100 ca cấp cứu đáp ứng được... 7 ca: Nghịch lý 115 Hà Nội

Đang tồn tại nhiều nghịch lý cản trở sự phát triển của Trung tâm 115 Hà Nội. Ảnh: Trường Phong.
Đang tồn tại nhiều nghịch lý cản trở sự phát triển của Trung tâm 115 Hà Nội. Ảnh: Trường Phong.
TP - Như Tiền Phong đã phản ánh, với cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực hiện có, Trung tâm 115 Hà Nội chỉ đáp ứng được 7% nhu cầu cấp cứu trên địa bàn Hà Nội. Dù thế, nếu có đủ số lượng xe cấp cứu cần thiết phục vụ 10 triệu dân, Trung tâm cũng không có đủ nhân lực để vận hành, khai thác.

Mua xe về ai chạy?

Theo báo cáo, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội hiện phát triển hệ thống mạng lưới gồm 5 trạm cấp cứu. Ngoài trạm cấp cứu khu vực trung tâm đặt tại 11 Phan Chu Trinh, còn 4 trạm khác đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Thanh Trì (huyện Thanh Trì), Trung tâm Y tế Long Biên (quận Long Biên) và Trung tâm y tế Hà Đông (quận Hà Đông).

Theo ông Nguyễn Thành, Giám đốc 115 Hà Nội, hiện trung tâm có 188 cán bộ công nhân viên chức lao động, trong đó có 28 bác sĩ, 25 y sĩ, 63 điều dưỡng, 6 dược sĩ, 48 lái xe cứu thương và 18 nhân viên khác.

Theo ông Thành, hiện nay, trung tâm mới chỉ đáp ứng được 14 kíp xe cấp cứu phục vụ 10 triệu dân Hà Nội mỗi ngày, phạm vi phục vụ bao gồm các quận nội thành và một số huyện vùng ven đô; nhiều huyện ngoại thành thuộc Hà Tây trước đây không thể phục vụ được. Hơn nữa, những năm gần đây, lượng bác sĩ rời bỏ công việc ở Trung tâm 115 ngày càng nhiều. “Có người hỏi 28 bác sĩ hiện có đủ không? Đương nhiên là không thể đủ được.

Hiện nay, tổng số chúng tôi có 42 kíp cấp cứu thì về lý thuyết phải có 42 bác sĩ”, ông Thành nói. Để khắc phục tình trạng này, ông Thành cho biết, trung tâm đã nhiều lần làm việc với Bộ Y tế, kiến nghị đồng ý cấp cứu trước bệnh viện có sự tham gia của các y sĩ.

“Nếu không có y sĩ tham gia thì đến nay Trung tâm cấp cứu 115 đã sụp đổ, không có ai làm”, ông Thành nói. Ông Thành cũng thừa nhận, trình độ của y sĩ và bác sĩ là khác nhau. “Không có bác sĩ thì chúng tôi phải tăng các y sĩ lên. Chất lượng nguồn nhân lực giảm xuống vì họ chỉ là y sĩ thôi”, ông Thành phân tích.

Đặc biệt nhấn mạnh đến việc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội chỉ có 21 xe cứu thương, trong khi cả thành phố Hà Nội cần tới 150 kíp xe cấp cứu thường trực (theo tiêu chuẩn WHO) cho 10 triệu người, ông Thành cho rằng, trung tâm cũng không dám xin mua 150 xe mới mà chỉ thay thế 10 - 12 chiếc xe đã cũ. Những chiếc xe mua từ năm 2011 cũng không dám xin thay thế.

“Nếu mua 150 xe thì đúng là phải làm một đề án và xin kinh phí, có thể lên tới hàng trăm tỷ. Thành phố có thể lo được, nhưng gặp khó khăn về vấn đề nhân lực. 150 xe đó ai đi? Đó là vấn đề phải tính toán”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, hiện tượng bỏ việc ở Trung tâm 115 Hà Nội không diễn ra ồ ạt như ở TPHCM nhưng nghỉ việc rả rích vẫn có. Nguyên nhân là do thu nhập thấp, cơ chế cấp giấy phép hành nghề khó khăn, không có điều kiện tăng thêm thu nhập.

Đủ người chạy xe cũng chưa được mua?

Về mô hình phát triển Trung tâm 115 ở Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nói, hiện nay, trên thế giới có hai mô hình phát triển của Mỹ và của Pháp. Ở Pháp, trung tâm cấp cứu trực thuộc bệnh viện đa khoa và giải quyết được nhiều thứ như về nguồn lực, cơ sở vật chất, trình độ bác sĩ, còn mô hình của Mỹ tập trung việc vận chuyển nhanh nhất đến bệnh viện, dù kíp cấp cứu cũng được trang bị một số thủ thuật nhất định.

“Nếu làm theo mô hình của Pháp thì giải quyết được rất nhiều vấn đề ở Hà Nội hiện nay”, ông Hưng nói. Nói về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm 115 Hà Nội Nguyễn Thành cho rằng, ở Pháp, mô hình trung tâm cấp cứu sở hữu bệnh viện chứ không phải bệnh viện sở hữu trung tâm.

Ông Thành cho biết, theo chỉ đạo của Thành phố và của Sở Y tế, trước mắt sẽ phát triển nhanh hệ thống mạng lưới trạm cấp cứu, đồng thời duy trì Trung tâm 115 và kết nối các bệnh viện vào hệ thống cấp cứu.

“Sau khi có kinh phí, điều kiện chín muồi có thể xây dựng một bệnh viện đặc trách công tác cấp cứu trước bệnh viện, điều hành mạng lưới cả về chuyên môn, con người, phát triển các hạng mục”, ông Thành nói. Theo đó, để phát triển mô hình này phải có 4 yếu tố gồm bệnh viện chủ nhịp, mạng lưới xe cấp cứu, trung tâm đào tạo và trung tâm điều hành, điều phối cấp cứu.

“Hiện nay, lãnh đạo thành phố và Sở Y tế đang đi theo mô hình này là rất sáng suốt, phù hợp với tình hình Việt Nam”, ông Thành đánh giá.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà xác nhận thông tin này, cho biết, thành phố đã cử đoàn công tác sang Pháp để nghiên cứu, học hỏi, tuy nhiên, Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị xe cấp cứu và nhân lực.

Riêng việc mua thêm xe cứu thương, đại diện Phòng hành chính sự nghiệp (Sở Tài chính) cho biết, theo văn bản mới nhất của Bộ Tài chính và UBND thành phố, việc mua sắm tài sản đang phải chờ các quy định mới.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.