19 địa phương đã thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng

19 địa phương đã thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng
TP - Đến nay, có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, với nhiều mô hình khác nhau. Các tỉnh, thành phố còn lại đã chuẩn bị về tổ chức, nhưng còn chờ hướng dẫn của T.Ư.
19 địa phương đã thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng ảnh 1
Ảnh minh họa

“Trong thời gian gần đây, do nhu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tham nhũng, hầu hết các tỉnh, thành phố đều đề nghị thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng.

Đến nay, có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, với nhiều mô hình khác nhau; các tỉnh, thành phố còn lại đã chuẩn bị về tổ chức, nhưng còn chờ hướng dẫn của T.Ư” - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến cho biết như vậy tại phiên họp sáng qua (20/6) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Thành phần Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, có Trưởng Ban chỉ đạo là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và 8 uỷ viên, bao gồm: Ủy viên thường trực; Chánh Thanh tra; Giám đốc Công an; Viện trưởng Viện Kiểm sát; Chánh án Toà án nhân dân; Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Văn hóa -Thông tin; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.

Ngoài ra, điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, còn có bộ phận giúp việc chuyên trách đặt tại Văn phòng UBND tỉnh, thành phố, biên chế từ 3 đến 5 người...

Về quyền hạn, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo quyết định tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ phó giám đốc sở và các chức vụ tương đương, Chủ tịch, Phó chủ tịch, ủy viên thường trực HĐND, Chủ tịch, Phó chủ tịch, các thành viên khác của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc và các chức vụ khác do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư bổ nhiệm, cách chức khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, có hành vi gây khó khăn đối với hoạt động chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức.

Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo còn có quyền kiến nghị tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan, tổ chức ở địa phương không thuộc các trường hợp nêu trên, khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, có hành vi gây khó khăn đối với hoạt động chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức.

Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, đã đề nghị UBTVQH giao Thủ tướng quy định về chức năng, nhiệm vụ, thành phần, tổ chức bộ máy và quy chế làm việc của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, hoặc giao Chính phủ ban hành một Nghị định mới để quy định cụ thể về vấn đề này.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để thể chế hóa đúng đắn chủ trương của Đảng trong các Nghị quyết và thông báo có liên quan đến vấn đề nêu trên, cần trình Quốc hội sửa Luật phòng, chống tham nhũng.

Trên cơ sở đó, UBTVQH quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư theo đề nghị của Chính phủ.

MỚI - NÓNG