Ðổi mới ở Diên Hồng

Ðại biểu Quốc hội trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: Như Ý.
Ðại biểu Quốc hội trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: Như Ý.
TP - Phòng họp Diên Hồng, nơi hội tụ gần 500 đại biểu Quốc hội vào mỗi phiên họp, luôn chứng kiến sự đổi mới tích cực từ các phiên thảo luận, tranh luận, chất vấn, làm tăng sức hấp dẫn trong hoạt động nghị trường.

Tranh luận nảy lửa

Sự đổi mới tại diễn đàn Quốc hội được thể hiện rõ ngay từ cách thức thực hiện tại mỗi kỳ họp. Không còn những báo cáo quá dài. Quy định mới đã giới hạn ngắn gọn, mỗi báo cáo trình bày tại phòng họp Diên Hồng chỉ kéo dài không quá 15 phút. Thay vào đó, thời gian phát biểu, thảo luận, chất vấn được tăng lên để ghi nhận những ý kiến trí tuệ, tâm huyết của đại biểu Quốc hội.

Nếu như trước đây, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp chỉ kéo dài trong khoảng 2 ngày, giờ, thời gian cho phiên chất vấn đã kéo dài thêm nửa ngày. Sự đổi mới này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cử tri và của chính các đại biểu Quốc hội. Chia sẻ về điều này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ, cá nhân ông cùng nhiều đại biểu khác còn mong muốn tăng thời gian chất vấn lên 5 – 6 ngày, đồng thời tăng số lượng thành viên Chính phủ được tham gia trả lời chất vấn. “Sự đổi mới ở Quốc hội là thể theo nguyện vọng của nhân dân và các đại biểu Quốc hội. Thực tế, các đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách, luôn muốn kéo dài thời gian chất vấn hơn nữa, nhưng do thời gian kỳ họp nên chưa thể thu xếp được như mong muốn. Mặc dù vậy, đây cũng là sự cải tiến và hy vọng Quốc hội tiếp tục đổi mới hơn nữa trong các kỳ họp tiếp theo”, ông Nhưỡng bày tỏ.

Ðổi mới ở Diên Hồng ảnh 1 Ðại biểu Quốc hội trao đổi bên lề kỳ họp.

Ngoài sự đổi mới trong hoạt động chất vấn, trong năm qua, Quốc hội cũng lần đầu tiên “phá lệ”, cho kéo dài thời gian phiên thảo luận về kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước thêm 1,5 giờ. Thông lệ lâu nay, thời gian thảo luận tại hội trường được chốt cứng, từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc 17 giờ. Nếu hết giờ làm việc vẫn còn nhiều đại biểu đăng ký thảo luận, Quốc hội vẫn cho kết thúc phiên họp, các phát biểu sẽ gửi văn bản cho Tổ thư ký. Tuy nhiên, sự “phá lệ” của kỳ họp giữa năm 2017 đã mang lại hiệu quả tức thì, khi có thêm nhiều đại biểu được trực tiếp phát biểu, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng cử tri và nhân dân gửi gắm.

“Đặc sản” các phiên họp gần đây phải kể đến những phiên tranh luận nảy lửa ở hội trường. Tiếp nối tinh thần đổi mới, quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội được thực hiện và phát huy cao độ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng. Đại biểu không chỉ tranh luận với các thành viên Chính phủ, mà còn tranh luận với các đại biểu khác về những quan điểm còn khác nhau. Thậm chí, đăng ký tranh luận không được, nhiều đại biểu còn lách luật “chen luận”.

Hẳn là cử tri và người dân còn nhớ tại phiên thảo luận dịp cuối năm 2017, Quốc hội xác lập một kỷ lục mới khi có đến 11 đại biểu sử dụng quyền giơ bảng tranh luận. Và có lẽ kỷ lục này sẽ không chỉ dừng lại ở con số 11, khi vẫn còn những tấm bảng giơ lên. Đáng tiếc thời gian dành cho phiên thảo luận đã hết. Những tranh luận chồng tranh luận liên tục nối tiếp nhau, tạo nên sức hấp dẫn đúng với tính chất của nghị trường.

Làm quen với sự đổi mới

Chia sẻ về hoạt động tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, người luôn có những phát biểu, chất vấn đanh thép, đã nhấn mạnh quan điểm “tin tưởng, tôn trọng và chấp nhận”. Trong các phát biểu hay tranh luận, đại biểu này thường nói rất nhanh, lý do đơn giản vì “bị áp lực về thời gian”, nên vô cùng quý giá hai phút chất vấn, ba phút tranh luận, bảy phút thảo luận may mắn có được.

“Khi phát biểu, tôi thường đi thẳng vào vấn đề, ít khi “ghi nhận, đồng tình, đánh giá cao”. Trong cách đặt vấn đề, tôi thường chọn cách nhìn gai góc. Vì đó là phương pháp và cách thức chuyển tải mà tôi lựa chọn. Ai cử mình đến nghị trường? Đó chính là lá phiếu của dân. Việc có ý kiến trái chiều, quan điểm khác nhau khi tranh luận là một việc hết sức bình thường. Sự tranh luận chỉ văn minh khi tôn trọng các quan điểm của nhau và không quy chụp”, nữ đại biểu đoàn Phú Yên bày tỏ.

Ðổi mới ở Diên Hồng ảnh 2 Quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội luôn được phát huy tại các phiên họp.

Đánh giá cao sự đổi mới trong mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, bà Hiền nói, điều này giúp cho các đại biểu Quốc hội có cơ hội được chất vấn các tư lệnh ngành nhiều hơn. Sự đổi mới này cũng đồng nghĩa với việc nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước được đưa ra công khai trước nghị trường và người dân theo dõi trực tiếp sẽ biết được những tâm tư, kiến nghị của mình có đến với Quốc hội không.

“Qua những phiên chất vấn gần đây, tôi nhận thấy, bộ trưởng nào biết cách nhóm vấn đề sau những câu hỏi đại biểu đặt ra để trả lời ngắn gọn, súc tích, đầy đủ thông tin thì buổi chất vấn hôm ấy đạt hiệu quả. Ngược lại, bộ trưởng trả lời chưa đi thẳng vào vấn đề, thiếu tập trung, thiếu trọng tâm khiến nhiều đại biểu không đồng tình, tranh luận lại, kéo dài thời gian. Vì thế, các tư lệnh ngành cần quan tâm đến việc đưa ra các quan điểm, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu hơn là đưa ra những giải pháp chung chung được nêu trong nghị quyết hay báo cáo”, bà Hiền kỳ vọng.

Cùng chia sẻ với Tiền Phong, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay, tại các phiên thảo luận, tranh luận, hay chất vấn, chủ tọa luôn cố gắng để đại biểu có điều kiện nói rõ quan điểm, lập luận, chính kiến của mình. Từ đó sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc, quyết định vấn đề một cách chắc chắn, đầy đủ và chính xác hơn. “Cách tiếp cận vấn đề của mỗi đại biểu còn khác nhau. Chính vì vậy, đây là nơi để đại biểu nói sâu và đầy đủ hơn về mỗi vấn đề. Tại sao phải dùng chính sách này, tại sao ban hành chính sách kia? Đây cũng chính là điều kiện để “cọ xát”, trao đổi để chọn ra được phương án tốt nhất, khả thi nhất”, ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Ðổi mới ở Diên Hồng ảnh 3

Một vấn đề dư luận đặt ra, liệu sau những phiên tranh luận nảy lửa có xảy ra mâu thuẫn, hay “mất đoàn kết” giữa các đại biểu không. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tuy không đến mức độ như vậy, nhưng cũng có thể động chạm, có sự không hài lòng. “Đó là tâm lý của người phương Đông, còn với phương Tây, chuyện này rất nhẹ nhàng. Nhưng tôi nghĩ, đây là hoạt động nghị trường và dần dần chúng ta phải quen với việc này”, ông Uông Chu Lưu cho hay.

“Chúng tôi luôn cố gắng để mỗi đại biểu có điều kiện nói rõ quan điểm, lập luận, chính kiến của mình và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc, quyết định vấn đề đó một cách chắc chắn, đầy đủ và chính xác hơn”.        

          Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

 

“Việc có ý kiến trái chiều, quan điểm khác nhau khi tranh luận là một việc hết sức bình thường. Sự tranh luận chỉ văn minh khi tôn trọng các quan điểm của nhau và không quy chụp”.

            Ðại biểu Phạm Thị Minh Hiền

MỚI - NÓNG