12 năm cầm gậy tre làm 'CSGT bất đắc dĩ'

TP - 12 năm nay, không kể mưa giông gió rét, hình ảnh những cựu chiến binh tình nguyện cầm gậy tre hướng dẫn giao thông đưa hàng nghìn học sinh qua đường đã trở thành hình ảnh đẹp trên Quốc lộ 18, đoạn qua thị xã Đông Triều (Quảng Ninh).

“Chiến đấu” đến hơi thở cuối cùng

Cống hiến tuổi thanh xuân trên khắp các chiến trường, năm 1976, ông Phạm Đức Hạnh rời quân ngũ trở về quê hương với thương tật 4/4. Không cam chịu sống dựa dẫm vào người thân, ông xin vào làm công nhân tại Công ty Than Uông Bí. Nhưng vì tính chất công việc nặng nhọc, trên mình lại mang nhiều vết thương chiến tranh nên ông xin nghỉ công tác vào năm 1977. Với tinh thần của người lính, ông tiếp tục tham gia các hoạt động xây dựng văn hóa, đảm bảo ANTT... ở khu dân cư. Ở lĩnh vực nào, người cựu binh này cũng để lại ấn tượng tốt trong lòng người dân.

Đến thôn Thượng Thông, xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều hỏi ông Phạm Đức Hạnh (70 tuổi)  ai cũng biết và gọi ông với cái tên trìu mến “ông Hạnh giao thông”. Đã 12 năm nay, những phương tiện lưu thông qua QL18, đoạn thị xã Đông Triều đều thấy hình ảnh hai cựu binh cao tuổi không kể gió mưa đều đặn ra tín hiệu cảnh báo cho các lái xe, chạy chậm hoặc tạm dừng để dẫn các em học sinh qua đường.

12 năm cầm gậy tre làm 'CSGT bất đắc dĩ' ảnh 1

Ông Phạm Đức Hạnh 12 năm tình nguyện “vác tù và hàng tổng”.

Ông Hoàng Thái Học rời quân ngũ trở về cũng mang thương tật 4/4, cánh tay trái của ông bị một mảnh đạn găm vào. Những lúc trái gió trở trời ông lại quằn quại ôm lấy cánh tay. Ông cố giấu nỗi đau để vợ con khỏi bận lòng. Cách đây 7 năm, ông tình nguyện gia nhập câu lạc bộ “vác tù và hàng tổng” cùng ông Hạnh chỉ với suy nghĩ đơn giản là để cho học sinh sau mỗi giờ tan trường về nhà được bình yên.

“Cứ mỗi khi nghĩ đến các cháu học sinh qua đường mà không có ai dẫn sang, tôi đều lo lắng, nên dù ai nói gì tôi vẫn làm”. 

Cựu chiến binh Phạm Đức Hạnh, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh

Khi chúng tôi hỏi về căn nguyên công việc của các ông đang làm, ông Hạnh nhoẻn miệng cười: “Thân làm người lính bảo vệ đất nước trong thời loạn, nay đã hòa bình nhưng hàng ngày vẫn phải chứng kiến những sự mất mát đau thương từ các vụ TNGT trên đoạn đường này. Với chút sức tàn lực kiệt, anh em chúng tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ công sức của mình để bảo vệ các cháu được an toàn”.

Khi bắt đầu công việc, trang thiết bị của ông Hạnh “giao thông” chỉ có một chiếc gậy tre tự chế được sơn hai màu đen, trắng và thêm vài “đồng nghiệp”. Sau một thời gian, các “đồng nghiệp” này đều nghỉ vì sức khỏe không cho phép. Từ ngày có ông Học, hai ông mới chia ca trưa và ca chiều hằng ngày vào giờ cao điểm 11h và 16h. Bất đắc dĩ những lúc nào không thể gượng dậy, hai ông mới có một người nghỉ làm.

12 năm cầm gậy tre làm 'CSGT bất đắc dĩ' ảnh 2

Những người lính già vì sự bình an của con trẻ.

“Nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi thấy hai ông ra tín hiệu báo chạy chậm hoặc tạm dừng, họ rất vui vẻ hợp tác. Tuy nhiên, nhiều lái xe vẫn coi thường, thậm chí có thanh niên còn xuống gây gổ đòi đánh và nói những lời lẽ khiếm nhã, nhưng các ông không nao núng vì sau các ông luôn có các phụ huynh, học sinh bảo vệ” - anh Hoàng Đức Hùng, phụ huynh có con học Trường Tiểu học Hồng Thái Đông chia sẻ.

“Trường Tiểu học Hồng Thái Đông nằm gần sát với QL18, mỗi khi tan trường, có cả ngàn học sinh ùa ra đường. Các em còn bé nên ý thức tham gia giao thông còn yếu. Trước đây, nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra trên đoạn đường này. Từ ngày có các ông cảnh sát giao thông bất đắc dĩ, phụ huynh chúng tôi cũng yên tâm hẳn. Không chỉ đơn thuần việc dẫn các cháu qua đường mà đây còn là một hành động vì cộng đồng rất đáng được tuyên dương” - chị Nguyễn Thị Hường, phụ huynh có con học Trường Tiểu học Hồng Thái Đông nói.

Đau đáu một ước mơ

Chúng tôi gặp hai người lính già trong bộ trang phục cựu chiến binh cũ kỹ, từ xa bóng dáng của hai ông vẫn mực thước, chính xác, cẩn trọng đều đặn ra tín hiệu dừng xe, dẫn theo sau là hàng trăm học sinh nghiêm chỉnh sang đường. Hai ông phối hợp nhịp nhàng. Người đứng trước làm lá chắn, người đứng sau giữ trật tự, hàng lối cho các cháu giữa dòng xe cộ tấp nập qua lại.

Công việc của các ông tưởng chừng đơn giản nhưng ít người biết đấy là công việc đòi hỏi sự kiên trì, chịu đựng. Duy trì bền bỉ được nó suốt 12 năm phải xuất phát từ trái tim nhân hậu và tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng. Làm việc tốt nhưng không ít người cho đấy là rảnh hơi, là ngớ ngẩn. Có người còn cho rằng các ông được hậu thuẫn bằng bổng lộc, làm việc vì miếng cơm manh áo.

12 năm cầm gậy tre làm 'CSGT bất đắc dĩ' ảnh 3

Ông Hoàng Thái Học: “Chiếc băng đỏ làm tôi quên mọi đau đớn bệnh tật”.

Khi chúng tôi hỏi, nguyên do từ đâu của công việc vác tù và hàng tổng đó, ông Hạnh nhẹ nhàng bảo: “Ban đầu, có người cũng nói ra, nói vào là chắc có bổng lộc hay được hỗ trợ tiền. Bà nhà tôi cứ can mãi, việc nhà chẳng lo cứ đi lo việc xã hội làm gì. Các cháu tan trường thì đã có phụ huynh họ đưa đón. Thế nhưng, tôi gạt bỏ hết để tiếp tục công việc. Cứ mỗi khi nghĩ đến các cháu học sinh qua đường mà ẩn họa, hiểm họa giao thông cận kề, tôi thấp thỏm âu lo như cho chính cháu, con mình vậy, nên dù ai nói gì tôi vẫn làm”.

“Nhà trường đã nhiều lần trực tiếp cám ơn, động viên các ông. Nghĩa cử cao đẹp này là tấm gương sáng cho các cháu học sinh đang trong độ tuổi mới lớn noi theo. Từ ngày đội “trật tự viên” do ông Hạnh sáng lập, nhà trường cũng phối hợp để tuyên truyền cho các em về ý thức tham gia giao thông an toàn. Nhiều em còn viết về hình tượng người cựu chiến binh tham gia bảo vệ ATGT và đạt giải trong một số cuộc thi ATGT cấp tỉnh và Trung ương” - cô giáo Nguyễn Thị Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Thái Đông chia sẻ.

Chứng kiến công việc thiện nguyện này, chúng tôi mới thấy hết sự tâm huyết, trách nhiệm của 2 ông. Dù tuổi cao sức yếu, trên mình còn mang nhiều thương tật của chiến tranh để lại, nhưng ông Học chia sẻ: “Mỗi khi đeo chiếc băng đỏ có dòng chữ “trật tự viên” trên cánh tay là tôi dường như quên hết mệt mỏi, ốm đau. Chiếc băng đỏ giống như liều thuốc xóa đi vết thương sót lại trên cánh tay và từ đó tôi cũng tự nhủ lòng phải làm hết trách nhiệm của một người lính”.

Khi vượt qua được dị nghị của xã hội, với 12 năm công hiến, hai ông luôn nhận được sự ủng hộ, động viên của người thân và sự yêu mến, kính trọng của dân làng, nhất là các em nhỏ. Hai ông nổi tiếng khắp xã Hồng Thái Đông, ai cũng biết tên và luôn chào hỏi mỗi khi gặp. Nhưng sâu thẳm trong tâm can của hai ông vẫn đau đáu một câu chuyện, câu chuyện của tương lai.

“Ở cái tuổi gần đất xa trời, may lắm chúng tôi cũng chỉ được vài năm nữa là về với ông bà tổ tiên. Nhưng tôi vẫn đau đáu một nguyện vọng cuối đời, mong các cấp chính quyền có thể nghiên cứu xây một chiếc cầu vượt tại đây để các cháu đi học được an toàn, chứ công việc chúng tôi làm bây giờ cũng không thể duy trì mãi được” - ông Hạnh nhìn xa xăm bày tỏ. 

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đoàn Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Đông Triều cho hay, ông Hạnh và ông Học là hai trong số nhiều nhân tố điển hình cho mô hình cựu chiến binh tham gia đảm bảo trật tự ATGT mà đơn vị này phối hợp với Công an thị xã Đông Triều tổ chức. Triển khai tại những xã, phường có QL18 đi qua, mô hình này hiện có 25 cựu chiến binh tham gia. Các hội viên vẫn nói vui rằng, trước đây chiến đấu ở chiến trường, thì nay chiến đấu trên mặt trận giao thông, bảo đảm an toàn cho con cháu chính là cống hiến cho xã hội, nêu gương sáng của người lính cụ Hồ”, ông Thuấn chia sẻ.

MỚI - NÓNG