10 người thân làm quan 1 xã

10 người thân làm quan 1 xã
10 người thân làm quan 1 xã
Chuyện khó tin này xảy ra ở một xã của tỉnh Quảng Nam, gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam có đến 10 người có mối quan hệ thân thiết, bà con trong tộc họ nắm giữ hết chức vụ chủ chốt của xã này.

Ông Phạm Văn Luân (SN 1978), Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hòa, có anh vợ là ông Lương Phước Nghĩa (SN 1978) - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Bà Phạm Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, là em gái của ông Luân và là vợ của ông Phan Thanh Việt, Xã đội trưởng. Bà Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ tổ chức là vợ của ông Nghĩa và kế toán Nguyễn Thị Thanh Thủy là chị ruột bà Hạnh.

Ngoài ra, giữa Chủ tịch UBND xã Lương Phước Nghĩa và ông Nguyễn Văn Nhàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, có quan hệ bà con. Ông Nghĩa và ông Luân ở vai cháu, gọi ông Nhàn là ông. Tương tự, cũng có quan hệ trong tộc họ nên ông Nghĩa và ông Luân cùng gọi bà Trần Thị Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bằng cô. Trong khi đó, bà Liên chính là vợ của ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch HĐND xã. Chưa hết, giữa ông Nghĩa và ông Phạm Văn Khoa, cán bộ văn phòng xã, cũng có quan hệ bà con xa.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Văn Luân xác nhận những thông tin trên là hoàn toàn chính xác. Theo ông Luân, giữa ông Nghĩa và ông Khoa, ông Nhàn có bà con nhưng… xa lắc xa lơ. "Anh Nhàn có bà con với anh Nghĩa trong tộc, trong họ, khi họp hành thì kêu đồng chí, xong họp có kêu ông nhưng tôi cũng không biết bà con kiểu chi, xa quá, đám giỗ không mời mà" - ông Luân phân trần.

10 người thân làm quan 1 xã ảnh 1 Xã Hiệp Hòa, nơi có 10 cán bộ là anh em, bà con trong tộc họ cùng nắm giữ các chức vụ chủ chốt.

Ông Luân khẳng định bản thân ông và những cán bộ nói trên đều được bổ nhiệm đúng quy trình và chức vụ đảm nhiệm đều sau quá trình dài phấn đấu chứ không phải khi ông và ông Nghĩa nhận chức vụ chủ chốt rồi mới đưa vào. Trước khi làm chủ tịch UBND xã từ năm 2010, ông Nghĩa làm xã đội trưởng rồi phó bí thư thường trực. Bản thân ông Luân trước khi làm bí thư xã từ năm 2014 có 11 năm làm phó chủ tịch xã (2004-2014); bà Thủy làm kế toán từ năm 2001 và bà Hạnh làm cán bộ tổ chức từ năm 2008 đến nay...

Theo ông Luân, dù có mối quan hệ anh em, bà con nhưng các mối quan hệ đó không hề ảnh hưởng đến công việc, mọi thứ đều công khai, dân chủ. Từ khi ông và ông Nghĩa làm đến bây giờ, Đảng bộ xã được Huyện ủy Hiệp Đức đánh giá cao, luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, trong sạch vững mạnh tiêu biểu; kinh tế - xã hội địa phương phát triển tốt; việc đầu tư xây dựng cơ bản, nông thôn mới rất minh bạch, công khai…

Nói về việc nhiều người thân cũng làm lãnh đạo xã này, ông Lê Văn Dũng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, nhìn nhận dù thật sự có khách quan nhưng người dân có quyền đặt nghi vấn này kia nên sắp tới sẽ điều chuyển cho hợp lý hơn.

Liên quan đến công tác cán bộ ở tỉnh Quảng Nam, ông Dũng thông tin thêm vừa qua, Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại quy trình bổ nhiệm cán bộ từ năm 2012 đến nay. Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các huyện tổ chức kiểm tra, rà soát tình trạng "cả nhà làm quan" ở các đơn vị, địa phương để sắp xếp, bố trí lại. 

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.