Vị thế ngành chăn nuôi Việt trong hội nhập kinh tế

Vị thế ngành chăn nuôi Việt trong hội nhập kinh tế
Việt Nam đã hoàn tất đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều ngành xuất khẩu nhưng cũng gây khó khăn cho một số ngành có sức cạnh tranh thấp.

Trong đó, chăn nuôi sẽ là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất do phần lớn sản xuất kinh doanh đang ở quy mô nhỏ lẻ và phân tán, phụ thuộc nhập khẩu giống và thức ăn, dịch bệnh còn chưa được kiểm soát tốt, điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường còn yếu kém...

Chính phủ Việt Nam cùng với sự giúp đỡ của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ cho ngành chăn nuôi Dự án cạnh tranh ngành Chăn nuôi và An toàn thực phẩm gọi tắt là (LIFSAP).

Dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện với mục tiêu là nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua nâng cao năng xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại đến bàn ăn ở các tỉnh dự án.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn phối hợp với một số tổ chức quốc tế đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập kinh tế”. Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, đến thời điểm này,  đa số các sản phẩm như thịt bò, thịt lợn và phụ phẩm thịt bò, phụ phẩm thịt lợn; thịt gia cầm, trứng, sữa… sẽ có mức thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp từ 5 - 10% đối với nhiều nước như khối ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Newzeland – Úc, Ấn Độ…

Ông Tôn Thất Sơn Phong, Giám đốc Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) đã chia sẻ tại hội thảo: LIFSAP được thực hiện trên địa bàn 12 tỉnh/ thành phố (Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP.HCM và Long An) đã đạt được nhiều thành công dù gặp một số khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả sản phẩm chăn nuôi không ổn định.

Sau hơn 5 năm thực hiện, mô hình sản xuất chăn nuôi lợn theo quy trình VietGap nông hộ do Dự án xây dựng và lần đầu tiên được áp dụng thử nghiệm tại Việt Nam đã phát huy hiệu quả thiết thực đối với chăn nuôi quy mô nông hộ.

Hơn 11 nghìn hộ chăn nuôi lợn áp dụng quy trình VietGAP đã cung cấp hàng năm hơn 56 nghìn tấn thịt lợn hơi đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Còn các hộ nông dân thu về lợi nhuận hàng năm tương đương 498 tỷ đồng, cao hơn các hộ chăn nuôi thông thường không áp dụng VietGAP khoảng 298 tỷ đồng.

Với quy trình thực hiện theo chuỗi và khép kín, Dự án LIFSAP sẽ góp phần giúp các tỉnh Dự án nói riêng và Ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung đạt được những mục tiêu đề ra. Người chăn nuôi Việt Nam có thể yên tâm về mức độ ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế, các sản phẩm chăn nuôi nội địa tăng sức cạnh tranh, người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng nguồn thịt sạch, sức khỏe cộng đồng được nâng cao.

MỚI - NÓNG