10 năm trước, tôi viết về liệt sỹ Đặng Thùy Trâm (tiếp)

10 năm trước, tôi viết về liệt sỹ Đặng Thùy Trâm (tiếp)
Dẫu nặng lòng thương yêu bố mẹ và các em, Thùy Trâm vẫn không chỉ ý thức trách nhiệm của bản thân đối với đất nước thời chiến tranh, mà còn cố gắng truyền cho em tình cảm cao đẹp đó.
10 năm trước, tôi viết về liệt sỹ Đặng Thùy Trâm (tiếp) ảnh 1

Quyết định xung phong vào chiến trường, ngay khi tốt nghiệp, chị viết thư cho bố mẹ: “Bố mẹ thương yêu ơi, đừng lo cho con. Con chỉ ân hận mai này đi công tác xa, con chẳng giúp gì được bố mẹ và các em...”.

Và xoa dịu tâm trạng lo lắng của em gái: “Phương Trâm thương yêu! Đừng bao giờ yếu đuối như vậy. Hãy cứng rắn như Giên E-rơ. Cuộc đời hiện nay đang giữa cơn gió lốc. Cơn gió buổi giao thời trước lúc trời êm đẹp.

Những ước mơ ngày xưa: mơ một căn nhà êm ấm, ở đó tất cả chúng mình quây quần bên bố mẹ chắc khó thực hiện. Đất nước và lương tâm đòi hỏi mình phải hy sinh nhiều hơn. Nói cho cùng, nhà mình vẫn chưa cống hiến gì đáng kể cho đất nước.

Hơn mười năm kháng chiến, gia đình vẫn nguyên vẹn, trong khi biết bao người đã ngã xuống. Mình lớn lên giữa thời buổi này, lẽ nào lại tìm một nơi an nhàn nhất? Lương tâm chị không cho phép”.

Sẽ sai lầm, nếu nghĩ rằng, Thùy Trâm thanh thản từ bỏ cuộc sống ít vất vả hơn ở hậu phương, bởi quanh chị, tất cả bạn bè đều là người tốt. Trái lại, thực tế không thiếu kẻ cơ hội, ích kỷ, giả dối, song chị vẫn biết chọn cho bản thân lối sống kiên định, mạnh mẽ.

Chừng hai tuần sau ngày tập trung học khóa huấn luyện chuẩn bị đi Nam, thất vọng trước những người quá “khôn”, Thùy Trâm tâm sự với bạn thân, anh Dương Đức Niệm: “Mình đang sống ở căn phòng, mà như ở một nơi xa lạ. Niệm đừng ngạc nhiên - quả thật, những con người ở đây là như thế đấy. Họ sống trong sự chiều chuộng của Đảng và nhân dân. Ấy thế mà họ trốn tránh những gian khổ đang chờ đợi họ.

Lo sợ con đường đầy bom đạn, họ muốn rẽ tắt vào lối nhỏ để trở về căn nhà riêng, với cuộc sống gia đình yên vui. Mình không hiểu, tại sao họ có thể quay lưng lại trước tiếng gọi tha thiết của quê hương để tìm kiếm hạnh phúc riêng, trong lúc này? Họ đua nhau lấy vợ, lấy chồng, mặc chi bộ can ngăn, chi đoàn phản đối...”.

Đọc những tâm sự thầm kín của Thùy Trâm với anh Niệm, càng thấy chị là con người có cuộc sống nội tâm hết sức phong phú-cao thượng vị tha là thế, song yêu-ghét bao giờ cũng rõ ràng; điều kiện sống càng khắc nghiệt-chị càng chứng tỏ bản lĩnh vững vàng. Lạc quan và yêu đời trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Sau ba tháng hành quân, từ chiến trường Quảng Ngãi, chị tâm sự với bạn: “Viết thư cho Niệm giữa lúc máy bay địch gào thét trên đầu. Trực thăng quạt hàng tràng đại liên. Phản lực dội bom điên cuồng. Mặc kệ. Chúng thừa bom thì cứ vãi. Cùng lắm chết lũ cây rừng... Mình được phân công về huyện Đức Phổ. Cơ quan bị oanh tạc tuần trước. Thiệt hại về người không lớn, nhưng bệnh xá tan hoang.

Thùy (chị thường viết tên mình như vậy-TG) về, vác ba-lô đi giữa những căn nhà sập nát. Đồ đạc dụng cụ y tế vương vãi đầy sân. Không một bóng người. Thùy không khóc, nhưng lòng rớm máu. Thùy lang thang đi thăm từng buồng bệnh cũ. Những chiếc khay đựng xi-lanh, dao kéo... Những giá treo áo blouse... tất cả gẫy vụn.

Ai có cách gì nói hết nỗi đau của Thùy? Nỗi đau cắn vào xương thịt, không dừng lại ở cảm giác... gặp những người trong cơ quan, Thùy bình tâm lại ngay. Trong gian khổ họ vẫn vui cười. Vẫn hát. Mấy tháng trước, trên đường Nam tiến mình đã vượt qua mọi gian truân. Tất cả vì có đồng đội. Bây giờ trong gian khó, họ cũng là người dìu dắt, động viên Thùy vượt lên phía trước. Thế đó, Niệm ơi, hãy tin rằng, cô gái của Niệm sẽ giữ mãi bản chất yêu đời, trẻ trung, dù trong lửa bom, bão đạn”.

Sẵn ý chí kiên cường, lại tin vào tương lai tươi sáng của sự nghiệp, những lá thư từ nơi đối mặt với cái chết của chị gửi về từ mặt trận còn có tác dụng tăng cường sức mạnh cho người hậu phương.

Hãy nghe chị kể chuyện về đồng bào địa phương, nơi có “hàng ngàn tấm guơng hy sinh có thể viết thành những bài ca tuyệt đẹp. Ngay chị y tá cơ quan, trong trận oanh tạc vừa rồi cũng lấy thân mình che cho thương binh. Chị chết khi mới 21 tuổi và vừa cưới tháng 12 năm 1966” (thư ngày 23 tháng tư năm 1967).

Cảnh đời bi tráng điển hình như thế của một gia đình công chức giữa thủ đô Hà Nội, thời cuối thế kỷ XX chắc chắn là đề tài không thể bỏ qua đối với bất cứ người cầm bút nào. Và tôi đã nảy ra cái tít “Đi tìm Su-li-cô” để đặt cho bài viết. Cái tít bắt nguồn từ cuộc trò chuyện với bà Doãn Ngọc Trâm.

Bà kể : “Thùy Trâm rất thích ca hát và hay hát. Đã ngót ba mươi năm (đến 1995-TG), cứ mỗi dịp có việc qua dốc Thọ Lão (cuối phố Lò Đúc, nơi ở cũ của gia đình-TG), tôi lại thấy văng vẳng tiếng nó hát. Ai ngờ con Thùy (Trâm) nhà tôi lại chính là Su-li-cô”.

Su-li-cô là tên cô gái trong bài hát cùng tên của Gru-di-a. Bài hát kể về mối tình bi hùng của cô gái với chàng trai trong thời buổi đất nước có chiến tranh. Họ chia tay nhau, cả hai ra mặt trận. Có điều mỗi người đi một ngả. Chiến tranh kết thúc. Chàng trai trở về nơi hẹn. Cô gái đã hy sinh...

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG