Đề nghị xử lý hình sự với những vi phạm nghiêm trọng trong xuất bản

Đề nghị xử lý hình sự với những vi phạm nghiêm trọng trong xuất bản
TP - Sáng qua (20/5), Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về dự án Luật xuất bản sửa đổi. Nhiều đại biểu phát biểu đồng tình với các nội dung dự luật, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến đáng chú ý.

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), lĩnh vực xuất bản phẩm cực kỳ nhạy cảm, lâu nay việc giám sát còn nhiều hạn chế, để lọt nhiều xuất bản phẩm độc hại làm xói mòn các giá trị truyền thống trong giới trẻ. Ông Đào đề nghị, Luật xuất bản chỉ nên quy định những vấn đề về xuất bản, in ấn, phát hành. Về lâu dài, nên có một luật riêng về kinh doanh xuất bản phẩm, trong đó có vấn đề về nhập khẩu xuất bản phẩm vốn rất nhạy cảm.

Nhiều đại biểu đề nghị nên có chế tài đủ mạnh để xử lý việc in ấn, kinh doanh sách lậu, mà không chỉ là phạt tiền. “Với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật làm sách lậu phải bị rút giấy phép kinh doanh, chỉ phạt tiền vài chục triệu, hàng trăm triệu đồng không đủ sức ngăn chặn, trong tình trạng làm lậu sách quá nhiều hiện nay” – ĐB Tất Thành Cang (TPHCM) nói.

Nhưng ĐB Võ Đình Tuyến (Bình Phước) lại đề nghị với những hành vi vi phạm nghiêm trọng như: Tuyên truyền chống lại Nhà nước, phá hoại đại đoàn kết dân tộc, kích  động chiến tranh xâm lược, gây hận thù dân tộc v.v... thì cần phải xử lý hình sự.

Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), cần xử lý những hành vi vi phạm nghiêm trọng, nhưng tuỳ trường hợp mới xử lý hình sự. Bởi một số hành vi có thể xử lý hành chính, phạt tiền, ví như xuất bản sách mê tín dị đoan, xem tướng số mà xử hình sự thì nặng quá.

Về việc có cho xuất bản tư nhân không, theo ông Thuyết, hiện nay chỉ trong lĩnh vực in và phát hành thì các cá nhân có thể thành lập các doanh nghiệp tư nhân để tham gia.

Còn xuất bản thì qua nhà xuất bản là doanh nghiệp Nhà nước hoặc là đơn vị sự nghiệp, nhưng có thể huy động sự tham gia của xã hội thông qua việc liên kết giữa nhà xuất bản với các công ty tư nhân.

Quốc hội đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết về giải quyết những vấn đề sau khi Nghị quyết 16 của QH về thí điểm tổ chức quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở TPHCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hết hiệu lực, với 85,4% số đại biểu Quốc hội tán thành.

Theo đó, nghị quyết 16 sẽ chấm dứt hiệu lực từ 1/8/2008. Tuy nhiên, với những địa phương đang còn thực hiện thí điểm quản lý, dạy nghề sau cai (với khoảng 6.000 trường hợp) sẽ được thực hiện tiếp tục đến khi Luật Phòng chống ma túy (PCMT) có hiệu lực.

Những nội dung khác như việc thực hiện hai giai đoạn cai nghiện, kéo dài thời gian quản lý sau cai...sẽ được thống nhất quy định trong Luật PCMT.

MỚI - NÓNG