Đê sông yếu: Sống trong sợ hãi

Đê sông yếu: Sống trong sợ hãi
TP - Cùng với đê biển, hệ thống đê sông yếu đang đe dọa hàng triệu người mỗi khi xảy ra thiên tai, lũ lụt. Chính phủ dành nguồn kinh phí khá lớn cho tu bổ, nâng cấp  đê sông nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
Đê sông yếu: Sống trong sợ hãi ảnh 1
Một điểm sạt lở ở đê sông Chu năm 2009 (địa bàn xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa) đã được khắc phục - Ảnh: Hoàng Lam

Chúng tôi trở lại hai thôn Mỹ Thượng và Mỹ Văn (xã Hữu Văn - Chương Mỹ - Hà Nội), nơi cách đây không lâu báo Tiền Phong phản ánh tình trạng sông Bùi cứ nuốt dần đất, làm hàng chục gia đình ven sông mất ăn mất ngủ. Cảnh tượng vẫn chưa có gì mới, nghĩa là hiện tượng sạt lở ven sông Bùi vẫn chưa được khắc phục.

Qua nhà anh Nguyễn Văn Khỏe (thôn Mỹ Thượng) thấy các thành viên trong gia đình vẫn ngày đêm sống trong sợ hãi. Anh cho biết, năm 2005, sông Bùi lấy hơn 100m2 đất, căn nhà nay chỉ còn khoảng 30m2, 9 nhân khẩu trong gia đình sống chen chúc nhau.

Hình ảnh đó không phải là hy hữu ở các tuyến sông của Thủ đô kéo dài 465 km. Ngay cả tuyến đê Đức Long - Gia Tường (Ninh Bình), có nhiệm vụ chắn nước, bảo vệ cả vùng rộng lớn, trong đó có Hà Nội, cũng không ít điểm sạt lở.

Còn nhớ, cuối tháng 11-2008, tuyến đê này bị vỡ đã nhấn chìm 7 xã (gồm Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Thủy, Xích Thổ, Đức Long, Gia Tường và Lạc Vẫn) của huyện Nho Quan với trên 10.000 nhà dân (hơn 40.000 người) ngập sâu trong nước.

Hàng chục ngàn hecta hoa màu và thủy sản mất trắng, thiệt hại cả trăm tỷ đồng, rất lâu sau bà con nơi đây vẫn chưa khắc phục xong hậu quả.

Tại tỉnh Thanh Hóa, tình hình đê sông càng yếu kém, đe dọa hàng ngàn hộ dân mỗi khi có thiên tai, lũ lụt. Với hơn 1.000 km đê sông và biển, trong đó đê kiên cố chiếm rất ít.

Khi chúng tôi có mặt tại tuyến đê sông Bưởi địa phận huyện Thạch Thành, nơi thường xuyên xảy ra sạt lở, vỡ đê, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân, nhiều đoạn vẫn chưa được kiên cố hóa. Mặt đê lồi lõm, nhiều đoạn thân đê bị nước khoét sâu, rất nguy hiểm.

Anh Trịnh Ngọc Thành, người dân xã Thành Sơn cho biết, năm nào cứ đến mùa lũ là người dân các xã ven đê hoảng sợ vì đê yếu, khả năng chịu đựng kém, khi có lũ tràn về rất dễ vỡ.

Cùng đó, tại xã Quý Lộc (huyện Yên Định), hơn 500m đê phía hữu sông Mã bị sạt lở nghiêm trọng. Điểm sạt lở cao nhất gần 15m, có nơi cách 5m so với mực nước sông; một phần đường đi của các thôn lên trung tâm xã cũng đã bị cuốn mất. Chỉ riêng xã này, mỗi năm đê sạt lở cướp đi cả chục hecta đất sản xuất.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Mai Sĩ Sơn - Phó Chi cục trưởng Đê điều và Phòng chống Lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết, dù các tuyến đê trong tỉnh có nhiệm vụ bảo vệ 2,5 triệu người (bằng 5/6 dân số cả tỉnh) nhưng lại chưa được quan tâm đầu tư để tu bổ, xây dựng đúng mức.

Hầu hết các tuyến đê sông được hình thành từ rất xa xưa, khi trình độ kỹ thuật và công cụ lao động còn rất thô sơ. Nhiều tuyến đê có khoảng cách bờ hữu và bờ tả nơi quá rộng, nơi quá hẹp, tạo ra chế độ dòng chảy không đều, phát sinh các luồng lạch, bãi nổi.

Bên cạnh đó, việc đất đắp đê không đồng chất, có đoạn đất có lẫn chất hữu cơ, tạo điều kiện cho mối xâm nhập thân đê, khi lũ cao đê bị sập bất ngờ (toàn tỉnh hiện có tới 130 điểm rò rỉ, thẩm lậu khi có nước lũ lớn).

Vẫn là tiền đâu?

Những năm gần đây, mỗi năm Thanh Hóa đắp hàng triệu mét khối đất đê; xây lát kè bình quân 5.000 - 7.000m đê; sửa chữa, nối dài, làm mới thay cống cũ 5 - 10 cống; duy tu bảo dưỡng, chống xuống cấp, rải cấp phối mặt đê..., với kinh phí 50 - 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, do hệ thống đê điều của Thanh Hóa quá lớn, nên việc tu bổ so với thực tế vẫn còn rất thấp.

Thành phố Hà Nội vừa lập Quy hoạch phòng chống lũ cho từng tuyến sông, với kinh phí gần 100.000 tỷ đồng. Trong dự án này, từ nay đến 2020, Hà Nội sẽ di dời khoảng 21.000 hộ dân.

Tám vùng bảo vệ ưu tiên trong quy hoạch gồm: Vùng hữu sông Hồng; vùng hữu sông Hồng - hữu Đáy - tả Tích; hữu sông Hồng - tả Đáy; tả sông Hồng - hữu Đuống; tả sông Hồng - tả Đuống - hữu Cà Lồ; hữu sông Cầu - tả Cà Lồ; hữu sông Tích - hữu Bùi và hữu Đáy, tả và hữu sông Mỹ Hà.

Dù kinh phí được Hà Nội thông báo là sẽ bố trí nguồn vốn từ vốn ngân sách, huy động từ các nguồn như ODA, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB)... nhưng thực tế kinh phí dành cho tu bổ đê điều của Thủ đô còn quá ít.

Theo đánh giá của Bộ trưởng NN & PTNT Cao Đức Phát, nhu cầu tu sửa, xây kè thân đê của các địa phương trên cả nước là rất lớn, trong khi kinh phí có hạn nên trước mắt tập trung các đoạn đê xung yếu.

Trong các năm tiếp theo, Chính phủ sẽ dành kinh phí nhiều hơn để đầu tư đồng bộ cho hệ thống đê, lấy đó là nhiệm vụ căn bản trong phòng chống lụt bão.

Trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, xét đề nghị của Bộ, Thủ tướng vừa phê duyệt Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông cho 18 tỉnh, thành đến năm 2020 với kinh phí 19.559 tỷ đồng.

Theo đó, giai đoạn từ nay đến 2010 sẽ tập trung đầu tư một số dự án tu bổ đê cấp bách xung yếu (kinh phí 2.000 tỷ đồng); từ 2011-2015 thực hiện việc hoàn chỉnh mặt đê, trồng cây chống sóng (10.000 tỷ); từ 2016-2020, hoàn chỉnh toàn bộ chương trình với kinh phí 7.559 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG