Huyện Gia Lâm sẵn sàng 'chuyển mình' lên quận

Từ huyện khó khăn sau 5 năm phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện Gia Lâm đã có thay đổi rõ nét Ảnh: Như Ý
Từ huyện khó khăn sau 5 năm phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện Gia Lâm đã có thay đổi rõ nét Ảnh: Như Ý
Huyện Gia Lâm là vùng cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, mạng lưới hạ tầng đô thị trong đó có giao thông đã và đang được đầu tư đồng bộ, đạt nhiều tiêu chí về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện 100% số xã đã đạt tiêu chí chuẩn Nông thôn mới… Đây là những điều kiện thuận lợi để Gia Lâm có sự chuyển mình quan trọng từ huyện lên quận theo kế hoạch vào giai đoạn 2020-2025.

Ðầu tư, hoàn thiện hạ tầng khung

Vốn là một trong những huyện còn khó khăn tại thành phố Hà Nội, trong vài năm gần đây, huyện Gia Lâm đã trở thành huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện nay nhiều tiêu chí về kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị đạt tại huyện Gia Lâm đã đạt tiêu chuẩn của quận. Việc đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm phát triển sớm trở thành quận có nhiều yếu tố thuận lợi: Nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, trên trục giao thông đầu mối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được duyệt, huyện Gia Lâm là khu vực đô thị trung tâm, tiếp giáp với các quận nội thành Long Biên, Hoàng Mai và khu đô thị Ecopark của tỉnh Hưng Yên.

Liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, hiện mạng lưới giao thông đường bộ của huyện Gia Lâm đã và đang được đầu tư đồng bộ, kết nối giữa các khu vực Bắc Đuống, Nam Đuống, Sông Hồng của huyện và các quận, huyện lân cận; đồng thời kết nối với các khu đô thị mới, khu dân cư; đảm bảo giao thông thuận tiện, thông suốt. Trên địa bàn huyện có 11 tuyến phố văn minh đô thị, chiếm tỷ lệ 50% trên tổng số trục phố chính. Trong thời gian qua, Gia Lâm đã tổ chức triển khai đầu tư 41 tuyến đường trục chính, với tổng chiều dài khoảng 88,8 km. Hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng số 984,9 km đường giao thông, mật độ đường giao thông đô thị đạt 8,64km/km2.

Cùng với các quy hoạch phân khu đô thị, 20/20 đồ án quy hoạch xã nông thôn mới đã được duyệt, hiện đang được điều chỉnh cho phù hợp với quá trình đô thị hoá. Đặc biệt, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị đã và đang hình thành như: Khu đô thị Đặng Xá, Khu đô thị Vincity Gia Lâm… đang triển khai nhanh chóng. Bên cạnh đó, các tuyến đường hạ tầng khung trên địa bàn cũng được triển khai thực hiện tích cực, với 4 tuyến đường Đông Dư - Dương Xá, Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng, Đê Tả Đuống Phù Đổng, đường 30m Cổ Bi đã thi công, dự kiến hoàn thành trong quý III/2019, 7 tuyến đường dự kiến triển khai thi công quý  III, IV/2019, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung trên địa bàn.

100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới

Bám sát Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội; Huyện ủy - HĐND - BCĐ chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện, UBND huyện Gia Lâm tập trung chỉ đạo, với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, việc triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới của huyện Gia Lâm đã đạt được những kết quả quan trọng.

Việc tập trung tối đa mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quan tâm việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…đã  góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân Gia Lâm từng bước được cải thiện. Giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2019, huyện đã bố trí hơn 5 nghìn tỷ đồng tập trung đầu tư cho việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp 227km đường giao thông trục xã, liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng; nâng cấp, cải tạo 68 km kênh mương cấp 3; đầu tư đồng bộ 411,8km hệ thống chiếu sáng; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 151 điểm trường học; thực hiện xây dựng mới 3 trung tâm văn hóa tại các xã; xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa 188 lượt nhà văn hóa thôn, tổ dân phố…

Cùng với đó, nhiều nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao như: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, dải nhựa apphal; 100% đường ngõ xóm trên 2m có điện chiếu sáng; 100% trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 86,63% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người đạt 48,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,56%.

Kết quả, đến nay đã có 20/20 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới và qua rà duyệt tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện Gia Lâm có 9/9 tiêu chí đạt theo bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới quy định tại Quyết định số 558 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoàn thành 17/17 chỉ tiêu thành phố giao

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể nhân dân, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của huyện đạt được kết quả khá toàn diện. Đáng chú ý, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 10,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thương mại, dịch vụ tăng 16,33%; Công nghiệp, xây dựng tăng 9,69%; Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản giảm 7,04% so với cùng kỳ.

Trong những tháng đầu năm, các hoạt động thương mại - dịch vụ diễn ra sôi nổi, các loại hàng hóa phong phú, đa dạng. Huyện đã tổ chức thẩm định, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 710 hộ kinh doanh cá thể, 2 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký trên 206 tỷ đồng; đồng thời cấp đổi 163 giấy với tổng số vốn đăng ký 72 tỷ đồng.

Về loại hình công nghiệp, xây dựng, một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện có thế mạnh và phát triển như: chế biến gỗ ước; sản xuất trang phục; sản xuất da, sản phẩm từ da; sản xuất gốm sứ duy trì ổn định. Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng Kế hoạch quản lý, vận hành Cụm công nghiệp Phú Thị, Cụm Công nghiệp làng nghề Bát Tràng, Cụm sản xuất làng nghề tập trung Kiêu Kỵ năm 2019, vận hành chạy thử Trạm xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Phú Thị.

Đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Gia Lâm trong những tháng cuối năm 2019 và thời gian tiếp theo, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho rằng, huyện tập trung thực hiện có hiệu quả nội dung, chủ đề năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” và các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch hành động số 45/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; phấn đấu hoàn thành 17/17 chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao và 25/25 chỉ tiêu huyện giao. Cùng với đó, triển khai kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2020 tới các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, thị trấn để tổ chức thực hiện; rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, Đề án của Huyện ủy, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, xây dựng kế hoạch 5 năm 2020-2025. “Với sự vào cuộc đồng bộ, nỗ lực từ các cấp chính quyền đến người dân, cuối năm nay huyện Gia Lâm sẽ hoàn thiện tất cả các tiêu chí của một quận đô thị. Việc này vừa giúp huyện hoàn thành các nhiệm vụ thành phố giao, vừa tiếp tục thúc đẩy kinh tế, xã hội và đời sống người dân phát triển, nâng cao”, ông Lê Anh Quân nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, Gia Lâm còn có nhiều tiêu chí đạt về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của quận theo quy định. Việc xây dựng huyện Gia Lâm thành quận Gia Lâm và 22 xã, thị trấn được chuyển nguyên trạng; không điều chỉnh địa giới hành chính, bảo đảm không làm tăng thêm số lượng đơn vị hành chính theo đúng chủ trương đề ra. Bộ máy chính quyền quận, phường sẽ được tổ chức, sắp xếp phù hợp để thực hiện chức năng quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội tại quận Gia Lâm trong tương lai…

Huyện Gia Lâm sẵn sàng 'chuyển mình' lên quận ảnh 1 Gia Lâm vùng cửa ngõ phía Đông của Thủ đô hạ tầng đã đảm bảo cho một quận đô thị 
Ảnh: Như Ý
MỚI - NÓNG