Uẩn khúc của hai “liệt sĩ” trở về

Uẩn khúc của hai “liệt sĩ” trở về
TP - Hai người lính ở hai địa phương khác nhau đã trở về sau rất nhiều năm được công nhận là liệt sĩ. Thời gian đằng đẵng không trở về mấy chục năm qua là những uẩn khúc khó nói của họ.

Rằm tháng 7 năm nay, những người có mặt ở nhà thờ tộc phả Nguyễn Gia thuộc xóm Tây Hòa, xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được chứng kiến một sự kiện đặc biệt: Ông Nguyễn Gia Tiệu, người được công nhận là liệt sĩ 37 năm qua đã trở về. Bát hương dành cho Nguyễn Gia Tiệu trên bàn thờ tổ tiên được hạ xuống. Dòng tên được khắc trên bia tưởng niệm các liệt sĩ của xã đã hy sinh vì nước cũng sẽ được bỏ đi.

Nguyễn Gia Tiệu sinh năm 1947, nhập ngũ cuối năm 1969. Sau gần hai năm huấn luyện ở Thanh Hóa rồi Hà Bắc (nay tách thành Bắc Ninh và Bắc Giang), tháng 7/1971 chiến sĩ trẻ Nguyễn Gia Tiệu hay tin bố mất.

Trên đường hành quân anh xin phép đơn vị ghé về thăm nhà viếng bố, anh chỉ gặp mẹ là bà Ngô Thị Liễu và người yêu là chị Trần Thị Hòa một lúc rồi lại lên đường.

Vào chiến trường anh thuộc quân số của tiểu đoàn 1, trung đoàn 38, sư đoàn 325 đóng tại Campuchia, sau về chiến đấu ở vùng núi Bà Đen, Tây Ninh và các vùng khác.

Năm 1975, đơn vị của Nguyễn Gia Tiệu về tham gia giải phóng Sài Gòn, đóng tại địa bàn quận Phú Nhuận.

“Tại sao một thời kỳ dài ông không hề viết thư về cho gia đình?”. “Tôi sinh ra trong một gia đình bần nông có đến 6 người con, thuở nhỏ chẳng được học hành chữ nào, khi vào bộ đội chỉ biết huấn luyện binh nghiệp để đánh nhau với giặc, giải phóng đất nước chứ có được học lớp nào đâu mà biết viết thư về nhà” - Ông Tiệu giờ đã thành một ông già gương mặt nhăn nheo - chậm rãi kể.

“Hồi giải phóng xong, tôi thuộc diện to cao đẹp trai, ăn nói lưu loát, sau khi được học bổ túc một lớp ngắn hạn, được chọn sang một đơn vị an ninh phụ trách ở quận Nhất. Thú thật những năm còn chiến đấu trên đất Campuchia và vùng Tây Ninh thấy các cửa hiệu vàng bạc rất nhiều nhưng có dám tơ hào gì đâu, chỉ một lòng một dạ đánh giặc giải phóng đất nước. Ngờ đâu khi hòa bình thống nhất, được làm anh cán bộ có chút chức quyền mới mấy tháng, trong lòng tự nhiên ý thức riêng tư trỗi dậy.

Tôi trộm nghĩ nhà mình bố mẹ nghèo, sắp tới về cưới vợ chẳng biết vay mượn đâu ra tiền... Vì lòng tham, lợi dụng công việc của mình, tôi có đút túi một chút đỉnh tiền của Nhà nước để lo chuyện riêng.

Việc làm phi pháp bị bại lộ, tôi bị xử tù ba năm. Trong thời gian này tôi phấn đấu cải tạo tốt, đến năm 1979 được ra tù.

Sau ngày ra trại do buồn phiền, xấu hổ nên tôi không dám liên hệ với gia đình mà đi làm thuê cuốc mướn kiếm sống. Một lần đang làm thuê cho một ông chủ ở Bình Long, một người đàn ông gạn hỏi: “Có muốn lấy em tôi làm vợ không?”.

Em gái của người đàn ông ấy tên là Huỳnh Thị Ngọc Mến (sinh 1959), lúc ấy mới  20 tuổi, là con của một liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tin tưởng người con rể, gia đình nhà gái đã làm một mâm cơm cúng tổ tiên và mời những người láng giềng đến cùng vui, chứng giám cho Nguyễn Gia Tiệu và Huỳnh Thị Ngọc Mến thành vợ chồng.

Sau khi nên vợ chồng, anh Tiệu và chị Mến chuyển về xã Bầu Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước sinh sống. 5 đứa con của họ đã ra đời. Hiện tại ông Tiệu và bà Mến đã có cháu nội, cháu ngoại.

Gần 30 năm sống chung, bà Mến luôn nhắc ông Tiệu về thăm lại quê hương nhưng sự mặc cảm quá khứ làm ông không đủ dũng cảm trở về hay báo tin cho gia đình. Trong khi đó, ở quê từ khi lên đường vào Nam ông Tiệu bặt tin tức, gia đình đinh ninh là ông đã hy sinh. Họ viết thư lên các cơ quan quân sự hỏi nhiều lần nhưng chẳng có một đơn vị nào chính thức trả lời về tung tích của quân nhân Nguyễn Gia Tiệu.

Mãi đến ngày 27/5/1993, gia đình nhận được giấy báo tử của Nguyễn Gia Tiệu khẳng định ông đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Tên của ông được khắc vào bia tưởng niệm những người có công với nước của xã.

Chiều 8/8/2008, khi chiếc xe tốc hành Nam- Bắc dừng lại tại thị trấn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), một người đàn ông xuống xe nhìn ngơ ngác, thuê một chiếc xe ôm chở về xóm Tây Hòa, xã Cẩm Hòa để tìm nhà bà Ngô Thị Liễu... Đến đầu xóm hỏi thăm một vài thanh niên, ông Tiệu chỉ nhận được những cái lắc đầu. Hỏi rõ thêm lai lịch của ông khách dân làng mới vỡ lẽ đó chính là “liệt sĩ” Nguyễn Gia Tiệu được cho là đã hy sinh hơn 30 năm nay.

Tin “liệt sĩ” Nguyễn Gia Tiệu trở về nhanh chóng đến tai bà Trần Thị Hòa, người đã chờ đợi ông Tiệu cả chục năm trời trước khi đi lấy chồng. Ông Tiệu cũng điện vào Nam gọi vợ cùng ba đứa con và một đứa cháu ngoại lên đường ra Hà Tĩnh để kịp làm lễ “giỗ” mình nhằm ngày 13/7 âm lịch (13/8/2008).

Trở về sau hơn 30 năm

Con người có số phận kỳ lạ này là ông Lê Như Khoa ở làng Tung Amô ( xã Ia Dreng - huyện Chư Sê, Gia Lai). Chỉ vì chút mặc cảm ông đã tự biến mình thành “liệt sĩ” hơn 30 năm trong một ngôi làng heo hút. Mãi cho tới gần đây ông mới được “phát hiện” để  trở lại cuộc sống bình thường.

“Tôi quê ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam), nhập ngũ cuối năm 1965 - Ông Khoa chậm rãi vào chuyện. Đơn vị của tôi lúc ấy là Đại đội I, Tiểu đoàn II, Trung đoàn 30 tỉnh Hà Nam.

Sau thời gian huấn luyện, cuối năm 1966 chúng tôi được lệnh đi B. Mùa khô năm 1967 đơn vị tôi mới đến Trạm Lập của khu I (huyện Kbang,  tỉnh Gia Lai ngày nay). Từ hồi vào bộ đội tôi chỉ làm mỗi nhiệm vụ cấp dưỡng… Đến cuối năm 1971, tôi được điều về Tỉnh đội Gia Lai.  

Uẩn khúc của hai “liệt sĩ” trở về ảnh 1
Vợ chồng ông Khoa ở  làng Tung A Mô

Trong tổ nuôi quân của tôi lúc ấy có ba bốn nữ gì đó nhưng chỉ Rơma H’choah người Jrai là trẻ nhất. H’choah lúc ấy mới 20, kém tôi những 15 tuổi. Chiến trường bấy giờ gian khổ lắm. Để bồi dưỡng cho thương binh, ngày ngày tôi và H’choah phải vào rừng kiếm rau; vào các làng đồng bào xin thực phẩm. Sự gần gũi công việc đã khiến tình yêu đến lúc nào không hay.

Cũng xin nói thêm là trước khi đi bộ đội tôi đã có vợ và  hai con, song vì không hợp chúng tôi đã li dị. Tất nhiên bây giờ tôi là người tự do. Chúng tôi báo cáo tổ chức. Một bữa liên hoan đơn giản chứng kiến chúng tôi nên vợ nên chồng…

Khi H’choah mang thai được hơn tháng thì giặc càn vào cứ. Một quả bom nổ gần khiến tai tôi gần như điếc đặc, hai mắt mờ đi vì khói đạn hóa học. Thấy sức khỏe tôi yếu hẳn, đơn vị cho ra Bắc an dưỡng. Còn H’Choah, đơn vị cũng phải để cô về nhà nghỉ sinh.

Chúng tôi chia tay bịn rịn. H’choah khóc như mưa như gió. Câu mà H’choah nói được duy nhất là: “Nhanh vào với em, đừng bỏ em”. Rồi như sợ mình khuỵu xuống, H’choah đi như chạy vào cánh rừng thưa trước mặt. Nhìn cái dáng nhỏ nhắn của H’choah đang khuất dần, ruột gan tôi như nẫu ra…

Cô ấy về làng rồi sẽ sống ra sao, ai giúp đỡ cô ấy trong lúc vượt cạn? Chiến tranh còn ác liệt, bom đạn thế này liệu mình có lọt nổi? Nhỡ mình hy sinh thì giọt máu của mình ai biết? Không cưỡng nổi tôi đuổi theo H’choah cuống quýt gọi: “H’choah, H’choah đợi anh với !”.

Nằm trong vùng giải phóng, làng Tung Amô bị bom đạn địch cày xới xác xơ. Hai vợ chồng phải xin ở nhờ nhà một người bà con rồi bắt tay vào làm rẫy ngay để có cái ăn. Để tránh bên ngoài nhòm ngó, tôi đổi họ thành Rơ Châm và học nói tiếng Jrai.

Sự ăn mặc của tôi cũng dần dần thay đổi. Lúc đầu còn mặc quần dài, sau thấy vướng tôi chuyên mặc quần đùi. Và khi quần đùi rách hết thì chuyển sang đóng khố. Lúc đầu thấy kì vô cùng nhưng rồi cũng dần quen bởi quanh tôi tất cả đàn ông đều thế.

Chừng ba năm sau ngày tôi theo H’choah về làng, không ai nhận ra tôi là người Kinh nữa: đóng khố, đeo gùi, hút thuốc bằng tẩu và trong hội làng tôi cũng ăn bốc, ngồi lê la trên đất như mọi người dân ở đây… Đặc biệt khi tôi nói thạo tiếng Jrai thì H’choah không nói chuyện với tôi bằng tiếng phổ thông nữa.

Tiếng mẹ đẻ rơi rụng dần thì kí ức cũng phai nhạt trong tôi. Quê hương, họ hàng chỉ còn là một cái bóng xa mờ. Thật ra thì nhiều đêm một mình trong chòi rẫy giữa rừng những chút gì mờ nhạt đó vẫn quặn lên trong tôi. Đã có lúc tôi nghĩ hay là cứ liều về quê một chuyến xem họ hàng con cái thế nào?

Thế nhưng cái ý nghĩ đó vừa hiện lên thì  ngay lập tức đã có một ý nghĩ chắn ngang: về quê thế nào người ta cũng bảo cùng đi bộ đội với nhau sao người ta lên úy, lên tá mà ông thì  vẫn là thằng lính trơn, lại bây giờ mới ló mặt ra? Không đầu hàng địch thì cũng đào ngũ chứ gì? Thế là như bị giội gáo nước lạnh, tôi lập tức từ bỏ ý nghĩ đó.

Cho mãi đến năm 2001, xã Ia Dreng mới thành lập. Nhà nước đầu tư cho trường học, điện, đường.  Gia đình tôi cũng bắt đầu thay đổi. Những đứa nhỏ được đi học. Tôi có 7 đứa con, mấy đứa lớn đều thất học... Cuộc sống đã đỡ tù túng nặng nề.

Tuy nhiên, sự mặc cảm cố hữu vẫn chưa hề vơi bớt trong tôi. Và có lẽ tôi sẽ như một con người đã chết nếu không gặp Hùng Tĩnh - một ân nhân của tôi.

Số là khi xã được thành lập, huyện đã cử một đoàn cán bộ địa chính về đo đạc, quy hoạch các công trình cho xã. Hôm đo đạc ở làng Tung Amô, Hùng Tĩnh tình cờ vào nhà tôi xin nước uống. Thấy tôi, anh ta cứ nhìn ngó đầy vẻ nghi hoặc rồi xúm vào hỏi chuyện. Đấy là người Kinh thứ hai mà tôi được tiếp xúc trong gần ba mươi năm trời!

Trước sự nhiệt tình của anh ta, tôi cũng bắt chuyện lại, nhưng phải rất chậm mới nhớ ra được vốn từ. Hóa ra là Hùng Tĩnh cùng huyện Thanh Liêm, kế bên xã tôi. Phải mất rất nhiều thời gian Hùng Tĩnh mới làm cho tôi nhớ lại được tên người thân, bạn bè.

Hôm sau về huyện, anh ấy tìm cách gọi điện về quê tôi. Biết hai con tôi còn sống, gia đình bình yên, Hùng Tĩnh trở vào Tung Amô báo tin và bảo tôi viết thư về. Những con chữ khó nhọc bò ngoằn ngoèo.

Đầu năm 2002, qua điện thoại, tôi biết hai con tôi đã tìm được nhà Hùng Tĩnh. Từ ngày biết tin, con tôi đã tưởng tượng đến giây phút này. Tôi sẽ nhào vào ôm lấy chúng và tiếng khóc sẽ vỡ ra uất nghẹn. Thế nhưng bây giờ, một tấm chắn vô hình làm tôi sững lại. Có lẽ nào hai con người luống tuổi, tóc đã chớm bạc kia lại là con tôi được?

Ngày tôi đi B, Long mới 8 tuổi, Mai 7 tuổi. Chúng ngơ ngác không hiểu tôi đi bộ đội để làm gì kia mà. Còn hai đứa, chúng cũng nhìn tôi nghi hoặc. Lẽ nào cha chúng lại là một ông già đen đúa, lụ khụ đi bên cạnh một bà già mặc váy lộc ngộc.

Hùng Tĩnh gợi cho hai con tôi kể chuyện về quê hương, bà con họ hàng. Từng lời chúng kể như những tia chớp lóe sáng trong trí nhớ u minh của tôi. Một sức hút vô hình khiến chúng tôi nhào tới  ôm chầm lấy nhau.

Hàng bao năm nay cái thôn Đạt Hưng tĩnh lặng của tôi mới diễn ra một chuyện lạ đời như vậy. Ba bốn ngày liền nhà thằng Long con tôi cứ chật ních người. Cán bộ xã cũng đến làm lễ hạ “Bằng Tổ quốc ghi công’’ cho tôi. Vậy là tôi đã chẵn ba chục cái giỗ. 

Tôi định ở lại quê chí ít là một tháng để chuyện trò với anh em, họ hàng cho đã. Nhưng mới được hơn mười ngày đã thấy trong bụng như kiến cắn. Ăn uống, tiện nghi sinh hoạt chẳng thiếu thứ gì.

Quê tôi bây giờ sướng quá. Thế nhưng với tôi căn nhà sàn này, mùi  mồ hôi của bà H’ choah và những đứa con thô tháp như giọt mật ong rừng này mới thực sự là cuộc sống mà tôi khao khát. Thế là dù họ hàng, con cháu cố giữ ở lại, tôi vẫn một hai xin vào lại Tung Amô.

Và bây giờ thì tôi đã có quyền sống thanh thản với những ngày còn lại của cõi đời.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.