‘Sữa học đường’ Việt Nam gây chú ý tại hội nghị thượng đỉnh A20

Hội nghị thượng đỉnh A20 có sự tham gia của các đại biểu đến từ 20 quốc gia trong đó có Mông Cổ, Albania, Sudan, Hungary, Sudan, Ấn Độ, Azerbaijan, Lào, Campuchia… Bà Trần Thị Như Trang (thứ hai từ phải sang, hàng dưới) là đại diện duy nhất của Việt Nam t
Hội nghị thượng đỉnh A20 có sự tham gia của các đại biểu đến từ 20 quốc gia trong đó có Mông Cổ, Albania, Sudan, Hungary, Sudan, Ấn Độ, Azerbaijan, Lào, Campuchia… Bà Trần Thị Như Trang (thứ hai từ phải sang, hàng dưới) là đại diện duy nhất của Việt Nam t
Cuối tháng 3/2018, đại biểu từ 20 quốc gia trên thế giới đã tập trung tại Bắc Kinh, tham gia hội nghị thượng đỉnh A20 về bảo vệ trẻ em. Tại đây, các đại biểu đã rất ngạc nhiên và rút ra được nhiều kinh nghiệm, bài học, hướng hợp tác mới sau khi lắng nghe chia sẻ về chương trình “Sữa học đường” từ đại diện duy nhất của Việt Nam là Quỹ Vì Tầm Vóc Việt.

Hiện nay, khi đề cập đến quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, những vấn đề “nóng” thường được nhắc tới là bạo lực trẻ em, lạm dụng tình dục trẻ em hay lao động trẻ em… Tuy nhiên, hai nội dung cơ bản đóng vai trò quyết định đến sự phát triển và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của thế hệ tương lai là “quyền dinh dưỡng” và “quyền học tập” lại dường như đang bị “bỏ quên”, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội của rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển đã được cải thiện. Thực tế này được nêu rõ tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Xã hội Toàn cầu về Bảo vệ Trẻ em (Hội nghị A20) diễn ra tại Bắc Kinh cuối tháng 3/2018 vừa qua.

Tại Hội nghị A20 – nơi quy tụ đại diện của những tổ chức quan tâm và hoạt động tích cực, hiệu quả nhất trong lĩnh vực quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em đến từ 20 nước trên toàn cầu – Bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, đại diện duy nhất từ Việt Nam được Ban tổ chức lựa chọn và tài trợ tham gia tại sự kiện, đã có nhiều chia sẻ hữu ích trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em tại một nước đang phát triển.

‘Sữa học đường’ Việt Nam gây chú ý tại hội nghị thượng đỉnh A20 ảnh 1 Bà Trần Thị Như Trang trình bày nội dung các hoạt động của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt về “quyền dinh dưỡng” và “quyền học tập” của trẻ em Việt Nam, đồng thời đề xuất những giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền trẻ em.

Cụ thể, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt của Việt Nam là đơn vị duy nhất tại Hội nghị A20 chia sẻ các kinh nghiệm, hoạt động về “quyền dinh dưỡng” và “quyền học tập” của trẻ em Việt Nam, vốn là những hoạt động chính của Quỹ.

“Tại hội nghị thượng đỉnh A20, nhiều đại biểu rất quan tâm, hứng thú về nội dung chia sẻ của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt vì đây là đề tài duy nhất tại A20 tiếp cận vấn đề về “quyền dinh dưỡng” và “quyền học tập” của trẻ em, bà Trần Thị Như Trang chia sẻ.

“Dinh dưỡng là một vấn đề nóng, nhưng dường như nó chưa phải là một vấn đề “cháy nhà chết người” nên nhiều nơi đang lãng quên. Điều đó kéo theo tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất ở trẻ em. Đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam, vấn đề này đã trở nên khá nghiêm trọng”, bà Như Trang cho biết thêm.

Chương trình “Sữa học đường” của Việt Nam gây chú ý

Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… chương trình Sữa học đường đã được triển khai từ rất sớm, giúp phát triển thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ và tạo thói quen sử dụng sữa hàng ngày cho trẻ em. Việt Nam mới thực hiện chương trình Sữa học đường cho trẻ mầm non và tiểu học từ năm 2016, nhưng thực tế còn rất nhiều trẻ em Việt chưa được tiếp cận nguồn dinh dưỡng này vì những lý do về kinh tế.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt vì vậy đã đồng hành, hỗ trợ chi phí sử dụng sữa học đường trong Chương trình Sữa học đường Quốc Gia, đặc biệt quan tâm đến trẻ em thuộc hộ nghèo và cận nghèo, trẻ em trong các gia đình thuộc diện ưu tiên trên cả nước. Cho đến nay, quỹ đã trao tặng hàng trăm nghìn ly sữa cho các học sinh thuộc các gia đình khó khăn, góp phần đảm bảo quyền dinh dưỡng cho các em, nâng cao tầm vóc, trí tuệ, thể lực thế hệ tương lai của Việt Nam.

 “Chương trình hỗ trợ Sữa học đường mà Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đang thực hiện, điển hình là ở Nghệ An đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng, không chỉ ở cấp độ người dân mà còn ở cấp độ chính phủ, về vấn đề dinh dưỡng đối với trẻ em, kêu gọi ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc đóng góp, chung tay cho trẻ em nghèo trong những trường hợp gia đình không thể đủ chi phí cho trẻ em uống sữa học đường”, bà Như Trang cho biết.

Ngoài ra, Quỹ cũng chia sẻ về các chiến dịch truyền thông cộng đồng kéo dài nhiều năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền dinh dưỡng của trẻ em. Năm 2017, năm đầu tiên thực hiện, Quỹ đã truyền thông nâng cao nhận thức về quyền dinh dưỡng, năm 2018 theo kế hoạch sẽ đi sâu hơn về các khía cạnh liên quan tới dinh dưỡng. Chương trình truyền thông của Quỹ năm 2017 đã nhận được phản hồi tích cực, thu hút đông đảo người quan tâm qua các kênh website, fanpage và các chiến dịch offline ngoài cộng đồng.

‘Sữa học đường’ Việt Nam gây chú ý tại hội nghị thượng đỉnh A20 ảnh 2 Các đại biểu tham dự A20 đã có những phản hồi tích cực về chương trình Sữa học đường của Việt Nam với sự đồng hành tích cực của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, coi đây là một trường hợp tham khảo điển hình dành cho các nước đang phát triển

Đề xuất hướng hợp tác Doanh nghiệp – NGO vì trẻ em trong bối cảnh mới

Sự thành công của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (với sự hỗ trợ của Tập đoàn TH) trong việc đồng hành với chương trình Sữa học đường cũng như các dự án vì bà mẹ và trẻ em khác, để đảm bảo quyền dinh dưỡng và quyền học tập của trẻ, đã là một minh chứng cho hướng hợp tác mới giữa doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong bối cảnh hiện nay.

Bà Như Trang chia sẻ, trong thực tế làm việc, khi tiếp cận các NGO quốc tế, chỉ cần đề cập tới yếu tố doanh nghiệp hay sự tài trợ của doanh nghiệp, rất nhiều NGO đã từ chối tiếp nhận. Thậm chí, mặc dù nhiều NGO chưa đi sâu tìm hiểu, nhưng họ đã có sự dè dặt, không muốn tiếp nhận nguồn tài trợ từ phía các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy các NGO sẽ không thể phụ thuộc hoàn toàn từ vào nguồn hỗ trợ của chính phủ của các nước phát triển, mà phải tận dụng nội lực từ cộng đồng, người dân, và đặc biệt là các doanh nghiệp.

Thứ nhất, các doanh nghiệp có nguồn hỗ trợ rất mạnh về mặt tài chính. Thứ hai, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ NGO về nhân sự, là các tình nguyện viên và các chuyên gia.Thứ ba, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ về mặt công nghệ. Tài chính, nhân sự và công nghệ là những điểm mà khối doanh nghiệp rất mạnh. Nếu không tiếp cận nguồn hỗ trợ này, trong tương lai các hoạt động về cộng đồng của nhiều NGO khó có thể thực hiện lâu bền.

Mô hình của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã chứng minh sự hợp tác giữa doanh nghiệp – NGO là phù hợp với thực tế và được đông đảo đại biểu tham sự hội nghị A20 khen ngợi và quan tâm.

“Chính bản thân Hội nghị A20 về bảo vệ trẻ em toàn cầu cũng có sự hỗ trợ từ Alibaba – một công ty công nghệ. Đây chính là một ví dụ thành công trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp và NGO trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em”, bà Như Trang nhận định.

Từ những chia sẻ và đề xuất cụ thể của mình về cơ hội và thách thức, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã góp phần đưa tiếng nói của những người hoạt động vì trẻ em và bảo vệ trẻ em Việt Nam ra thế giới, mở rộng cơ hội hợp tác để chăm lo tốt hơn cho quyền dinh dưỡng của trẻ em Việt, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của thế hệ tương lai Việt Nam.

MỚI - NÓNG