Làm gì để thủy sản Việt Nam không bị trả về?

Chế biến tôm xuất khẩu.
Chế biến tôm xuất khẩu.
Hơn 32.000 tấn thủy sản xuất khẩu bị trả về do chứa chất cấm và dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép đang làm “nóng” thị trường thủy sản Việt Nam gần đây. Gỡ khó từ đâu?

Nguyên liệu thu gom, khó kiểm soát chất lượng

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản hàng đầu ở nước ta chỉ có khả năng chủ động được tối đa 20% nguyên liệu (Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn - IPSARD).

Để đảm bảo đủ số lượng thủy sản theo đơn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã phải nhập nguyên liệu từ các nước Thái Lan, Ấn Độ… với mức giá nhập khẩu cao hơn giá thu mua nguyên liệu trong nước 5 - 10%. Do vậy, trước khi nhập khẩu nguyên liệu, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước để chế biến xuất khẩu.

Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu đã khiến cho nhiều doanh nghiệp phải cạnh tranh để thu mua nguyên liệu trong nước. Với đặc điểm thị trường nguyên liệu của thủy sản nước ta khá nhỏ lẻ, sản xuất phần lớn theo quy mô hộ gia đình, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào.

Nguồn cung nguyên liệu đa dạng trong khi doanh nghiệp không thể mang tất cả các mẫu đi phân tích giám định, chính từ đó tiềm ẩn nguy cơ bị trả hàng.

Anh Lý Tuấn Kiệt, chuyên gia lâu năm về kỹ thuật sắc ký tại Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP HCM - CASE cho biết: “Xác suất một lô hàng thủy sản xuất khẩu có thể bị trả về do phát hiện chất cấm mặc dù kiểm nghiệm trong nước đã sạch là điều có thể xảy ra. Bởi các doanh nghiệp thu mua thủy sản từ nhiều hộ khác nhau. Có thể hộ này không sử dụng chất cấm nhưng hộ khác lại sử dụng nên nguyên liệu đầu vào không đảm bảo sạch và đồng đều. Trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng đưa tất cả các mẫu đi kiểm định phân tích. Việc lấy kết quả của một vài mẫu làm đại diện có thể ảnh hưởng đến cả lô hàng”.

Làm gì để thủy sản Việt Nam không bị trả về? ảnh 1

Hệ thống sắc ký lỏng ghép khối phổ đầu dò 3 tứ cục (Agilent 6410 Triple quad LC.MS.MS) chuyên phân tích DLKS tại CASE.

Chủ động nguồn nguyên liệu tập trung - khó cũng phải làm

Tại Hội nghị “Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu” vào tháng 10/2015, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, để có thủy sản sạch thì chính doanh nghiệp phải kiểm tra được nguồn nguyên liệu, xây dựng liên kết vùng nuôi.

“Để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường, có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, một khâu tối quan trọng nhưng nhiều nông dân và doanh nhân chưa tự làm được, đó là kiểm tra và giám sát chất lượng nông sản” 

TS Đặng Kim Sơn, Nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn.

Cũng tại Hội nghị, ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho biết, việc xây dựng được vùng nuôi giúp doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, qua đó không chỉ kiểm soát được chất kháng sinh mà còn tăng được năng suất.

Liên kết vùng nuôi sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được quy trình chăm sóc, áp dụng đúng phác đồ điều trị các bệnh, tạo nguồn nguyên liệu đầu ra tốt và đồng đều. Tuy nhiên, với tình hình nuôi trồng thủy sản nước ta hiện nay, việc hình thành nên vùng nguyên liệu tập trung là cả một câu chuyện dài về vấn đề quy hoạch sản xuất, cần phải có sự kết nối giữa người nuôi trồng và đơn vị chế biến.

Phân tích, giám định các sản phẩm thủy sản là một bước quan trọng tiếp theo để có chứng nhận chất lượng cho lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Theo anh Lý Tuấn Kiệt, để thủy sản xuất khẩu không bị trả về, các doanh nghiệp cần xây dựng bộ phận kiểm nghiệm nội bộ để tự kiểm tra những mẫu thủy sản thu mua ngay tại chỗ. Những mẫu thử nào dương tính thì tiếp tục đem đến trung tâm phân tích để đối chứng lại.

Khi kết quả giám định được trả về, doanh nghiệp có thể đề ra phương án xuất lô hàng đó sang các nước có chỉ tiêu yêu cầu phù hợp, tránh tình trạng xuất khẩu không được mà tiêu thụ trong nước cũng không xong. Vì vậy, việc phân tích một cách chính xác chỉ số các chất, đặc biệt là dư lượng kháng sinh trong thủy sản là rất quan trọng.

Kiểm nghiệm phải theo chuẩn quốc tế

Phân tích chính xác dư lượng kháng sinh trong thủy sản cần có phương pháp và phương tiện kỹ thuật hiện đại. Theo các chuyên gia chuyên phân tích thí nghiệm, có nhiều phương pháp được sử dụng để kiểm soát tồn dư kháng sinh. Nhưng đảm bảo được tính ưu việt và chính xác, các phương pháp phân tích sắc ký khối phổ mới được coi là phương pháp phân tích khẳng định, có giá trị pháp lý để phát hiện và định lượng, đặc biệt đối với nhóm chất cấm hoặc các chất cần được kiểm soát ở lượng vết hay siêu vết như Chloramphenicol.

Áp dụng thực hiện được các phương pháp đó cần có hệ thống máy móc phân tích sắc ký hiện đại. Hiện nay, đã có một số cơ sở, trung tâm phân tích thí nghiệm trang bị hệ thống máy móc tiên tiến để xác định, phân tích chính xác thành phần các chất kháng sinh trong thủy sản, đáp ứng các chỉ tiêu khắt khe về dư lượng kháng sinh tối đa cho phép tại những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

ThS Chu Vân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP HCM (CASE) nhấn mạnh: “Hiện nay, các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam yêu cầu rất khắt khe đối với dư lượng kháng sinh, đặc biệt là các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… giới hạn cho phép ở mức độ rất thấp (ppm hoặc ppb) đòi hỏi đơn vị thực hiện phân tích phải được trang bị tốt về máy móc thiết bị, cũng như nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu. Năng lực phân tích thử nghiệm CASE đáp ứng được hầu hết yêu cầu từ các thị trường khó tính này. Chúng tôi vẫn đang thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về yêu cầu của các thị trường nhập khẩu để có hướng nghiên cứu, phát triển phương pháp đáp ứng tốt yêu cầu của họ và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của nước ta”.

Theo Theo Thủy sản Việt Nam
MỚI - NÓNG