Triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn quốc

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc Hội thảo.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ngày 11/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo tư vấn quốc gia về Dự án “Triển khai Sổ theo dõi Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (SKBMTE)” nhằm giới thiệu Sổ theo dõi SKBMTE trên toàn quốc thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và kết quả Dự án này của JICA trong việc áp dụng thí điểm Sổ tay SKBMTE tại 4 tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang.

Tham gia Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Mori Mutsuya – Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cùng các ban ngành có liên quan thuộc Bộ Y tế cũng như lãnh đạo các Ủy ban Nhân dân, Sở Y tế và Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản của 22 tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai tại Nhật Bản với gần 70 năm kinh nghiệm, thu được nhiều kết quả tích cực trong cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, trên cơ sở kết quả đạt được của dự án triển khai thí điểm tại 4 tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang, Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em đã trình Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước nghiên cứu, xem xét để có thể triển khai tại địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận để thống nhất các giải pháp nhằm chuẩn hóa công cụ theo dõi, chăm sóc và ghi chép về sức khỏe bà mẹ, trẻ em và từng bước đưa sổ vào sử dụng thường qui trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản của Việt Nam; đồng thời huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước của địa phương, xem xét việc xã hội hóa; lồng ghép vào các chương trình, dự án Mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hợp tác quốc tế để từng bước mở rộng việc triển khai sổ theo sõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em...

Các báo cáo tại hội thảo cho thấy, sau 3 năm 10 tháng triển khai, Sổ theo dõi SKBMTE đã được người dân tiếp nhận tích cực và nhận được sự đánh giá cao của những phụ nữ mang thai và các bà mẹ, do Sổ theo dõi cung cấp các thông tin cơ bản và hữu ích về việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ khi mang thai cho đến khi trẻ lên 6 tuổi mà trước đây chưa từng có trong bất kỳ sổ tay chăm sóc sức khỏe nào tại Việt Nam.

Sổ gồm có 4 phần: Phần 1: Các thông tin cơ bản, phần 2: Chăm sóc thai nghén, phần 3: Chăm sóc trong đẻ, sau đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh và phần 4: chăm sóc sức khỏe trẻ em. Đối tượng sử dụng gồm bà mẹ mang thai, các thành viên trong gia đình, các cán bộ y tế. Tất cả các thông tin cần thiết và toàn diện, bao gồm hồ sơ chăm sóc sức khỏe, biểu đồ tăng trưởng và thẻ tiêm chủng được ghi rõ trong Sổ theo dõi, đã hỗ trợ rất nhiều cho các nhân viên y tế, đặc biệt là các cán bộ công tác tại các trung tâm y tế xã, và cũng là lưu niệm quý giá cho các bà mẹ và trẻ em.

Theo BS Nguyễn Đức Vinh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), Bộ Y tế đã giaoVụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em triển khai thí điểm sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại 100% số xã thuộc 4 tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang từ năm 2011 – 2014. Mục tiêu của dự án là chuẩn hóa công cụ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tăng cường năng lực quản lý, giám sát của Bộ Y tế; nâng cao kiến thức và kỹ năng của cán bộ y tế, nhân viên y tế; nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ mang thai và người chăm sóc trẻ nhỏ; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Kết quả đánh giá cuối kỳ cho thấy 81% các bà mẹ mang theo sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em khi đến khám tại trạm y tế xã; 92% bà mẹ đi khám thai ít nhất 3 lần; kiến thức và các dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ mang thai của các bà mẹ được cải thiện rõ rệt; 90% bà mẹ mang theo sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em khi đưa trẻ đi tiêm chủng...

Kết luận Hội thảo, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, để đảm bảo triển khai Sổ theo dõi SKBMTE không chỉ có các Sở Y tế, Ban Dự án mà tất cả mọi người từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc, phải đặt quyết tâm cao tiếp tục triển khai mở rộng Dự án trên toàn quốc. Và đề nghị lãnh đạo Ban Dự án, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em soạn thảo các văn bản, quyết định mang tính pháp lý để gửi về lãnh đạo UBND các tỉnh thành phố chuyển từ hình thức khuyến khích, khuyên, nên thực hiện sang hình thức bắt buộc. Đặc biệt, cần trao đổi với Bảo hiểm Xã hội đưa Sổ theo dõi SKBMTE vào danh mục bảo hiểm để thấy rằng Sổ theo dõi SKBMTE rất cần thiết trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

MỚI - NÓNG