1/3 diện tích nhiều tỉnh Tây Bắc có nguy cơ sạt lở

1/3 diện tích nhiều tỉnh Tây Bắc có nguy cơ sạt lở
TP - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản vừa báo cáo lên Bộ TN&MT kết quả bước đầu của Đề án “điều tra đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam”. Kết quả cho thấy, nhiều tỉnh miền núi, nhất là các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Nghệ An có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao, từ 25% đến 35% diện tích tự nhiên.

Trong số 10 tỉnh được Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản điều tra, nghiên cứu giai đoạn đầu, Sơn La là địa phương có số điểm trượt lở cao nhất. Tỉnh này có tới 1.629 điểm trượt lở, 58 điểm lũ ống, lũ quét, 38 điểm xói lở bờ sông.

Tỉnh Lào Cai, nơi xảy ra trận lũ quét lớn khiến 11 người chết, 11 người bị thương ở bản Khoang, huyện Sa Pa tháng 9 năm ngoái, là địa phương có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét rất cao. Tỉnh có 514 điểm có nguy cơ trượt lở đất đá, trong đó 44 điểm có quy mô trượt lở từ lớn đến đặc biệt lớn, tập trung ở các huyện Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Mường Khương.

Tỉnh Nghệ An có 1.296 điểm trượt lở, 268 điểm xói lở bờ sông, 55 điểm lũ quét, lũ ống. Khu vực có nguy cơ trượt lở cao nằm ở dọc quốc lộ 7 đoạn từ Nậm Cắn đến Đô Lương (137 điểm trượt lở). Thanh Hóa có 984 điểm trượt lở, bốn điểm xói lở bờ sông, 35 điểm có khả năng xảy ra lũ quét, lũ ống. Lai Châu là địa phương có những vùng trượt lở với diện tích rất lớn, trong đó có 10 điểm đặc biệt lớn như dọc tỉnh lộ 127 từ Mường Lay đi Thu Lũm có khối đồi Lê Lợi hơn một triệu mét khối… Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Điện Biên đều có diện tích có nguy cơ sạt lở đất đá trong mùa mưa lũ rất cao.

Đề xuất hạn chế xây dựng thủy điện

Theo thạc sỹ Nguyễn Thị Hải Vân, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, kết quả nghiên cứu, điều tra cho thấy, những năm gần đây, nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét có chiều hướng gia tăng. Điều này gắn liền với việc xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng dân sinh và thủy điện. Hầu hết các tai biến trượt lở hiện nay gắn liền với các thiên tai khác như lũ, lũ quét và thường xảy ra dọc các đường giao thông, khu vực tập trung đông dân cư.

Các nhà khoa học của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản khuyến cáo, hoạt động xây dựng đường, nhà, đê kè, đập thủy điện ở mọi địa hình thuộc khu vực miền núi cần được thẩm định dựa trên các nghiên cứu khoa học về địa chất chi tiết, địa chất công trình - địa chất thủy văn. Đặc biệt, các nhà khoa học khuyến cáo, nên hạn chế, thậm chí dừng các công trình thủy điện gây tác động biến đổi cảnh quan, môi trường miền núi.

MỚI - NÓNG