấm và sự hài lòng của hành khách. Đó là những phần thưởng quý giá nhất, là nguồn động viên để Bích thêm yêu và gắn bó lâu dài với công việc đã lựa chọn. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.