Người dân vùng lũ đang cần gì?

Người dân xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa đến nhận cứu trợ. Ảnh: Trung Hiền
Người dân xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa đến nhận cứu trợ. Ảnh: Trung Hiền
TP - Người dân vùng lũ trước mắt đang cần gì và làm thế nào để tiền, hàng cứu trợ đến tận tay bà con sớm nhất là vấn đề đang được đặt ra cấp bách.
Người dân xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa đến nhận cứu trợ. Ảnh: Trung Hiền
Người dân xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa đến nhận cứu trợ.
Ảnh: Trung Hiền.

Cần những nhà văn hóa… tránh lũ

Ông Nguyễn Mậu Lâm, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đức Liên, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết: Là một xã đầu nguồn, thiệt hại của bà con trong xã rất nặng nề. Hiện tại, nhờ sự quan tâm của các tổ chức xã hội, những tấm lòng từ thiện, bà con đã có mỳ tôm, gạo ăn hằng ngày.

Việc xử lý nguồn nước, phòng trừ dịch bệnh sau lũ đang là việc cần làm ngay. Trạm y tế xã cần có thêm thuốc phòng, chữa bệnh để cấp phát, điều trị cho dân. Nhiều nhà dân bị lũ cuốn mái nên cần tấm lợp để che nắng mưa. Tới đây, ông mong muốn mỗi thôn ở vùng rốn lũ được xây một nhà văn hóa cao tầng. Đây sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa của thôn và là điểm tránh lũ .

Bí thư huyện Đoàn huyện Vũ Quang Tô Minh Hoài, sau nhiều ngày đến các xã giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt và tham gia các đoàn cứu trợ, chia sẻ: Lũ lớn đã cuốn trôi tất cả dụng cụ sinh hoạt thiết yếu nhất của bà con. Nhiều gia đình không còn bát đũa, xoong nồi để nấu ăn , không còn chiếu chăn để ngủ. Nhiều em học sinh không còn sách vở, bút viết.

Ông Nguyễn Lương Sàn ở xã Đức Hương, sau khi nhận ngô giống về chia cho bà con ở thôn Hương Đồng, phản ánh: Dân vùng lũ đã mất hết hạt giống để gieo trồng, vật nuôi cũng đã bị lũ cuốn trôi. Mong được hỗ trợ giống để sản xuất, chăn nuôi. Phân bón cũng là nhu cầu trước mắt cho vụ đông sắp tới.

Để dân nhận được cứu trợ nhanh nhất

Các tổ chức, cá nhân hảo tâm đều mong muốn chuyển được tiền hàng cứu trợ đến tận tay bà con vùng lũ một cách kịp thời đúng đối tượng.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Chánh Văn phòng kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty sữa Việt Nam rất phấn khởi sau khi số tiền hơn 1,4 tỷ đồng do cán bộ, công nhân viên trong công ty trích một ngày lương ủng hộ đồng bào miền Trung đã đến tận tay những hộ dân khó khăn nhất do lũ, trong thời gian nhanh nhất.

“Phối hợp với báo Tiền Phong, dựa vào hệ thống tổ chức Đoàn thanh niên ở cơ sở, nơi tập trung những người trẻ tuổi có sức khỏe, nhiệt huyết, giàu lòng nhân ái đã giúp cho chương trình cứu trợ rất hiệu quả - Ông Tú nhận xét.

Anh Tô Minh Hoài cho biết: Ngay sau khi nhận được kế hoạch cứu trợ qua kênh Đoàn thanh niên, anh tìm hiểu cụ thể tiền, hàng cứu trợ cả về số lượng, chủng loại để thông báo với chính quyền địa phương lựa chọn đối tượng nhận quà. Danh sách cụ thể này được thôn, xã thông qua rồi chuyển tới đơn vị cứu trợ, tổ chức Đoàn. Để bà con nhận quà nhanh, đúng đối tượng, huyện Đoàn làm phiếu nhận quà chuyển tới tận tay bà con. Khi nhận quà, bà con chỉ việc đưa phiếu, ký nhận nên việc trao quà diễn ra trật tự, nhanh gọn, đúng đối tượng.

Anh Trương Quang Thành đại diện các hộ buôn bán ở chợ An Đông TP Hồ Chí Minh mang tiền quyên góp đi cứu trợ tin vào cách làm của xã Đoàn xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Anh trực tiếp trao tiền cho bà con gặp khó khăn nhất cùng đoàn công tác của Vinamilk và báo Tiền Phong. Anh nói: “Tiền tới tay người cần cứu trợ kịp thời, tôi và bà con hảo tâm ở chợ An Đông vui lắm!”.

Đoàn công tác của Cty sữa Việt Nam (Vinamilk) và báo Tiền Phong vừa đến những vùng thiệt hại nặng nề nhất do lũ ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế trao tiền cứu trợ hơn 1,4 tỷ đồng của Vinamilk tới các hộ dân. 

MỚI - NÓNG