15 nghìn dân khẩn cầu nước sạch

15 nghìn dân khẩn cầu nước sạch
TP - 31 năm không có nước máy, hơn 15.000 người dân trên đường Nguyễn Phước Nguyên, phường An Khê, và đường Phạm Nhữ Tăng phường Hoà Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng phải sống chung với nguồn nước ngầm ô nhiễm.

Ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê khi trao đổi với Tiền phong, đã không nén được phiền muộn :

“Dân khu vực trên chờ nước sạch đã quá lâu rồi. Cách đây mấy năm, chúng tôi đã kiến nghị lên thành phố về vấn đề này, đồng thời chủ động mời Cty Cấp nước (Cty CN) thành phố về khảo sát.

Họ cũng về, lập dự án trình thành phố, nhưng rồi vướng bận quy hoạch, rồi về vốn, để rồi văn bản cứ đá qua đá lại, dân vẫn phải chờ đến hôm nay. Thông tin mới nhất thành phố trả lời cho cử tri là sang năm 2007 mới tiến hành ...”.

Việc “đá qua đá lại” trong các văn bản của UBND thành phố trở nên rõ hơn, khi chúng tôi tiếp xúc với bà Hà Thị Sáng – Chủ tịch UBND phường An Khê - nơi có hơn 12.000 người dân trên tuyến đường Nguyễn Phước Nguyên đang khát nước sạch.

Tháng 9/2003, UBND phường An Khê có văn bản đề nghị Cty CN đầu tư hệ thống cấp nước. Một tháng sau, Cty CN lập dự án trình UBND thành phố, nhưng không được duyệt vì con đường này nằm trong dự án khu dân cư Phần Lăng 1 và 2, dự định sẽ cải tạo nâng cấp vào năm 2004.

Đến năm 2004, thấy con đường vẫn chưa “rục rịch”, phường lại “thúc” lên thành phố, và ngày 19/4/2004, Chủ tịch UBND thành phố thời điểm đó là ông Huỳnh Năm đã ký văn bản số 1656, nội dung đồng ý xây dựng hệ thống cấp nước đường Nguyễn Phước Nguyên với kinh phí trên 1,8 tỷ lấy từ vốn đầu tư phát triển của Cty CN.

Dân khấp khởi mừng, nhưng chờ dài cổ vẫn không thấy nước về. Ngày 25/4/2006, Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Văn Hữu Chiến đã ký văn bản số 2522 đồng ý giao Cty CN thực hiện đầu tư dự án lấy từ nguồn vốn khấu hao cơ bản của Cty.

Văn bản của ông Phó Chủ tịch chưa ráo mực, thì đến ngày 19/5/2006, Phó Chánh VP UBND thành phố, ông Phạm Việt Hùng đã lại có 1 văn bản mới truyền đạt ý kiến của Chủ tịch thành phố Hoàng Tuấn Anh, nội dung:

Do tạm dừng thi công hạ tầng đường Nguyễn Phước Nguyên nên “chưa đầu tư cấp nước tuyến này. Yêu cầu Cty CN Đà Nẵng cân đối nguồn khấu hao trong kế hoạch 2007 để đầu tư”.

Bà Sáng bức xúc: “Nói là năm 2007, cứ tình trạng thế này, không biết còn dời đến năm nào”.   

Dân vẫn phải uống nước ô nhiễm

Ông Trương Thanh Xuân- Tổ trưởng tổ dân phố 42 (khu vực Đông Xuân, phường An Khê) dẫn chúng tôi tới rãnh nước thải gần khu vực tường sân bay than thở: “Trước kia nước thải từ sân bay đây, giờ cộng với nước thải của dân, đọng hết chỗ này. Chúng tôi hết lối thoát rồi”.

Cách rãnh nước thải bốc mùi hôi thối  chừng mươi mét là những giếng nước của dân.

“Nước bẩn thấm hết xuống đất cho bà con tui uống mấy chục năm ni chứ còn gì !- Ông Xuân thở dài - Trước kia dân cư thưa, còn đỡ. Nay dày đặc nhà cửa, với bao nhiêu hầm cầu tiêu. Nước giếng hứng trong thùng sáng ra phèn đóng dày 1 lớp. Khu vực này lai rai năm nào cũng có người chết vì ung thư”.

Tổ 42 với 5.000 dân chỉ là 1 trong số 18 tổ dân phố của khu vực Đông Xuân, cộng với chừng ấy tổ dân phố của khu vực Thuận An sống trên và dưới trục đường Nguyễn Phước Nguyên cạnh khu vực tường phía Tây của sân bay Đà Nẵng. 100% cư dân nơi đây ăn uống bằng nước giếng đào, giếng đóng.

“Biết là nước ô nhiễm, nhưng vẫn phải dùng. Chỉ ít gia đình có điều kiện là mua nước bình về để ăn uống. Nhưng 1 bình mười mấy ngàn, lấy đâu ra?”- Ông Xuân nói.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi biết thêm một bức xúc nữa của dân nơi đây. Đó là thành phố có chủ trương hút hầm cầu miễn phí, nhưng chỉ dành cho những đối tượng đang dùng nước máy.

Có nghĩa với 15.000 dân nơi này, nước thải không đường thoát, nước dùng sạch không biết khi nào mới đến, còn hầm cầu thì thường cứ để ứ đầy ...    

MỚI - NÓNG