Lần đầu tiên thử nghiệm báo động sóng thần

Lần đầu tiên thử nghiệm báo động sóng thần
TP - Sáng 15-5, tại Trung đoàn thông tin 575 (QK 5 - Đà Nẵng), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát chứng kiến cuộc thử nghiệm hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần đầu tiên tại Việt Nam.

Theo kịch bản, một trận động đất 8,8 độ Richter xảy ra tại phía tây quần đảo Philippines lúc 9h57’ (giờ Hà Nội) ngày 15-5. Dự kiến khoảng 2 tiếng sau, dư chấn động đất với khả năng sóng thần mạnh sẽ ập vào vùng biển Đà Nẵng.

Chỉ 2 phút sau khi nhận tin về động đất, Viện Vật lý địa cầu từ Hà Nội đã phát đi thông báo số 1. Còi báo động lập tức ủ lên cùng bản thông báo phát qua loa phát thanh và đèn tín hiệu thuộc 10 đài trực canh cảnh báo sóng thần tại bờ biển Đà Nẵng.

Sau 8-10 phút tiếp tục tính toán, Viện Vật lý địa cầu phát tiếp thông báo số 2, khẳng định khoảng 3 tiếng nữa (12h30’) sẽ xuất hiện sóng thần cao 6 m quét dọc bờ biển Đà Nẵng. Đồng thời yêu cầu đồng bào trong các khu vực trên nhanh chóng sơ tán vào sâu đất liền, hoặc trú tránh ở những nơi cao ráo. Các máy điện thoại di động trong hệ thống danh bạ cũng nhận được tin nhắn.

Lực lượng Trung đoàn thông tin 575 được lệnh sơ tán vào sâu trong đất liền 1km, kết hợp cùng cảnh báo và giúp đỡ nhân dân. Cuộc thử nghiệm kết thúc sau đó bằng thông báo báo an từ Viện Vật lý địa cầu.

Tại cuộc họp rút kinh nghiệm ngay sau đó, các ban ngành đóng góp nhiều đề nghị thiết thực. Phó Trưởng Ban chỉ huy (BCH) PCLB&TKCN TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Vạn Thắng, đề xuất: Âm thanh còi báo động sóng thần cần thiết kế đặc biệt hơn các loại báo động khác để thực sự tạo sự chú ý cho dân. Đồng thời cần tổ chức tập huấn cho người dân quen với loại báo động này.

Ông Thắng cũng đề nghị, trong trường hợp này đối với tàu thuyền gần bờ của ngư dân, cần có khuyến cáo cụ thể, là nên chạy ra xa, hay chạy luôn vào bờ. Đại diện BCH Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng kiến nghị: Hệ thống cảnh báo sóng thần nên gắn với hệ thống cảnh báo thiên tai, cảnh báo tàu thuyền để tăng hiệu quả sử dụng, bởi nếu ít được vận hành sẽ xuống cấp, hư hỏng.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Trần Văn Minh, khẳng định: Nhiệm vụ của hệ thống là sớm báo động có sóng thần hay không. Còn các kịch bản, phương án di dân đi đâu thì địa phương sẽ đảm trách. Tuy nhiên, theo ông Minh, hệ thống này nếu chỉ để... chờ sóng thần cũng phí, nên kết hợp như thế nào đó để hoạt động liên tục.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, đây mới là bước đầu thử nghiệm các phương tiện cứng và một bước nội dung truyền tải thông tin qua hệ thống. Các bước tiếp theo của đề án Cảnh báo sóng thần sẽ triển khai các trạm cảnh báo trên tất cả vùng ven biển có nguy cơ cao trên phạm vi cả nước. Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cũng vừa in 200.000 tờ rơi và 5.000 áp phích tuyên tuyền về động đất, sóng thần.

Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (đơn vị xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần), hệ thống thử nghiệm với 10 trạm canh đã xây dựng xong tại ven biển Đà Nẵng là bước đầu, còn tiếp tục hoàn thiện kết hợp với các dự báo thiên tai khác.

Phát biểu tại buổi thử nghiệm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặt ra một loạt vấn đề cần xử lý tiếp theo. Đó là cần nghiên cứu cơ chế lồng ghép giữa hệ thống cảnh báo sóng thần với cảnh báo thiên tai, báo động tàu thuyền. Là việc bảo đảm tốt hệ thống dự phòng, xử lý nhanh khi có hỏng hóc, cũng như đảm bảo về an toàn, an ninh, loại trừ khả năng tin tặc xâm nhập báo động giả gây hoang mang cho nhân dân.

Các bản tin sóng thần cần đơn giản, ngắn gọn hơn, âm thanh còi ủ báo động cũng không thể dễ lẫn và hiền như khi thử nghiệm, mà cần tăng tính “đặc biệt nghiêm trọng” hơn. Các hình thức tuyên truyền, phát tờ rơi cần thực hiện rộng rãi, liên tục trong nhân dân. Việc phân cấp đầu tư, giao trách nhiệm xã hội cho các doanh nghiệp du lịch cũng phải tính đến.

- Dự kiến đầu tháng, tại ven biển Đà Nẵng sẽ diễn ra cuộc diễn tập quy mô lớn về phòng chống, cảnh báo, di dân trong tình huống động đất sóng thần quét vào Đà Nẵng

- Ngày 15–5, ĐBP 260 (Cửa Đại – Hội An) cho biết, vừa đưa tàu cá và xác của ngư dân Trần Minh Hùng (30 tuổi) vào bờ sau hơn 12 giờ lai dắt.

Trước đó, khoảng 12 giờ ngày 14-5, hai tàu QNa 03510 và QNa 03168 của ông Đỗ Tình và Đỗ Phụ đánh cá cách đảo Cù Lao Chàm gần 40 hải lý về hướng đông, khi kéo lưới phát hiện và trục vớt được chiếc thuyền thúng máy và một dàn lưới cản cuốn chặt 1 xác người. Qua xác minh, đó là xác của ngư dân Trần Minh Hùng (trú ở khối An Bàng, phường Cẩm An) mất tích cùng với cha là Trần Lật trong khi đánh cá trước đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG