17 lần bị bắt, vẫn bám biển Hoàng Sa, Trường Sa

17 lần bị bắt, vẫn bám biển Hoàng Sa, Trường Sa
TP - Hôm Chủ tịch nước ra thăm nhân dân huyện đảo Lý Sơn mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn, khi bàn về phát triển kinh tế, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư đưa cuốn sách kỹ thuật nuôi heo dày cộm ra, với nhã ý tặng tỉnh và huyện để “nghiên cứu” nuôi heo trên đảo. Nhưng, ở Lý Sơn đã có một ngư dân được dân đảo gọi là “vua nuôi heo” bấy lâu nay…

> Một đêm lặn cùng ngư dân Lý Sơn
> Người dám chống lại lời nguyền của biển

17 lần bị bắt

Ông nổi tiếng không chỉ vì là người đầu tiên nuôi heo trên đảo mà vì bản lĩnh, khí tiết con cháu của Phạm Hữu Nhật - người đi mở cõi, trấn thủ Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước. “Hỏi nhà Duyên heo ở đâu, dân trên đảo này đều biết. Cứ đi theo mùi phân heo là tới nhà tôi” - ông Phạm Duyên tếu táo khi chúng tôi gọi điện hỏi đường.

Căn nhà nhỏ của ông nằm sâu trong xóm cát ở tổ 16, thôn Đông, xã An Hải, treo kín bằng khen, giấy khen của ông và 7 người con. Cả 7 người con ông nay học hành đỗ đạt, có công ăn việc làm ổn định.

“Tám cha con chúng tôi thi nhau xem ai có nhiều bằng khen nhất. Cuối năm tổng kết ai nhiều được thưởng. Thưởng gì thì mấy cha con ngồi lại tự tính với nhau” - Gần 60 tuổi, ông Duyên vẫn hào sảng trong từng câu nói.

Ông bảo nói gì cũng oang oang vì hồi trẻ suốt ngày lặn dưới đáy biển, tai ù. Người chắc nịch, bộ râu tỉa tót, cánh tay xăm chi chít khiến ông có chút gì đó “bặm trợn”.

Sinh ra và lớn lên ở đảo Lý Sơn, 22 tuổi, Phạm Duyên nhập ngũ chiến đấu ở chiến trường Campuchia, là lính trinh sát tinh thông võ thuật. Tám năm sau, anh phục viên về Lý Sơn bắt đầu bám biển. Cũng từ đó, Phạm Duyên nổi danh trên đảo bởi tính khí cương trực, sẵn sàng ra tay vì việc nghĩa, được dân làng nể phục.

Những lúc rảnh rỗi, dù đã vợ con, Phạm Duyên vẫn rong ruổi từ bắc chí nam, để tìm thăm gia đình đồng đội, và để thỏa máu “giang hồ” đây đó.

Tàu thuyền trên đảo Lý Sơn
Tàu thuyền trên đảo Lý Sơn.

Những ngày ra biển, Phạm Duyên được bầu làm trưởng đoàn chỉ huy anh em vươn khơi Hoàng Sa. Là thợ lặn giỏi, một hơi ông có thể xuống độ sâu 60m. Là người chỉ huy có uy lực, ông lên tiếng, anh em đều nghe răm rắp.

Chiếc la bàn quân đội màu xanh từng theo ông hành quân giữa núi rừng, lại cùng ông ra Hoàng Sa. Ông kể rằng ngày đó đi biển có được chiếc la bàn là nhất. Cứ nhằm hướng Đông chếch lên đi 150 hải lý là ra đến biển Hoàng Sa, đánh bắt xong quay đầu 240 độ hướng thẳng là về đến Lý Sơn. Khi tàu sắm thiết bị định vị, chiếc la bàn được ông nâng niu cất giữ.

Suốt từ năm 2005 đến năm 2008, ông có tới 17 lần ra Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc đuổi, bắt giữ tịch thu phương tiện, ngư cụ. Nhưng Phạm Duyên và anh em đội tàu không sờn lòng.

Lần đầu tiên, tháng 2/2005, đang đánh bắt ở vùng biển từ đảo Phú Lâm chạy xuống Gò 90 thì ông bị bắt, đưa lên đảo giam giữ. Sau đó tàu ông bị tịch thu hết ngư cụ, hải sản rồi được thả về.

Đến tháng 4/2005, một lần nữa ông bị tàu Trung Quốc bắt. Tháng 7/2006, ông và 6 thuyền viên lại bị tàu Trung Quốc bắt dẫn về đảo Hải Nam, bị phía Trung Quốc lập biên bản giữ phương tiện, sau đó được thả về cùng 1 tàu cá khác của ngư dân Lý Sơn.

Cầm biên bản viết tiếng Hoa, ông nhờ người dịch mới biết mình bị phạt tiền, muốn lấy tàu phải nộp phạt. Nửa tháng sau, ông và anh em bạn thuyền xoay xở hơn 130 triệu đồng quay lại chuộc tàu dù ông đã viết đơn yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc trả lại tàu vì lý do: Hoàng Sa là đảo của Việt Nam.

Riêng trong năm 2008, tàu ông Duyên 4 lần bị rượt đuổi, bắt giữ và tịch thu ngư cụ, phải trắng tay trở về. Dù vậy, Phạm Duyên không bỏ ngư trường. Năm 2011, ông mới giã từ nghề đi biển.

Học nuôi heo trên biển

Năm 1999, nghề đi biển còn bấp bênh, trong khi ông Duyên phải nuôi đàn con nheo nhóc. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Phạm Duyên quyết định đầu tư nuôi heo, việc mà từ trước tới nay trên đảo Lý Sơn chưa ai làm.

Tiền dành dụm từ đi biển được ông đầu tư làm chuồng trại, mua heo giống từ đất liền. Khởi đầu là 20 con heo giống. Mấy tháng sau, đàn heo được khoảng 4 – 6 kg thì đồng loạt chết sạch. Xót của, xót công, ông lại ra khơi quyết tâm “lấy ngắn nuôi dài”.

Trước lúc đi, ông không quên giắt lưng cuốn sách kỹ thuật chăn nuôi heo, chăm sóc heo giống. Lênh đênh trên biển, rảnh rỗi, ông lại mang sách ra đọc để hiểu rõ hơn về các giống heo, cách chăn nuôi. Rồi ông tự đúc rút ra rằng: muốn nuôi được thì phải là heo đẻ trên đảo, để quen và thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng.

 Nhớ Hoàng Sa lắm chứ. Nhưng ở đời, Ba làm thầy con bán sách là thường. Mấy đứa con không theo nghiệp biển, mà chuyên tâm học hành, học giỏi, đỗ đạt hết. Thế cũng mừng... đứa nào muốn đi biển, tôi sẵn sàng đầu tư, truyền kinh nghiệm, ủng hộ hết mìn.

Ông Phạm Duyên

Năm 2000, ông bỏ 30 triệu mua 2 con heo nái về nuôi, rồi huy động vợ con cùng chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Heo đến tuổi trưởng thành, ông mời bác sĩ thú y từ đất liền ra phối giống nhân tạo. Lứa heo giống đầu tiên chào đời trên đảo Lý Sơn, ông để lại cả làm giống. Năm này qua năm khác, chuồng trại của gia đình ông được mở rộng. Và người dân Lý Sơn quen gọi ông là Duyên heo từ lúc nào không hay.

Nghỉ nghề biển, Duyên heo lại đầu tư cho heo nhiều hơn. Trại heo khá quy mô, mỗi năm ông xuất chuồng hơn chục tấn phục vụ dân đảo, thu về hơn 500 triệu đồng. Từ một người đàn ông ngang tàng, sóng gió quẫy đạp Hoàng Sa, Trường Sa, ông về chăm chút đàn heo.

Khách theo chân ông tham quan trại heo. Những chú heo nái to mập nghe tiếng ông liền vẫy đuôi kêu ình ịch. Ông cười khà: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo. Nhìn lên tôi không dám, nhìn xuống ít ai bằng. Từ heo mà tôi nuôi con ăn học, cứu vợ thoát phen thập tử nhất sinh”.

Hỏi ra mới biết: Năm 2010 vợ ông bị chứng bệnh tê liệt thần kinh, sống thực vật. Bác sĩ lắc đầu. Ông bán sạch đàn heo, vào Sài Gòn quyết thay máu cứu vợ. Nhờ đó vợ ông lành lặn trở lại. Ngày 8/3 vừa qua, vợ ông lại đổ bệnh, ông lại bán heo chạy chữa. Bà đang nằm ở bệnh viện Đà Nẵng có con gái chăm nom, ông về Lý Sơn chăm đàn heo để kiếm tiền chữa bệnh cho bà.

Bên chuồng heo, hỏi ông có nhớ Hoàng Sa không. Ông đáp: “Nhớ chứ. Nhưng ở đời, Ba làm thầy con bán sách là chuyện thường. Mấy đứa con, không đứa nào theo nghiệp biển, mà chuyên tâm học hành, học giỏi, đỗ đạt hết. Thế cũng mừng, ít ra không khổ như cha ông nó. Còn đứa nào muốn đi biển, tôi sẵn sàng đầu tư, truyền kinh nghiệm, ủng hộ hết mình”. Trang, Hoàng, Trường, An, Hậu, Hiền là tên những đứa con ông, nay đều có công ăn việc làm ổn định.

Giỏi võ

Gần 60 tuổi, ông Phạm Duyên vẫn còn lanh lẹn và giỏi võ. Những món võ học được từ quân đội, từ những ngày lang bạt, được ông truyền lại cho hai con trai Hoàng và Hậu. Hoàng nay đã là thầy dạy võ ở trường Cảnh sát cơ động, Hậu tiếp bước anh trai, nay mai cũng sẽ là cảnh sát.

17 lần bị bắt, vẫn bám biển Hoàng Sa, Trường Sa ảnh 2

Bí kíp võ thuật của ông chủ yếu dựa vào huyệt đạo. Ông bảo, trên người có 365 huyệt đạo, 16 huyệt đạo chết, 4 huyệt đạo nhất chỉ, ông nắm rành hết. Ông kể, ngày xưa lắm phen đụng độ giang hồ, đối kháng ông chưa lần nào bại trận. Một mình ông chấp cỡ 10 người với đao và gậy.

Ngoài ra, ông còn nắm rõ các huyệt đạo cứu người. Trên biển, nhiều thợ lặn ngạt khí đã được ông cứu kịp thời. “Nếu đả thông huyệt đạo không được, phải dùng nội công. Anh em đi thuyền lắm phen được tôi cứu ở Hoàng Sa vì giảm áp không đúng cách”, ông nói. Những đường quyền ông vẫn còn nhanh lẹ và chắc nịch.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.