Ðất nước cần người thực danh thực tài

Từ phải qua: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Minh Vương, NSƯT Giang Châu.
Từ phải qua: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Minh Vương, NSƯT Giang Châu.
TP - Câu chuyện của tài năng và danh tiếng, sự tôn vinh phong tặng sao cho xứng đáng- nhân mấy cuộc xét tặng gần đây, như xét danh hiệu NSND đối với diễn viên Minh Vương, Thanh Tuấn hoặc giải thưởng Hồ Chí Minh đối với nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.

TỪ VỤ “XÉT LẠI” CỦA MINH VƯƠNG, THANH TUẤN

Một khán giả bộc bạch phía dưới bài viết về vụ Minh Vương trượt NSND ba lần như sau: “Nếu mà em không nói rõ sự tình, anh không dám nhận số tiền này đâu, em hiểu cho - chỉ một câu hát bình thường của Luân trong Đời cô Lựu mà thằng em tôi mỗi lần rảnh rỗi lại cất lên. Câu hát hay hoặc giọng Minh Vương hay mà in dấu mãi trong trí nhớ em tôi nay đã gần 50 tuổi”.

Đó chính là nghệ thuật, làm người ta nhớ mãi, bâng khuâng mãi. Làm người ta tơ tưởng, mơ màng. Như lời thơ Huy Cận: Gánh xiếc đi qua chỉ một lần/Bây giờ có lẽ đã chia tan/Và nàng cưỡi ngựa đâu rồi nhỉ/Ngơ ngác chàng trai tự hỏi thầm.

Xem Minh Vương đóng Nguyễn Trãi trong Rạng ngọc Côn Sơn, cảm giác cũng giống xem Thanh Nga đóng Trưng Trắc trong Tiếng trống Mê Linh. Cảm giác đó là: tự hào về lịch sử và danh nhân đất nước; cảm phục tài sắc của các nghệ sĩ, đã biến những bài học lịch sử cơ hồ khô khan thành tác phẩm nghệ thuật chạm đến sâu thẳm trái tim.

Còn Thanh Tuấn, lần đầu xem ông đóng cũng sửng sốt như xem Bạch Tuyết, Tô Kim Hồng... vậy. Bạch Tuyết với cái vẻ lả lơi đầy khí chất trong Nghêu Sò Ốc Hến, khiến các loại Hến khác đâm quá đơn giản. Khi Hến của Bạch Tuyết cất tiếng hát, trần tình trong phiên tòa rằng: “Kể từ lúc nửa đường gẫy gánh, em lo mải miết kiếm ăn, thân cô đơn không biết cậy nhờ ai”, quan tòa dê cụ thì đế vào một cách hài hước với thầy đề rằng: “đề, ghi câu này: nửa đường gẫy gánh”, khán giả như tôi cảm thấy hoàn toàn bị nghệ thuật cải lương chinh phục!

Nhờ họ, vọng cổ trở nên quyến rũ đến nỗi chẳng hạn một ca khúc như Cô gái tưới đậu- tiết mục song ca của Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ, Đài Tiếng nói Việt Nam phải phát đi phát lại không biết bao nhiêu lần theo thư yêu cầu của thính giả, hồi thập kỷ 80 thế kỷ trước.

Minh Vương ba lần trượt NSND. Thanh Tuấn thì hai lần. Lý do: Không đủ số phiếu 90% tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước. Hai nghệ sĩ thất vọng lên tiếng, khán giả bức xúc thay, thế rồi ngày 26/7/2018, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đã họp bàn, cuối cùng Minh Vương- Thanh Tuấn là những diễn viên sân khấu hiếm hoi vượt qua cuộc “xét lại” đợt này. Giờ còn chờ đợi sự chốt hạ của Hội đồng cấp Nhà nước nữa.

ÐẾN PHA TRƯỢT VỎ CHUỐI CỦA PHẠM MINH TUẤN

Thu này, tôi gọi điện vào Khánh Hòa cho nhà thơ Giang Nam 89 tuổi để hỏi chuyện nghề chuyện người, hỏi công việc Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa dạo nào có mâu thuẫn gì với sự lãng mạn của một nhà thơ. Hỏi thêm về các sáng tác không phải ai cũng biết của ông, ví dụ bài thơ hình như tên là Hạnh phúc mà chúng tôi được nghe bình giảng trong nhà trường từ ngày đầu thống nhất đất nước. Bài thơ bắt đầu như sau: Má bận đi công tác/ Nên dành cho ba/Cái hạnh phúc đưa con đến trường/Mười bảy tuổi đời con/ Ba mới biết niềm vui của những người cha người mẹ/Ba vẫn ước được dặn con/Những điều rất thừa mà riêng trái tim mới hiểu...

Tôi còn muốn hỏi ông một chuyện nữa- chuyện chiến trường của vợ ông, nguyên mẫu cô du kích trong bài thơ Quê hương. Và có kỷ niệm đặc biệt với phu nhân nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.

Số là tháng Tư vừa rồi, tôi lần đầu nghe Phạm Minh Tuấn kể về nỗi đau thầm kín của ông. Lâu nay có lời đồn quanh một chuyện đau lòng trong chiến tranh, về một cháu bé sơ sinh phải hy sinh tính mạng để cả đoàn công tác được sống. Không ngờ chính là chuyện đời nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nổi tiếng.

Ðất nước cần người thực danh thực tài ảnh 1

Từ phải qua: Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, nhà thơ Bảo Ðịnh Giang, văn công Hồng Cúc- vợ Phạm Minh Tuấn, năm 1970. Ảnh: Hồng  Sến.

Nhạc sĩ kể: Năm 1964 con gái ông 6 tháng tuổi, sống trong rừng với vợ chồng ông (hai người cùng công tác ở Đoàn Văn công Giải Phóng). Một hôm trên đường hành quân vợ ông  lọt ổ phục kích. Súng nổ, bé khóc. Vợ ông phải ém con bằng cách nằm rạp xuống và ấn vú cho con bú, để che mắt địch. Êm tiếng súng nhìn lại con thì nó bị ngộp thở, và mất.18 cán bộ trong đoàn đi thoát nhưng ba phụ nữ bị bắt gồm bà Cúc vợ Phạm Minh Tuấn, bà Triều vợ nhà thơ Giang Nam, và một phụ nữ là thông dịch viên tiếng Hoa. (Xem bài Phạm Minh Tuấn: Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ, Tiền Phong tháng 4/2018).

Hôm nay tôi hỏi Giang Nam về hai lần bị bắt của vợ ông (bà đã mất được mấy năm). Lần đầu, ông còn tưởng vợ đã bị giết nên mới viết bài Quê hương nổi tiếng nhất sự nghiệp. Lần thứ hai bà bị bắt cùng vợ Phạm Minh Tuấn. Nên đã chứng kiến bi kịch lớn của vợ chồng nhạc sĩ. 

Muốn hỏi nhiều chuyện, nhưng nhà thơ của chúng ta yếu mệt thật rồi. Ông nói chậm và nhỏ, không nhớ gì lắm về bài thơ Hạnh phúc. Tuy vậy vừa hỏi chuyện vợ ông từng có duyên với vợ Phạm Minh Tuấn trong chiến tranh, ông nói ngay: “Hai cô bị bắt ở Tây Ninh. Cô Cúc tội lắm...”.

Phạm Minh Tuấn, nghệ sĩ chiến sĩ, người mà “hễ chiến dịch mở là chúng tôi lên đường “(diễn phục vụ bộ đội). Còn tác phẩm thì sao? NSNA Chu Chí Thành, thành viên hội đồng cấp Nhà nước xét duyệt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, đồng ý với tôi rằng: Chỉ riêng ba ca khúc Bài ca không quên, Đất nước, Khát vọng đã đủ xứng đáng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Chưa nói Qua sông, Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn, Mùa xuân, Dấu chân phía trước, Ngôi sao biển...

Thế nhưng được biết ở hội đồng cơ sở, có hai nhạc sĩ trong Nam không bỏ phiếu cho ông. Ra được đến hội đồng Nhà nước nhưng rồi cũng trượt. Kết quả là Phạm Minh Tuấn thua Trọng Bằng, Doãn Nho, Thuận Yến, Hoàng Hà, Chu Minh trong cuộc đua Giải thưởng Hồ Chí Minh gần đây nhất.

Ðất nước cần người thực danh thực tài ảnh 2

Phạm Minh Tuấn thời trẻ Ảnh: Hồng Sến.

DỄ HAY KHÓ?

Minh Vương phát biểu trên báo: “Nếu người ta thực sự trân trọng cống hiến của tôi với nền cải lương Việt Nam thì không cần nhìn hồ sơ họ cũng biết tôi đã làm được những gì”. Ông đúng. Với Thanh Tuấn cũng vậy.

Còn một nhạc sĩ như Phạm Minh Tuấn, cuộc đời nghệ sĩ chiến sĩ trọn vẹn như vậy, cống hiến hy sinh nhiều như vậy mà một vài đồng nghiệp-giới nhạc nói riêng, giới nghệ sĩ nói chung- vẫn “tiếc” lá phiếu cho ông, là vì đâu? (Nghe nói NSND Chu Thúy Quỳnh không bỏ phiếu cho ông ở hội đồng cấp Nhà nước). Phạm Minh Tuấn rồi sẽ được Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng liệu có quá muộn?

Trong khi Minh Vương, Thanh Tuấn trầy trật, thì có nhiều NSND ngạch biểu diễn hẳn hoi, nghe xưng danh thấy khó hiểu. Khá đông NSƯT mà chúng ta không biết là ai. Và nhiều Giải thưởng Hồ Chí Minh không hoàn toàn xứng đáng.  

Đất nước, nhân dân cần người thực tài, thực danh. Còn nghệ sĩ, nếu họ không màng thì thôi còn nếu họ coi danh hiệu và giải thưởng cũng là một thước đo, thì chúng ta cần người cầm cân nảy mực sáng suốt. Lâu nay, rất nhiều sự kêu ca về hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, trong đó người của ngành nọ không hề biết gì về ngành kia. Dẫn đến ù xọe, bỏ phiếu theo cảm tính. Hoặc bị chi phối bởi yếu tố ngoài nghệ thuật. Cho nên, nói vừa khó lại vừa dễ lại đạt danh hiệu và giải thưởng văn học nghệ thuật, là như thế.

Vai hay của kép đẹp kép mùi Minh Vương đếm không xuể. Cái giọng lanh lảnh, vang rền nền nảy đó tung hứng cùng giọng kim pha thổ độc đáo của Lệ Thủy, thì thần sầu quỷ khốc! Một kỷ lục Guinness Việt Nam về cặp đào kép đóng chung lâu và ăn ý nhất từng được trao cho họ từ chục năm trước.

Thanh Tuấn thậm chí được khán giả miền Bắc biết đến trước cả Minh Vương, ngay từ vở Tìm lại cuộc đời công chiếu ngày đầu thống nhất đất nước. Vẻ điển trai đó, giọng hát trong veo đó, diễn xuất hấp dẫn đó khiến một kịch bản giờ nhìn lại dễ bị qui là “luận đề”, song thực tế đã trở thành ký ức đẹp bền với bao người hâm mộ.  

Có một nghệ sĩ sân khấu của Hà Nội tài sắc, nổi danh lắm nhưng sẽ khó mà được NSND vì chị bị một phốt lớn, là cố tật từ thời trẻ. Minh Vương, Thanh Tuấn nếu không có phốt gì thì chẳng đáng bị trượt dài như thế. Phạm Minh Tuấn cũng vậy.

MỚI - NÓNG