19 người chết, mất tích, nhiều vùng bị chia cắt do mưa lũ

Mưa lũ gây tan hoang và chia cắt nhiều khu vực ở vùng núi phía Bắc
Mưa lũ gây tan hoang và chia cắt nhiều khu vực ở vùng núi phía Bắc
TPO - Đến sáng nay (25/6), có 7 người chết, 12 người mất tích do mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Khu vực này sẽ có mưa to vài ngày tới, nguy cao lũ quét, đặc biệt là sạt lở đất rất lớn.

Tại cuộc họp ứng phó với mưa lũ sáng nay (25/6) của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, đã có 7 người chết (Hà Giang, Lai Châu), 12 người còn mất tích (Lai Châu) do mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo ông Sơn, đây là trận mưa lũ đầu mùa, nhưng đã gây thiệt hại  lớn trong khi những hậu quả của vụ lũ quét, sạt lở kinh hoàng năm ngoái ở Mường La và nhiều địa phương chưa khắc phục xong.

Ông Sơn cho biết, những trường hợp chết chủ yếu là do sập nhà, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá. Hiện còn 12 người mất tích ở Lai Châu do lũ cuốn trôi (Than Uyên 1 người, Tam Đường 1 người, Nậm Nhùn 1 người, Sìn Hồ 9 người do sạt lở đất).

“Do vậy, công tác phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ cần chỉ đạo cụ thể hơn, không chỉ đơn thuần khu vực người dân định cư, kể cả những khu vực khác có nguy cơ cao về sạt lở, địa phương phải kiểm tra thực tế để đưa ra cảnh báo”- ông Sơn nói.

Thông tin nhanh từ các địa phương cho thấy, đến sáng nay, mưa lũ đã làm sụp đổ cuốn trôi gần 50 nhà (Hà Giang 16 nhà, Lai Châu 7 nhà, Thái Nguyên 24 nhà); trên 260 nhà bị hư hỏng, di dời khẩn cấp, trong đó lớn nhất là Thái Nguyên hơn 200 nhà, Lai Châu 41 nhà, Hà Giang 18 nhà…Gần 530 nhà ở Hà Giang, 18 nhà ở Lào Cai còn ngập nước. Đến nay gần 400 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, trong đó nặng nhất là Hà Giang và Lai Châu.

Về giao thông, đến sáng nay các tuyến đường quốc lộ 4D, 279 từ Lào Cai đi Lai Châu bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc giao thông. Một số tuyến đường tỉnh lộ thuộc Lai Châu bị sạt lở còn gây tắc nghẽn giao thông: Tỉnh lộ 128 đoạn Chăn Nưa - Sìn Hồ qua xã Làng Mô, đường Làng Mô - Tủa Sín Chải; đường Mường Mô - Mường Tè.

Ước tính ban đầu, tổng thiệt hại ở các địa phương ước tính gần 80 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai.

19 người chết, mất tích, nhiều vùng bị chia cắt do mưa lũ ảnh 1 Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tại yêu cầu các địa phương soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đêm qua và sáng sớm nay (25/6) ở các tỉnh vùng núi phía Bắc tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, một số nơi mưa rất to như: Mường Tè (Lai Châu) 117mm, Mường Lay (Lai Châu) 87mm, Sìn Hồ (Lai Châu) 77mm…

Theo ông Cường, từ hôm nay đến ngày mai, miền Bắc tiếp tục có mưa rào rào và dông trên diện rộng, đặc biệt ở vùng núi có mưa to đến rất to, mưa tập trung vào đêm và sáng sớm. Từ ngày 27/5, lượng mưa sẽ giảm dần đến chấm dứt.

Do mưa lớn, nên nguy cơ xảy ra lũ quét, đặc biệt là sạt lở ở nhiều tình vùng núi phía Bắc, như: Lai Châu, phía Bắc Sơn La, Điện biên, Hà Giang, Tuyên Quang và xuất hiện điểm mưa mới ở Quảng Ninh. Lượng mưa tập trung  40-70 mm, nhiều hơn trên 100 mm.

“Mưa lớn nhiều ngày qua và tiếp tục mưa đến 27/6 khiến đất đá no nước, nguy cơ sạt lở đất đá gia tăng và dễ bị kích hoạt. Trong đó, vùng nguy cơ cao nhất là Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang Sơn La và phía tây Cao Bằng. Sau đó, sẽ lan ra nhiều tỉnh khác ở vùng núi phía Bắc.Chỉ cần lượng mưa 60-100 mm/6 giờ sẽ gây lũ quét”- ông Cường nhận định.

Trước tình hình trên, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ. Tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, khát.

Theo ông Sơn, hiện chúng ta chưa dự báo được lượng mưa trong ngắn hạn, cùng đó, việc lắp đặt thiệt bị đo mưa cũng chưa nhiều để đưa đến các bản tin cụ thể hơn đến với người dân.

Do vậy, các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn, đặc biệt lưu ý với bà con đi làm nương, rẫy.

Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa, cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, nhất là đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018.

MỚI - NÓNG