Những câu hỏi thẳng

Những câu hỏi thẳng
TP - Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8, hôm nay (22-11) Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn với phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu. Tiền Phong ghi ý kiến một số đại biểu Quốc hội trước phiên họp này.

 >> Sẽ 'nóng' Vinashin, bô xít, điện, giá cả

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk): Chưa có thông tin về chi tiêu dịp Đại lễ

ĐB Nguyễn Lân Dũng
ĐB Nguyễn Lân Dũng.

Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh về tổng chi tiêu cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội là bao nhiêu. Phần chi cho xây dựng công trình thì phải tách rõ ra. Bộ trưởng đã trả lời bằng văn bản nhưng tôi thấy chưa thỏa đáng. Bộ trưởng nói ngân sách T.Ư chỉ chi hơn 200 tỷ đồng thôi, còn Hà Nội chưa báo cáo nguồn chi từ ngân sách thành phố.

Tôi cho rằng Bộ trưởng phải yêu cầu địa phương báo cáo chứ không thể có chuyện Bộ trưởng quản lý nhà nước về ngân sách, tài chính lại dẫn lý do là “địa phương chưa báo cáo”.

Tôi cũng hỏi thông tin về 2.000 viên ruby để gắn vào mắt 1.000 con rồng dùng làm tặng phẩm thì Bộ trưởng không trả lời. Nếu thông tin không đúng thì Bộ trưởng cũng nên trả lời rõ là không có chuyện này. Nếu doanh nghiệp mua thì không vấn đề gì. Còn Nhà nước bỏ tiền ra mua thì phải làm rõ 1.000 người được nhận 1.000 con rồng này là ai?

Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng về suy nghĩ riêng của Bộ trưởng sau sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ từ khai thác bô - xít tại Hungary. Bộ trưởng trả lời rất mạnh mẽ và khẳng định yên tâm về an toàn môi trường trong dự án khai thác bô- xít Tây Nguyên. Nhưng quả thực tôi vẫn chưa yên tâm về những cơ sở khoa học mà các bộ đưa ra. Đợi Bộ trưởng trả lời cụ thể tại hội trường, tôi sẽ chất vấn tiếp.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Chồng chéo quản lý xả lũ hồ chứa

ĐB Nguyễn Đình Xuân
ĐB Nguyễn Đình Xuân.

Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng là chúng ta đang thiếu bao nhiêu điện, cụ thể là ngành điện đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu xã hội. Bộ trưởng đã có trả lời bằng văn bản nhưng vẫn chưa rõ ràng.

Tôi cũng chất vấn về quy trình xả lũ liên hồ chứa, nhưng Bộ Công Thương cho biết nhiệm vụ xây dựng quy trình này là của Bộ TN&MT. Hiện nay, một con sông có mấy bộ cùng quản lý. Bộ Công Thương cầm công tắc xả lũ hồ thủy điện, ngập lụt thì Bộ NN&PTNT đi phòng, chống, Bộ TN&MT lại được giao nhiệm vụ xây dựng quy trình xả lũ liên hồ. Tôi đang xem xét để chất vấn làm rõ tại sao có sự chồng chéo này.

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa): Coi nhẹ y tế dự phòng

Đại biểu Lê Văn Cuông
Đại biểu Lê Văn Cuông.

Tôi gửi 3 câu hỏi chất vấn các thành viên Chính phủ, trong đó có một câu về trách nhiệm trong vụ Vinashin, một câu về quá tải bệnh viện. Câu thứ 3 về những bất cập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trả lời chất vấn của tôi bằng văn bản, nhưng còn chung chung. Việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng chuyển biến rất chậm. Bộ Y tế thực hiện nhiều biện pháp chống quá tải nhưng không hữu hiệu, gây bức xúc cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân điều trị ở tuyến trên.

Tôi đọc trả lời thấy Bộ Y tế chưa quan tâm công tác y tế dự phòng. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì vậy, muốn giảm tải tại các bệnh viện phải làm tốt công tác dự phòng. Nhưng vấn đề vệ sinh phòng bệnh không được đầu tư đến nơi đến chốn, lại thêm ô nhiễm môi trường dẫn đến nguồn gây bệnh có ở khắp nơi. Trong khi đó, khả năng mở thêm bệnh viện, thêm giường bệnh lại hạn chế cho nên sự quá tải ngày càng trầm trọng.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Cần xác định đúng trách nhiệm cá nhân

ĐB Nguyễn Minh Thuyết
ĐB Nguyễn Minh Thuyết.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết cho biết ông có 3 câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chất vấn về trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, đồng thời là trách nhiệm trực tiếp quản lý các tập đoàn, Tổng Cty nhà nước nói chung và Vinashin nói riêng.

ĐB Thuyết nói: “Tôi mong các vấn đề của Vinashin được giải đáp dựa trên những cơ sở khoa học và thực tế có sức thuyết phục. Phát biểu trước Quốc hội hôm 2-11, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh căn cứ sổ sách và báo cáo của chính Vinashin để khẳng định là tài sản của tập đoàn này còn trên 103.000 tỷ đồng.

Giải trình như vậy rất khó thuyết phục đại biểu Quốc hội và người dân. Tôi chỉ nêu một ví dụ cụ thể: Tàu Hoa Sen mua hết bao nhiêu tiền, trên sổ sách ghi bao nhiêu và nay nếu bán đi thì sẽ thu được bao nhiêu? Đánh giá đúng thực trạng và xác định đúng trách nhiệm cá nhân là điều mà Quốc hội và nhân dân đòi hỏi”.

ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình): Biện pháp chấn chỉnh quản lý với tập đoàn

ĐB Lê Quốc Dung
ĐB Lê Quốc Dung . Ảnh: Hồng Vĩnh

ĐB Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã gửi câu hỏi chất vấn Thủ tướng về các vấn đề: Ai chịu trách nhiệm về sự việc ở tập đoàn Vinashin? Chính phủ xử lý trách nhiệm này như thế nào và các biện pháp chấn chỉnh quản lý nhà nước để đất nước không bị lặp lại những tổn thất.

MỚI - NÓNG