Hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo

Hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo
Thực hiện lộ trình chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số, đầu thu truyền hình kỹ thuật số sẽ được hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Số hóa truyền hình – người dân được lợi

Cùng với sự bùng nổ thông tin trong thời đại mới, sự phát triển của ngành truyền thông, Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011) đang được cả xã hội trông đợi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Ở đây, khoan bàn đến ích lợi mà doanh nghiệp và Nhà nước được hưởng từ việc tiết kiệm phổ tần số nhờ nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình mà giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ vô tuyến băng rộng; tối ưu chi phí nhờ hệ thống máy phát số cho phép tăng số lượng kênh chương trình (thay vì mỗi máy chỉ phát được một kênh như với truyền hình tương tự),…

Riêng đối với khán giả, lợi ích được thấy rõ bởi từ nay, khi xem truyền hình kỹ thuật số họ sẽ không còn gặp các hiện tượng như: chương trình truyền hình bị gián đoạn, tivi bị dừng hình, vỡ hình, hình ảnh không sắc nét.

Hơn thế, họ còn được xem nhiều chương trình truyền hình đa dạng, phong phú với hình ảnh sắc nét dưới dạng HD, 3D, âm thanh sống động. Lợi ích này càng thấy rõ khi hiện nay xu hướng xã hội hóa nội dung truyền hình đang lan rộng; các đài truyền hình, công ty nội dung số đều nỗ lực tăng thời lượng phát sóng, tăng kênh, đa dạng nội dung. Việc mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân là một trong những mục tiêu lớn được đề cập trong nội dung Đề án.

Có thể nói, khán giả chính là người được lợi nhiều nhất từ việc số hóa truyền hình. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang truyền hình số có những yêu cầu đặc thù riêng. Khi kết thúc phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, chuyển sang phát sóng truyền hình tương tự thì mỗi tivi tương tự phải có thêm một đầu thu số mặt đất (giá từ 500 đến 600 ngàn đồng) thì khán giả mới có thể xem được các chương trình truyền hình kỹ thuật số. Vì vậy, bên cạnh lợi ích mang lại, việc chuyển đổi này sẽ có tác động xã hội rất lớn, liên quan đến hàng triệu hộ dân trên khắp cả nước.

Trang bị đầu thu cho hộ nghèo

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020 là thực hiện mục tiêu đảm bảo số hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số. Có hai mốc quan trọng, đó là “đến năm 2015 đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu truyền hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau” và đến năm 2020 đảm bảo tỷ lệ này là 100%.

Để đảm bảo việc chuyển đổi đáp ứng yêu cầu của Nhà nước và phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân, đồng thời đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước, Đề án đã đề xuất giải pháp tài chính là sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để hỗ trợ trang bị đầu thu kỹ thuật số cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và các hộ gia đình chính sách.

Nội dung giải pháp tài chính này cũng đã được thể hiện trong Quyết định số 11/2014/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Theo Quyết định số 11/2014/QĐ-TTg, nội dung chi của Quỹ bao gồm hỗ trợ thực hiện Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020.

Vấn đề đặt ra là làm sao để sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích?

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cho biết, để việc hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đúng nhu cầu, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình đã triển khai thực hiện khảo sát, điều tra phương thức thu xem truyền hình của người dân, đồng thời tham khảo các số liệu mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội về số hộ gia đình nghèo, cận nghèo của năm 2013 để từ đó xác định kinh phí hỗ trợ và phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.

Theo kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất của Đề án, Đà Nẵng là một trong 5 thành phố lớn đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện việc số hóa truyền hình. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định việc thực hiện thí điểm tại địa bàn Đà Nẵng là cơ sở rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng trên toàn quốc.

Việc hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách theo Đề án số hóa truyền hình đảm bảo các hộ dân được tiếp cận thông tin tuyên truyền thiết yếu, giúp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước.

Như vậy, theo lộ trình thực hiện tới năm 2020, mọi người dân Việt Nam sẽ được thụ hưởng những lợi ích từ việc số hóa truyền hình.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.