Ðề phòng lũ quét, lở đất, ngập lụt sau bão số 6

Bão uy hiếp làng biển Mỹ Quảng, xã An Chấn, huyện Tuy An (Phú Yên). Ảnh: PV
Bão uy hiếp làng biển Mỹ Quảng, xã An Chấn, huyện Tuy An (Phú Yên). Ảnh: PV
TP - Ðêm qua, rạng sáng nay (11/11), bão số 6 đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Bình Ðịnh đến Khánh Hòa, với gió cấp 8-9, giật cấp 11, triều cường có lúc cao tới 1,8-2 m và gây mưa lớn trên diện rộng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đêm qua, rạng sáng nay (11/11), bão số 6 đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, với gió mạnh cấp 8-9, giật 11, gây mưa lớn. Sau khi đi sâu vào đất liền, bão suy yếu dần và đến khoảng 4 giờ sáng nay, áp thấp nhiệt đới (do bão suy yếu) nằm trên đất liền các tỉnh Nam Trung bộ, sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão số 6, từ nay đến ngày 12/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Khu vực từ Thừa Thiên- Huế đến Quảng Ngãi, Đắk Nông, Lâm Đồng có mưa 100-150mm, Bình Định đến Khánh Hòa mưa 200-300mm, có nơi trên 300mm và khu vực Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk mưa 100-200mm. Do mưa lớn, các địa phương cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở các vùng thấp, cửa sông.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến chiều 10/11, tất cả các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận đã cấm biển. Các địa phương từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đã cho học sinh nghỉ học hôm nay (11/11).

Theo  Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) khu vực Nam Trung bộ hiện có 6 hồ đang xả lũ, gồm hồ Vĩnh Trinh (Quảng Nam), Định Bình, Cẩn Hậu (Bình Định), Đồng Tròn, Phú Xuân và Suối Vực (Phú Yên). Khu vực này có 24 hồ chứa bị hư hỏng và 34 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.

Tại Tây Nguyên, đến nay các hồ chứa đã đạt 80-90% dung tích thiết kế, trong đó có 5 hồ chứa đang xả. Khu vực này có tới 41 hồ chứa bị hư hỏng và 23 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp. Ngoài ra, có 2 hồ thủy điện đang xả tràn là Sông Ba Hạ và Sông Bung.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cho biết, bão số 6 gây mưa lớn trên diện rộng, các địa phương cần quyết liệt trong việc di dời, sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi nơi nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, có biện pháp bảo vệ tài sản của người dân.

20 năm trước, trận lụt lịch sử cướp đi gần 600 sinh mạng

Những ngày đầu tháng 11 của 20 năm trước, một trận “đại hồng thủy” đã gây thiệt hại kinh hoàng ở 10 tỉnh miền Trung. Trận lũ làm 592 người chết, trong đó Thừa Thiên - Huế có 351 người, Quảng Nam 80 người; trên 41.800 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp và trôi, trên 50 nghìn héc-ta lúa và 230 nghìn tấn thóc bị hỏng, 575 tàu bị chìm, gần 1.500 cầu cống bị sập, trôi, hư hỏng… với tổng thiệt hại hơn 3.773 tỷ đồng (thời điểm 1999).

Theo số liệu thống kê của Ðài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung bộ (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), đợt lụt lịch sử năm 1999 tại miền Trung ( từ tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam) kéo dài từ ngày 6/11 với lượng mưa phổ biến 1.000-1.500mm. Ðặc biệt, tại Thừa Thiên-Huế, tổng lượng mưa đo được tại nhiều trạm trong những ngày trên dao động từ 1.800mm đến hơn 2.200mm. Ðáng chú ý, ngày 3/11/1999, lượng mưa đo được ở trạm Huế là gần 1.000mm.

Thời điểm đó, nước đầu nguồn sông Hương, mỗi giờ lên 1 m, ở hạ nguồn sông Hương lên tới 5,94m, vượt mức báo động 3 tới 2,94 m - mức chưa từng có trong số liệu khí tượng - thủy văn 100 năm qua.

Trước tình hình trên, Việt Nam đã phát động phong trào ủng hộ đồng bào miền Trung rộng khắp, đồng thời thiết lập cầu hàng không từ Gia Lâm, Vinh, Ðồng Hới, Phú Bài, Ðà Nẵng, Tân Sơn Nhất… để cứu trợ. Có 24 máy bay được huy động để vận chuyển lương thực, thuốc men cứu trợ đồng bào.       

             NAM KHÁNH

Hủy hàng loạt chuyến bay

Do ảnh hưởng của cơn bão số 6 đổ bộ Nam Trung bộ, Cục Hàng không (Bộ GTVT) đã thông báo đóng cửa một số sân bay khu vực như: Ngừng khai thác sân bay Phù Cát (Bình Ðịnh) từ 16h ngày 10 đến 7h ngày 11/11; sân bay Pleiku (Gia Lai) đóng cửa từ 20h ngày 10 đến 12h ngày 11/11; sân bay Cam Ranh (Khánh Hoà) đóng cửa từ 18h ngày 10 đến 6h ngày 11/11… Do vậy, các chuyến bay đi/đến các sân bay này trong khung giờ trên đều bị hủy.

Cụ thể, Vietnam Airlines hủy 12 chuyến bay trong ngày 10/11, như: Chuyến bay VN1384/VN1385 giữa TPHCM - Ðà Lạt, VN1603 giữa Hà Nội - Buôn Mê Thuột, VN1915/VN1914 giữa Ðà Nẵng - Buôn Mê Thuột, VN1415 giữa Buôn Mê Thuột - TPHCM…

Cùng ngày, Jetstar Pacific hủy thêm 6 chuyến bay, gồm BL686/BL687 giữa TPHCM - Ðà Nẵng; BL452/BL453/BL434/BL435 giữa TPHCM - Quy Nhơn/Phú Yên. Bamboo Airways thông báo huỷ một số chuyến bay đi/đến các sân bay khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Tương tự, Vietjet huỷ 17 chuyến bay trong ngày 10/11, gồm VJ382/VJ383 chặng TPHCM - Quy Nhơn, VJ782/VJ785 chặng Nha Trang - Hà Nội, VJ836 chặng Nha Trang - Seoul (Hàn Quốc). Ngày 11/11, Vietjet hủy thêm 2 chuyến bay là VJ837 chặng Seoul - Nha Trang và VJ607 chặng Nha Trang - TPHCM.

Các hãng hàng không cũng thông báo phải điều chỉnh giờ bay của nhiều chuyến bay khác. Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ chuyển sang các chuyến tiếp theo khi thời tiết tốt hơn. Các hãng hàng không khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến, đi từ các sân bay tại khu vực Nam Trung bộ trong thời gian này nên thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết và thông tin từ các hãng hàng không để sắp xếp lịch đi lại.             

            LÊ HỮU VIỆT

MỚI - NÓNG