Ngân hàng lương thực

Ngân hàng lương thực
TP - Xã Ngọc Wang, huyện Đắk Hà (Kon Tum) có 8/9 thôn, với hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm đến kỳ giáp hạt tháng 4-5 và tháng 11-12 nhiều hộ gia đình bị thiếu đói giáp hạt. Hết gạo người dân phải vay nặng lãi bên ngoài để giải quyết cái ăn.

A Hậu, thôn trưởng Đắk Rế, cho biết lúc khó khăn bà con phải vay non sản phẩm đến mùa trả. Như năm nay, cứ bình quân một gia đình vay 50 kg gạo, sáu tháng sau phải trả 4 tạ mì. Chánh Văn phòng huyện ủy Đắk Hà- Nguyễn Huy Quốc nhẩm tính, với giá hiện nay người dân vay 600.000 đồng chỉ sau 6 tháng phải trả hơn 1,7 triệu đồng. Lãi suất thế đúng là “cắt cổ”.

Triển khai chủ trương lập “ngân hàng lương thực”, xã Ngọc Wang có cách làm khá năng động. Anh Bùi Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngoài 1 tấn gạo/kho do Huyện hỗ trợ ban đầu, lãnh đạo xã chủ trương huy động mọi nguồn lực trên địa bàn từ các đơn vị kết nghĩa với các thôn làng, một số doanh nghiệp, nhà tài trợ và huy động mỗi cán bộ công chức xã mỗi người ít nhất một ngày lương. Ngọc Wang đặt mục tiêu mỗi kho thóc bình quân có 4-5 tấn.

Hiện nay cả 53 thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Đắk Hà đã có “ngân hàng lương thực”. Việc sử dụng nguồn lương thực này cho gia đình nào vay, số lượng bao nhiêu do bà con chính trong làng ấy bình xét. Ở Ngọc Wang các làng thống nhất cứ vay 50 kg gạo đến vụ thu hoạch bà con trả lại 60kg. Như vậy so với vay ngoài vẫn rẻ hơn nhiều. Việc làm này góp phần đáng kể trong việc giải quyết trình trạng vay lúa non ở vùng sâu vùng xa.

Ông Phạm Đức Hạnh, Bí thư Huyện ủy Đắk Hà cho biết: Trước mùa mưa lũ năm 2010 huyện Đắk Hà đã xây dựng các kho gạo dự trữ tại các thôn có khả năng bị chia cắt khi có bão lũ xảy ra. Các kho gạo được huyện hỗ trợ xây và cung ứng trên 3 tấn đảm bảo ứng cứu lương thực cho nhân dân trong vòng 15 ngày khi bị lũ chia cắt.

Từ thực tế ấy, đến cuối năm 2010, huyện Đắk Hà đã có chủ trương cho xây dựng các kho gạo dự trữ tại hầu hết các thôn khó khăn. Đảm bảo cung ứng thường xuyên trên toàn huyện gần 60 tấn gạo - Gọi là “ngân hàng lương thực” vì số gạo không chỉ để chủ động ứng phó khi có bão lũ xảy ra mà còn được sử dụng để hỗ trợ nhân dân trong dịp đói giáp hạt, hỗ trợ các gia đình khó khăn và các hộ dân có thể gửi, vay hay ứng số gạo để sử dụng khi được sự thống nhất của chính quyền địa phương. Đây là cách làm mới và sát thực nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG