Lúa vụ ba: Làm hay không?

Lúa vụ ba: Làm hay không?
TP - Dư âm lũ lớn năm ngoái mấy tháng trời mất ăn mất ngủ với đê bao và lúa vụ ba khiến năm nay chính quyền huyện Tân Hồng, rốn lũ tỉnh Đồng Tháp, chủ trương bỏ lúa vụ ba. Nhiều người dân tỏ ý không đồng tình.

> Lúa vụ ba và lũ lụt

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.
 

Ông Bùi Văn Chạm, Tổ trưởng Tổ hợp tác số 5, xã Tân Phước (Tân Hồng, Đồng Tháp) làm 1,7 ha lúa, cắt vụ hè thu đã hơn nửa tháng, nhưng không được làm tiếp vụ ba nên than thở “phải ngồi không”.

Ông nói, gia đình ông không nghèo, nhưng trong tổ có 104 hộ đang canh tác 250 ha, nhiều người còn nghèo, không được sản xuất để tăng thêm thu nhập là sẽ thêm khó khăn.

Bên cạnh cánh đồng mênh mông của Tổ hợp tác số 5 là cánh đồng của HTX Tân Phước rộng hơn, đến 386 ha.

Phó chủ nhiệm HTX Phạm Hồng Thái đứng trên con đê bao cao lớn, vững chãi, chỉ cánh đồng trơ trọi nói, không được sản xuất nhưng đang phải đóng tiền gia cố đê bao rất tốn kém.

Theo ông Thái, mỗi héc-ta ruộng phải đóng 2 triệu đồng để đắp cao thêm từ 4,5 m lên 7 m, mặt đê rộng từ 4 m ra 6 m. “Mùa lụt năm 2011, hệ thống đê bao này đã đứng vững, bảo vệ được gần 650 ha lúa vụ ba. Năm nay, gia cố thêm thì càng vững chắc nhưng lại không được làm lúa vụ ba”.

Ở xã Tân Phước, khu vực ấp Tuyết Hồng, bà con đã xuống giống 38 ha. Trong đó, hộ có diện tích lớn nhất đến 6 ha là ông bà Nguyễn Văn Bay.

Vợ ông Bay kể, như mọi năm, cắt xong lúa hè thu là xuống giống ngay vụ ba để thu hoạch sớm tránh lũ, nay đã được hơn một tháng, ngờ đâu có chủ trương điều chỉnh lịch thời vụ nên lũ chưa về mà đã lo mất ăn.

Phó chủ tịch UBND xã Tân Phước Đoàn Văn Thuận giải thích, chủ trương của huyện điều chỉnh lịch thời vụ để né đỉnh lũ, đảm bảo làm lúa ba vụ ăn chắc.

Theo đó, năm nay, dù trong vùng đê bao an toàn cũng không xuống giống vụ ba để vụ đông xuân 2012-2013 xuống giống được sớm hơn thường lệ, sẽ đồng loạt xuống giống từ ngày 15-10.

Điều chỉnh dây chuyền, để đến vụ ba năm 2013 sẽ xuống giống sớm và thu hoạch dứt điểm trước tháng 9, khi đỉnh lũ đổ về.

Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng Phùng Thanh Hải nói: “Một vụ lúa mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải dốc sức mấy tháng trời để giữ nhưng giữ cũng không trọn vẹn thì đầu tư như thế tốn kém quá”. Quả là xã Tân Thành B có hệ thống đê bao an toàn nhất huyện nhưng ai dám cam kết an toàn tuyệt đối”.

Ông Hải nói, không làm lúa vụ ba là một chủ trương lấy vận động thuyết phục dân là chính, chứ không phải lệnh hay bắt buộc như nông dân tiếp nhận từ một số cuộc họp ở ấp, xã.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG