Năm 2020: Thái Nguyên phấn đấu 95% nông thôn sử dụng nước sạch

Phụ nữ ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn là một trong những đối tượng chủ yếu mà chương trình hướng tới (Ảnh: Thái Nguyên Online)
Phụ nữ ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn là một trong những đối tượng chủ yếu mà chương trình hướng tới (Ảnh: Thái Nguyên Online)
Thái Nguyên là 1 trong 21 tỉnh của cả nước nhận được sự hỗ trợ của chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vốn vay Ngân hàng Thế giới. Đến nay, Thái Nguyên đã có trên 730 nghìn người dân nông thôn ở 9/9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tương ứng tỷ lệ 90,2% dân số nông thôn.

Thái Nguyên là một trong những địa phương dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về số công trình cấp nước và tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Với hơn 200 công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số vùng khô hạn do địa hình và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.

Dự án cấp nước sạch nông thôn của Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” tại Thái Nguyên đã giải phóng phụ nữ trong nhiều công việc nặng nhọc liên quan đến nước sạch và vệ sinh, cải thiện điều kiện vật chất và góp phần thực hiện bình đẳng giới, giảm gánh nặng hàng ngày phải đi lấy nước xa khu dân cư, nhất là các hộ dân vùng ven biển, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi.

Việc người dân nông thôn Thái Nguyên được tiếp cận với nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh được cải thiện sẽ làm giảm tình trạng bệnh tật trong khu dân cư, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh như thương hàn, tiêu chảy, lỵ, sốt rét, tả, phụ khoa…và một số bệnh thường gặp, nhất đối với trẻ em, phụ nữ, giảm chi phí khám chữa bệnh cho gia đình và xã hội, góp phần đảm bảo và tăng cường sức khoẻ cho cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Việc cung cấp nước sạch ở những vùng khan hiếm nước cũng giúp giảm chi phí sử dụng nước và góp phần cải thiện điều kiện kinh tế xã hội, góp phần nâng cao nếp sống văn hoá, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng miền núi, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; xoá bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Hạn chế sự chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và đô thị, giữa các vùng nông thôn, góp phần hạn chế sự di dân ồ ạt vào đô thị và di cư tự do ở các vùng khan hiếm nước.

Theo kế hoạch, Thái Nguyên tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn thuộc các xã trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần đảm bảo đến năm 2020 số người dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95% (trong đó có 70% đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế), 100 % số trường học và trạm Y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh và công trình nước sạch.

Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hưởng ứng tích cực của người dân và sự hỗ trợ của quốc tế. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững của chương trình, bên cạnh việc tiếp tục ưu tiên cao về vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và địa phương, vốn tín dụng ưu đãi cho chương trình hàng năm cũng như tranh thủ thu hút vận động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, còn cần phải đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như tăng cường năng lực thực hiện ở các cấp, sự cam kết của các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở, đồng thời tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả cộng đồng.

MỚI - NÓNG