Nông dân lao đao vì tiêu chết hàng loạt

Nông dân lao đao vì tiêu chết hàng loạt
TP - Năm nay cây hồ tiêu ở các huyện Long Khánh, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc liên tục gặp “tai họa”.
Nông dân lao đao vì tiêu chết hàng loạt ảnh 1
Ông Nguyễn Trung bên vườn tiêu bị bệnh “chết nhanh, chết chậm”

Một buổi sáng, ông Đoàn Trọng Khoa (ở tổ 8, ấp Tân Xuân, xã Bảo Bình, Cẩm Mỹ) đi thăm vườn tiêu, phát hiện vườn tiêu của mình xuất hiện bệnh lạ. Ông vội vã đi mua thuốc về xịt và bón gốc, nhưng những cây tiêu không có dấu hiệu hồi phục mà càng lúc càng bị nặng hơn.

Ông đã thay đổi nhiều loại thuốc để cứu chữa, nhưng rồi cũng phải buông tay nhìn vườn tiêu hơn 1 hecta có tuổi từ năm thứ 4 đến năm thứ  8, chưa đầy 2 tháng đã chết chỉ còn vài chục bụi. Ông Khoa tâm sự: “Năm ngoái thu hoạch được 5 tấn tiêu hạt, năm nay chỉ còn thu được 50 kg tiêu hạt bị lép”.

Ông Nguyễn Trung, chủ một vườn tiêu 2,4 hecta ở Cẩm Mỹ nói: “Năm nay tôi đầu tư tăng hơn năm ngoái gần 10 triệu đồng, giờ tiêu chết sạch không còn một bụi.

Mười mấy năm nay tôi trồng tiêu nhưng chưa bao giờ gặp phải tình trạng tiêu chết đồng loạt thế này”. Năm nay, ông Trung dự tính sẽ thu được 7,5 - 8 tấn, với giá tiêu 34 ngàn đồng/kg như hiện nay, thì ông Trung sẽ lãi được trên 200 triệu đồng. Nhưng dự tính ấy tan thành mây khói.

Anh Nguyễn Thanh Đông, cán bộ nông nghiệp xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ cho biết toàn xã Bảo Bình đã có trên 100 hecta tiêu bị chết đồng loạt. Ông Trần Kim Sơn, Phó phòng Kinh tế huyện Cẩm Mỹ cho biết, không riêng ở xã Bảo Bình mà trên toàn huyện đã có đến vài trăm hecta tiêu bị chết, nặng nhất là 2 xã Bảo Bình và Lâm Sam. Hiện, các nhà khoa học và ngành bảo vệ thực vật đang thí nghiệm một số thuốc đặc trị ở đây.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì cây tiêu bị bệnh chết đã lan rộng ra các xã trong huyện Cẩm Mỹ, Long Khánh, Xuân Lộc. Nguyên nhân của tiêu chết được nông dân gọi là bệnh “chết nhanh, chết chậm”. Đây là bệnh phổ biến của cây tiêu.

Trưởng phòng Kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật Đào Văn Chúc cho biết: Bệnh “chết nhanh, chết chậm” trên cây tiêu thường xảy ra ở thời kỳ mưa nhiều. Tiêu bị tuyến trùng rễ sau đó hàng loạt nấm sẽ tấn công vào đó. Đến cuối mùa mưa, đầu mùa khô tiêu chuyển sang vàng lá và rụng đốt do bộ rễ tiêu hoàn toàn bị hỏng.

Theo anh Chúc: “Bệnh này chỉ phòng là chính. Để phòng bệnh vườn tiêu phải được đào mương thoát nước tốt. Không làm tổn thương bộ rễ trong khi làm cỏ dọn vườn. Và phải kết hợp với các loại thuốc xịt và bón gốc thường xuyên”.

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.