10.000 cán bộ ở TPHCM thu nhập dưới chuẩn nghèo

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa (giữa) tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu trong giờ giải lao.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa (giữa) tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu trong giờ giải lao.
TPO - Sáng 5/8, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 2, Hội đồng Nhân dân TPHCM tiếp tục diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đăng đàn trả lời các đại biểu (ĐB) và cử tri.

Đại biểu Trương Lâm Danh chất vấn: "TPHCM có trên 7.000 cán bộ không chuyên trách ở phường xã, theo quy định không có bảo hiểm xã hội, trợ cấp ốm đau, nghỉ hưu chỉ được hưởng lương 900.000 đồng/tháng, dưới chuẩn nghèo của thành phố. UBND TPHCM có chính sách gì để chăm lo?"

Do không thuộc lĩnh vực công tác nên Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa yêu cầu Giám đốc Sở Nội vụ trả lời. Theo Giám đốc Sở Nội Vụ Trương Văn Lắm, 7.000 cán bộ chuyên trách ở phường xã, theo quy định hiện nay chỉ được hưởng hệ số lương 1.0.

“UBND TPHCM có chính sách trả lương cho cán bộ chuyên trách ở phường xã theo trình độ và đề nghị HĐND thành phố cho đóng BHXH nhưng Luật BHXH mới không cho đóng nữa nên anh chị em rất thiệt thòi. Sở tham mưu UBND thành phố yêu cầu BHXH thành phố cho tiếp tục đóng nhưng sang năm 2016 thì không cho đóng nữa. Vừa qua, UBND thành phố đã kiến nghị thủ tướng”, ông Lắm nói.

Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, khi nâng chuẩn nghèo, rất nhiều cán bộ hưu trí sẽ dưới chuẩn nghèo. Về vấn đề này, Giám đốc Sở LĐTB&XH Lê Minh Tấn cho biết hơn 20 năm thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, TPHCM đạt nhiều kết quả. Chuẩn nghèo 16 triệu đồng/người/năm, cận nghèo 22 triệu đồng/người/năm giảm mạnh. Vì vậy, TPHCM tiếp tục nâng chuẩn nghèo lên mức 21 triệu đồng và cận nghèo là từ trên 21 triệu đồng đến dưới 28 triệu đồng/người/năm.

Với chuẩn mới này, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 5,7%, trong đó hộ nghèo là 64.000 hộ, cận nghèo là 46.000 hộ. Sở tham mưu nhiều giải pháp để hỗ trợ giảm nghèo đa chiều, không chỉ cải thiện thu nhập mà còn nhiều tiêu chí khác như nhà ở, việc làm, điện, nước, thông tin liên lạc… nhiều khó khăn, còn trên dưới 1.000 hộ ngấp nghé 21 triệu và 16 triệu. TPHCM giải quyết vay vốn cho bà con làm ăn, hỗ trợ 200.000 thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ về giáo dục, các chính sách an sinh như bù giá điện, trợ cấp xã hội,… để ngăn tái nghèo, thiếu đói.

“Thành phố hiện còn 9000 -10.000 cán bộ phường xã thu nhập dưới 21 triệu và 28 triệu đồng/người/năm. Chúng tôi phấn đấu đến 2020 thu nhập hộ nghèo gấp 3,2 lần năm 2011 (chuẩn 12 triệu đồng). Thu nhập hàng tháng 3,5 triệu đồng/người là rất khó khăn nhưng không thể không làm vì TPHCM đã xác định phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người đến 2020 đạt trên 9000 USD/năm”, ông Tấn cho biết.

Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho biết trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM nơi bà công tác, cán bộ giảng dạy có học vị tiến sỹ từ nước ngoài về chỉ được hưởng mức lương 3 triệu đồng/tháng, theo quy định là dưới chuẩn nghèo của TPHCM.

MỚI - NÓNG