14 tháng xây nhà thi đấu thể thao là không tưởng

14 tháng xây nhà thi đấu thể thao là không tưởng
TP - Việc hoàn thành nhà thi đấu thể thao Đà Nẵng trị giá gần nghìn tỷ đồng trong vòng 14 tháng và đảm bảo chất lượng là hầu như không thể thực hiện được - một chuyên gia đầu ngành xây dựng nhận định.

>> Nhà thi đấu thể thao Đà Nẵng sẽ kịp hoàn thành!
>> Xóa sổ công viên nước xây nhà thi đấu

>> 14 tháng đua với nhà thi đấu nghìn tỷ đồng

PV Tiền Phong hỏi chuyện GS-TS Nguyễn Trường Tiến.

14 tháng xây nhà thi đấu thể thao là không tưởng ảnh 1
GS-TS Nguyễn Trường Tiến

“Tôi chưa từng gặp...”

Ông có tin công trình hoàn thành trong 14 tháng?

Theo tôi, nếu 14 tháng mà xong thì quá tuyệt vời. Tôi chưa từng gặp ngay cả những nước có năng lực hàng đầu thế giới (như Mỹ, Nhật, Đức, Cuba, Thuỵ Điển...) thi công công trình lớn thế mà nhanh thế.

Theo tôi, nếu cố ép giò cho xong trong 14 tháng thì chất lượng sẽ không ai bảo đảm được không biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi e có sự duy ý chí trong việc này.

Ông ngại nhất khâu nào?

Ở mọi khâu, bởi kỹ thuật hiện tại chưa cho phép đốt cháy giai đoạn đến thế. Tôi chưa đọc thiết kế cơ bản (đang chờ duyệt); có lẽ nó chưa có vấn đề chất lượng. Nhưng dẫu được duyệt ngay hôm nay cũng còn lâu mới thi công được.

Loại công trình này sử dụng thường xuyên nghìn vạn người cùng lúc, đòi hỏi an toàn cao nhất chứ không ào ào được đâu. Ở Nhật, cả nước mới có một công ty đủ lực tổng thầu làm công trình thể thao, vì loại công trình này đòi hỏi nhiều điều kiện riêng.

Thế mà ở Việt Nam, nhiều người cứ tưởng hô xong là làm được mọi thứ. Chúng ta có quá nhiều bài học về ép tiến độ, không đảm bảo yêu cầu chất lượng; gần đây nhất là công trình xây dựng trung tâm hội nghị và sân vận động Quốc gia (Mỹ Đình - Hà Nội)... Đừng lặp lại.

Nói không với anh này

Theo ông thì ngay khâu chuẩn bị cũng còn nhiều việc?

Không phải theo tôi mà theo quy trình quốc tế, quốc gia. Phần Thiết kế cơ sở mới có tính đại lược, dẫu phải làm lại cũng chưa mệt. Sang Thiết kế kỹ thuật bắt đầu mệt. Tiếp đó là Thiết kế kỹ thuật thi công.

Mỗi bước còn chờ thẩm định; nhiều thành phần, ý kiến, cứ tiêu chuẩn kỹ thuật-công nghệ mà giọi, chưa đạt phải làm lại... Loại công trình này, coi chừng 14 tháng chưa xong thiết kế chuẩn.

Cứ cho rằng qua rất nhanh khâu thiết kế, chỉ định thầu luôn, cũng còn đầy việc chuẩn bị. Thiết kế được duyệt rồi, phải lập hồ sơ thi công (trình biện pháp, tiến độ, chất lượng, an toàn...). Sau đó mới đến đoạn làm cọc thử...

Vậy mà có người bảo, chỉ cốt nhất cái móng, xong móng rồi thì phần trên lên vù vù...

Nếu cố xây thật nhanh hoặc xây dang dở rồi vừa sử dụng vừa hoàn thiện thì trước mắt được một số thứ đấy nhưng, sau đó, sống chết mặc bay thì có đành?

Với kỹ thuật - công nghệ hiện tại, xin ví dụ một công đoạn: Sau khi thử cọc nhồi mất 1,5 – 2 tháng, tư vấn giỏi cũng phải 7 – 10 ngày mới có thể kết luận, đạt yêu cầu rồi mới bắt đầu thi công tầng hầm - phần khó nhất. Gặp sự cố nước thấm, cát chảy... hang karst, chả nhẽ cũng cho qua vì sợ chậm à?

Dù không gặp trắc trở thì đến khi xong phần chìm cũng mất 5 - 6 tháng. Phần nào cũng phải đáp ứng lực cộng hưởng, hệ số vượt tải khi nghìn vạn con người cùng xuất hết công lực...

Phần kỹ thuật đơn thuần, người ta lo sớm được thì sao?

Điều hành, quản lý thi công còn quan trọng hơn. Loại này đòi hỏi  tổ hợp nhà thầu đa ngành nghề, nhiều chuyên môn sâu...  Tổng Cty tôi cỡ đầu đàn trong ngành xây dựng, nếu bị buộc làm tổng thầu thi công 14 tháng cũng  thua.

Để thi công sân vận động và trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, ngành xây dựng phải huy động hàng chục tổng Cty mạnh; cán bộ điều hành, thợ thi công, giám sát có bằng cấp nghiêm, giàu kinh nghiệm... Đó chưa kể, nếu vật tư thiết bị (nhiều thứ ngoại nhập) về chậm và không đồng bộ thì anh thi công ngồi mà cười.

Vậy theo ông phải bao lâu mới xong?

Còn phụ thuộc trình độ, năng lực đội ngũ thiết kế, tư vấn, thẩm định, nhà thầu... Thuê nước ngoài, tôi chưa bàn; nhưng trong nước làm thì loại này thường hai năm, giỏi cũng mất một năm chuẩn bị đầu tư. Thi công câu thúc thời gian, người ta dễ ăn bớt quy trình chuẩn, vừa mất an toàn vừa lãng phí.

Nói tóm lại, theo tôi, trong chuyên môn kỹ thuật thì nên nói không với anh 14 tháng này; duy ý chí, cố làm thì rủi ro rất cao; có thể chưa bị ngay, nhưng một số năm sau thì ai dám chắc.

GS-TS Nguyễn Trường Tiến nhiều năm làm giám đốc Cty LD Xây dựng VIC kiêm giảng viên một số trường ĐH Việt Nam; hiện là phó tổng GĐ Tổng Cty XD Hà Nội (Bộ XD); nhận bằng TS Thuỵ Điển; GS viện ISJAE, Cuba; Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN; viện sĩ hàn lâm kỹ thuật-công nghệ ASEAN; tham gia giảng dạy tại một số nước Âu - Mỹ...

Ông Tiến cho biết, hiện ở Nhật chỉ một phần trăm người có bằng Kỹ sư được công nhận Kỹ sư chuyên nghiệp.

Nguyên Bảng
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.