100% công chức TP.HCM sẽ được đào tạo lại?

100% công chức TP.HCM sẽ được đào tạo lại?
Ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết, TP có nhu cầu xây dựng một kế hoạch dài hạn 10 năm và kế hoạch 5 năm (từ nay đến 2015) về đào tạo đội ngũ CBCC, làm cơ sở cho việc củng cố tăng cường thể chế cho các cơ quan chính quyền...
100% công chức TP.HCM sẽ được đào tạo lại? ảnh 1
Cán bộ, công chức Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2, TPHCM giải quyết hồ sơ bồi thường cho người dân Thủ Thiêm - Ảnh: Minh Nam (Thanh Niên)

Sở Nội vụ TP.HCM vừa hoàn tất báo cáo thực trạng và đề án đào tạo cán bộ, công chức TP từ nay đến năm 2020, với nhiều điểm mới.

Ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết: Hiện TP.HCM có hơn 100.000 cán bộ, công chức (CBCC), trong đó có hơn 11.000 công chức hành chính.

Nhiều năm qua, TP đã có nhiều quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC; nhưng công tác quản lý đào tạo và nguồn lực vẫn còn phân tán, chậm đổi mới, chưa gắn với yêu cầu xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Nội dung đào tạo bồi dưỡng còn nặng về hình thức tiêu chuẩn bằng cấp, chưa chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hành và chưa gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng loại công chức...

Xuất phát từ thực trạng trên, TP có nhu cầu xây dựng một kế hoạch dài hạn 10 năm và kế hoạch 5 năm (từ nay đến 2015) về đào tạo đội ngũ CBCC, làm cơ sở cho việc củng cố tăng cường thể chế cho các cơ quan chính quyền, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng nhu cầu của đô thị đông dân nhất nước. 

Công chức sẽ được đào tạo ra sao, thưa ông?

Mục tiêu của đề án là 100% công chức lãnh đạo, tham mưu, thừa hành các sở, ngành, quận, huyện và xã, phường được tăng cường về năng lực quản lý hiện đại tương ứng với yêu cầu của vị trí chức năng, có khả năng lãnh đạo và tổ chức thực thi hiệu quả các mục tiêu, đảm bảo yêu cầu quản lý và phát triển đô thị bền vững trong bối cảnh hội nhập...

Trước mắt, trong giai đoạn 2010 đến 2012, TP sẽ triển khai 10 chương trình đào tạo nhằm chuẩn hóa một phần công chức hiện nay, gồm: 60% số công chức lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện, xã phường; 50% số công chức tham mưu cấp sở, ngành, quận, huyện và 30% số công chức thừa hành.

Ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, các công chức còn được trang bị những kỹ năng, chủ yếu bồi dưỡng về kỹ năng tác nghiệp; giúp công chức chủ động trong điều hành công việc.

Trong đề án lần này, chúng tôi cũng đề xuất thi tuyển chức danh cạnh tranh, trước mắt thí điểm thi tuyển cấp trưởng phòng sở, ngành, quận, huyện.

TP sẽ có quy định cụ thể những người giữ chức vụ đó cần có tiêu chuẩn gì, điều kiện thi tuyển ra sao..., ví dụ như để làm trưởng phòng quản lý đô thị hay tài nguyên môi trường thì ít ra anh cũng phải là kỹ sư, kiến trúc sư... Sau khi thi đậu, người đó phải được đào tạo trước khi nhận nhiệm vụ.

Bên cạnh trình độ, thái độ của CBCC, điều người dân quan tâm là thủ tục hành chính (TTHC) có thực sự thông thoáng, đơn giản... Về lĩnh vực này, Chính phủ đã yêu cầu thực hiện đơn giản hóa TTHC (đề án 30), vậy TP.HCM thực hiện việc này ra sao?

Thời gian qua, chúng ta chỉ làm được việc thống kê, rà soát và kiến nghị. Trong phạm vi thẩm quyền, trong tháng năm này, TP sẽ xử lý ngay những thủ tục do TP ban hành, tức hơn 264 thủ tục, theo hướng có thể bỏ ngay, sửa đổi bổ sung hoặc thay thế... Những thông tin này sẽ được công bố công khai từng nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc tận địa bàn dân cư.

Thông qua việc đơn giản hóa TTHC cũng là dịp để đánh giá CBCC; qua đó đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Qua thực hiện đề án 30 sẽ lộ ra tất cả, ai giỏi, dở biết ngay. Có những "ông" nói rất hay, nhưng khi bắt tay vào rà soát thì lộ ra sự yếu kém ngay, không biết quy định này căn cứ pháp luật nào, hoặc muốn bỏ hay giảm thủ tục này thì phải kiến nghị điều chỉnh gì...

100% công chức TP.HCM sẽ được đào tạo lại? ảnh 2

Ông Lê Hoài Trung. Ảnh: Thanh Niên.

Do vậy, Sở Nội vụ sẽ kiến nghị khen thưởng, xem xét đề bạt, bổ nhiệm đều phải qua thực hiện đề án 30. Hiện, chúng tôi đề nghị các đơn vị thống kê đề xuất trước khi tham mưu trình UBND TP quyết định cụ thể việc này.

Qua rà soát TTHC, ông thấy nổi lên vấn đề gì từ CBCC?

Không ít CBCC không nắm được vấn đề, bảo thủ. Một số cán bộ lãnh đạo muốn giữ thủ tục đó, một số không biết bỏ ra sao, cấp dưới nói sao nghe vậy!...

Trong tháng năm này, TP sẽ sơ kết giai đoạn hai, đồng thời đánh giá những ưu, khuyết điểm, công bố khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức. Kỷ luật thì chưa đến nỗi, nhưng qua đó Sở Nội vụ thấy đây là dịp để xem xét đánh giá trình độ năng lực. Thực tế cho thấy, nơi nào cán bộ chuyên môn yếu thì lãnh đạo cũng yếu theo.

Vậy sao TP hiện dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giảm bớt TTHC, đến hơn 70%?

Đâu phải tự nhiên mà đạt được con số này. Chúng tôi phải đi kiểm tra 18 sở, ngành, quận, huyện xem xét từng thủ tục, siết từng thủ tục, rồi phản biện "đòi" bỏ dữ lắm mới được vậy.

Nhiều đơn vị rà soát rồi đưa lên, chúng tôi thấy chưa đạt yêu cầu phải trả về và yêu cầu rà soát kỹ hơn. Nhiều sở, chúng tôi phải trả đi, trả lại ba lần, yêu cầu về làm lại, thậm chí "cầm tay, chỉ việc"... chứ đâu phải tự nhiên mà đạt được con số đẹp vậy đâu?

Thấy chúng tôi làm căng quá, một số cán bộ méo mặt. Tuy vậy, một số lãnh đạo vẫn cương quyết giữ quan điểm của mình, nên tôi phải yêu cầu giám đốc sở ký tên (trước nay thường để cấp phó ký) vào văn bản đồng ý giữ nguyên kết quả rà soát, cam kết chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP thì lúc đó họ mới... ngán.

Thậm chí, tôi còn "hăm" lên danh sách phê bình một số giám đốc sở, lúc đó mới hiệu nghiệm. Các đơn vị đó có nơi giảm thủ tục từ 50 - 70%, thậm chí có sở sửa đổi, bổ sung tới 100%.

Ông có thể "bật mí" mấy "ông" sở bảo thủ?

Sở Giáo dục - Đào tạo, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư. Toàn mấy "ông" sở lớn. Rồi Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, hồi đầu kiểm tra thì vẫn bảo thủ, chúng tôi phản biện quyết liệt, đến nỗi ông phó giám đốc sở nói đùa: "Mấy anh làm kiểu này, chắc mấy ông cấp phép thất nghiệp quá!". Nhưng chúng tôi vẫn cương quyết...

Theo Minh Nam
Thanh Niên

MỚI - NÓNG