Tăng số trạm y tế ven quốc lộ để giảm tử vong do TNGT

Tăng số trạm y tế ven quốc lộ để giảm tử vong do TNGT
TP - Các Chuyên gia y tế nhận định: có thể giảm được 10% số tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) nếu nạn nhân được cấp cứu kịp thời tại các tuyến quốc lộ.
Tăng số trạm y tế ven quốc lộ để giảm tử vong do TNGT ảnh 1

Có thể giảm được tỷ lệ tử vong do TNGT nếu nạn nhân được cấp cứu kịp thời. Ảnh: T.L

Dự án An toàn giao thông đường bộ do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, đã tiến hành khảo sát thực trạng  về cơ sở vật chất và trang thiết bị của các cơ sở y tế nằm dọc ba tuyến Quốc lộ: Hà Nội - Nghệ An, TPHCM- Cần Thơ và TPHCM - Bà Rịa Vũng Tàu.

Muốn giảm số ca tử vong do TNGT, việc xây dựng và tăng cường hiệu quả của hệ thống cấp cứu TNGT đường bộ đóng vai trò quan trọng. Bộ Y tế cùng Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu để xây dựng đề án về việc nâng cao năng lực cấp cứu TNGT.

Trong đó hướng đến mục tiêu xây dựng, bổ sung và củng cố hệ thống cấp cứu tại các tuyến, đủ khả năng đáp ứng tốt với cấp cứu tai nạn thương tích và TNGT.

Dự kiến sẽ xây dựng hệ thống các trạm cấp cứu TNGT dọc trên các tuyến quốc lộ đảm bảo tiếp nhận và cấp cứu ban đầu TNGT. Sau 10 - 15 phút khi được thông báo có tai nạn, cán bộ y tế có thể tiếp cận người bị nạn, tổ chức cấp cứu ban đầu tại hiện trường và vận chuyển cấp cứu người bị nạn đến các cơ sở y tế an toàn.

Theo thống kê từ các bệnh viện, trạm y tế dọc các tuyến quốc lộ thí điểm nói trên cho thấy, có 102.719 trường hợp bị TNGT, nhưng chỉ có 28,9% trong số này được nằm viện và 714 người tử vong (tỷ lệ 0,6%). Từ thực tế đó đoàn nghiên cứu, khảo sát nhận định nếu công tác cấp cứu TNGT được thực hiện kịp thời có thể giảm được 10% số tử vong do TNGT hằng năm trên các tuyến quốc lộ.

Trung bình mỗi năm tại Việt Nam có trên 13.000 vụ TNGT, làm chết trên 11.000 người. Bệnh viện Việt Đức luôn trong tình trạng quá tải tiếp nhận các bệnh nhân bị TNGT từ các tuyến dưới chuyển lên. Nhiều bệnh nhân chưa kịp được cấp cứu đã tử vong. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 50 ca chấn thương do TNGT.

Chỉ tính trong năm 2008 bệnh viện đã tiếp nhận 16.813 trường hợp cấp cứu TNGT; 54 người tử vong sau đó. Theo đánh giá của các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, có thể giảm số lượng bệnh nhân tử vong do TNGT nếu được cấp cứu kịp thời sau khi bị tai nạn.

Không phủ nhận tình trạng yếu kém của hệ thống cấp cứu y tế với các trường hợp bị TNGT đường bộ, TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thừa nhận trình độ cấp cứu tai nạn của đội ngũ cán bộ các trạm y tế ven quốc lộ còn yếu và thiếu. Hiện nay các trạm y tế được bố trí khoảng bảy kilômét một trạm nhưng phần lớn nằm xa quốc lộ. Như tại đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thanh Trì, Hà Nội), không có trạm y tế nằm dọc theo quốc lộ.

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng ngoài việc bố trí hệ thống các trạm và tổ chức công tác cấp cứu, trước mắt cần xây dựng thí điểm 9 trung tâm tìm kiếm cứu nạn ngành đường bộ.

Theo đó sẽ xây các điểm trên tại QL18 (thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh), QL5 tại Km58+500 (Nam Sách, Hải Dương), QL6 tại Km 405 (Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), QL4D tại Km 105 (Sa Pa, tỉnh Lào Cai), QL3 tại Km 225+950 (xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), QL14 tại Km 478 (thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum), QL1 tại Km 1278 (thị trấn Sông Cầu, tỉnh Phú Yên); đường Hồ Chí Minh tại Km 707+300 (Khai Sơn, Anh Sơn, tỉnh Nghệ An); QL1 tại Km 623+70 (xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình)... 

MỚI - NÓNG