13 năm sống tạm bợ giữa Hà Nội

13 năm sống tạm bợ giữa Hà Nội
Những người phải chịu cảnh tạm bợ đó chính là gần 30 hộ dân thuộc tổ dân phố 3A và 3B ở ngõ 283 đường Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, HN.
13 năm sống tạm bợ giữa Hà Nội ảnh 1

Người dân phải sống tạm bợ trong những căn nhà lụp xụp như thế này 13 năm nay.

Theo QĐ 2406 ngày 8.12.1992 của UBND TP.Hà Nội, khu dân cư này trở thành khu di dân để làm đường Trần Khát Chân. Các hộ dân đã chuyển đến ở và sinh sống 13 năm nay, nhưng không hiểu vì lý do gì cơ sở hạ tầng không được triển khai theo quy hoạch, đường giao thông, hệ thống thoát nước thải không có, vệ sinh môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, không có đường vào cho các loại xe lớn.

Phải 6 năm sau khi chuyển ra khu vực này sống, người dân mới có điện sinh hoạt, nhưng là do người dân tự liên hệ, chứ không có sự giúp đỡ từ phía chính quyền.

Vấn đề nước cũng hết sức khó khăn. Ngoài ra, khu vực này cũng không có hệ thống điện chiếu sáng nên những đối tượng nghiện hút thường chọn làm nơi chích hút ma tuý, gây mất an ninh trật tự và đe doạ tới cuộc sống của người dân.

Các nhà người dân vì nằm trong khu quy hoạch nên không ai được xây mới, vì thế đều ở trong những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ, cứ mỗi khi có mưa to thì người dân lại phải sống trong cảnh lầy lội, bẩn thỉu dài ngày.

Có một điều đáng buồn là khu dân cư này lại cách không xa UBND quận Hai Bà Trưng và nếu tính theo đường chim bay thì chỉ cách hồ Gươm hơn 1km.

Ông Nguyễn Huy Lập - Tổ trưởng tổ dân phố 3B - cho biết, ông đã nhiều lần thay mặt bà con gửi đơn kiến nghị lên UBND quận Hai Bà Trưng, UBND TP.Hà Nội, một số cơ quan thông tấn báo chí cũng đã phản ánh tình trạng sống tạm bợ của các hộ dân ở đây, nhưng hầu như bức xúc của người dân đều không được chính quyền quan tâm thoả đáng.

Mãi tới ngày 17.1.2005, sau khi Thanh tra Sở Y tế HN có kết luận về tình trạng ô nhiễm ở khu vực này, cũng như Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Triệu có ý kiến chỉ đạo, UBND quận Hai Bà Trưng mới cho làm tạm một đoạn cống thoát nước thải và cho phun thuốc diệt trùng, nhưng đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời.

Chính quyền thờ ơ

Để giải quyết triệt để những bức xúc chính đáng kéo dài hơn 13 năm của người dân, sáng 27.4, đoàn giám sát của HĐND TP.Hà Nội đã có buổi làm việc với UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Thanh Nhàn, một số ban ngành liên quan và đại diện người dân ở ngõ 283.

Ông Lê Văn Hoạt - Uỷ viên thường trực HĐND TP, trưởng đoàn - đã kết luận: Chính quyền từ quận tới phường đã chưa xem xét một cách nghiêm túc và thoả đáng những đòi hỏi chính đáng của dân. Bằng chứng là kể cả khi HĐND TP có tới 2 văn bản (vào tháng 9 và tháng 11.2005) đề nghị quận báo cáo chi tiết về vụ việc cũng như đưa ra biện pháp giải quyết thì cho tới nay (tháng 4.2006), phía quận vẫn chưa hề có văn bản trả lời HĐND TP.

Ngoài ra, UBND quận trong buổi làm việc vẫn chưa thể đưa ra một lộ trình cụ thể nhằm giải quyết dứt điểm những khiếu nại, bức xúc của dân, mà vẫn chỉ dựa vào lý do vì vấp phải những nguyên nhân khách quan nên không thể giải quyết rốt ráo những bức xúc của dân.

 Ông Hoạt yêu cầu quận phải khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện dự án để trình TP phê duyệt, nghiên cứu cụ thể những đề xuất, kiến nghị của bà con để có lộ trình giải quyết từng bước, nhất là những vấn đề thiết yếu với đời sống như điện, nước, đường sá...

Theo Lao động

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.