20 năm đổi mới: Thành công do hợp lòng dân

20 năm đổi mới: Thành công do hợp lòng dân
Đó là quan điểm cơ bản được nhiều học giả, nhà lý luận hàng đầu Việt Nam và quốc tế nêu ra tại cuộc Hội thảo bàn tròn cấp cao lần thứ 2 về dự án "Hỗ trợ tổng kết 20 năm đổi mới ở Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội, ngày 30/6.
20 năm đổi mới: Thành công do hợp lòng dân ảnh 1
Trẻ em - thế hệ tương lai là những người được thừa hưởng thành quả đổi mới nhiều nhất.  Ảnh:Hồng Vĩnh

GS.TSKH Đào Trí Úc - Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật (Viện khoa học Việt Nam) cho rằng, thành tựu quan trọng nhất sau 20 năm đổi mới trước hết là về kinh tế.

Việt Nam đã đổi mới một cách cơ bản chế độ sở hữu mà cái cốt lõi của nó là dân chủ hóa kinh tế. Nhân dân làm chủ tư liệu sản xuất, tự do kinh doanh.

Việt Nam đã tạo được một khung pháp lý cơ bản cho quá trình chuyển đổi từ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

GS. Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam nhìn nhận nguyên nhân thành công chính là chúng ta đã phát huy tính độc lập trong đường lối đổi mới và chính sách đổi mới. Đổi mới ở Việt Nam được tiến hành không theo một khuôn mẫu nào.

Tuy nhiên, GS. Nam cũng nhấn mạnh: “Việt Nam rất coi trọng tham khảo và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để trên cơ sở đó, tự đi tìm lời giải cho bài toán phát triển ở Việt Nam”.

Đặc trưng của đổi mới ở Việt Nam là đổi mới tư duy, trong đó, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế.

Đến nay, Việt Nam đã tiến hành đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế đến chính trị, văn hóa xã hội; phát triển con người; quan hệ đối ngoại, quốc phòng an ninh; đổi mới Nhà nước, đổi mới Đảng…

“Đổi mới, trên cơ sở ổn định chính trị - xã hội và thành quả của đổi mới phải vì mục tiêu phát triển con người Việt Nam. Chúng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách rất hợp với lòng dân, đã phát huy được tối đa sức mạnh của nhân dân. Đưa vị thế của dân lên làm chủ sự phát triển của đất nước”- GS. Nam nói. 

Nhìn vào bức tranh phân phối thu nhập thế giới và các xu hướng trong thu nhập theo đầu người của các nước, thì Việt Nam là một trong số 12% quốc gia dịch chuyển lên; Việt Nam đã nhảy vọt từ miền ngoại vi thấp vào năm 1980 lên miền ngoại vi vào năm 1999.

Để thực sự là “con hổ” của khu vực và thế giới trong tương lai, Việt Nam đề ra mục tiêu là đến năm 2020 phải trở thành một nước hiện đại và công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, GS. Carlyle A. Thayer (Trường KHXH&NV- Học viện Quốc phòng Ôx-trây-lia) khuyên: “Việt Nam nên dựa vào những cải cách kinh tế trong nước và một chính sách mở “làm bạn với tất cả các nước”.

GS. Mark Sidel (Đại học IOWA - Nhật Bản) cho rằng: “Việt Nam cần phải tăng cường tính pháp quyền để tránh tình trạng “nhất thân, nhì thế, thứ ba là tiền”. Muốn vậy, phải tăng cường chống tham nhũng. Vì tham nhũng đang gây trở ngại cho những nỗ lực của Việt Nam.

Tham nhũng cũng có thể ảnh hưởng đến quan niệm của người dân về mức độ chính đáng trong cách phân phối cơ hội và thành tựu kinh tế hiện nay. Nếu quan niệm đó lan tỏa thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân sự ổn định chính trị xã hội.

Ngoài ra, các học giả cũng lưu ý Việt Nam cần giải quyết tốt vấn đề chênh lệch phát triển giữa các vùng miền, đô thị và nông thôn và chênh lệch giàu nghèo trong xã hội trong quá trình phát triển.

Thời gian tới, để gia nhập WTO, nhiều giải pháp quan trọng được các nhà khoa học trong và ngoài nước tán thành là phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết đồng thời 3 vấn đề cơ bản của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là:

Đảm bảo cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vận hành thông suốt; xây dựng hệ thống an sinh xã hội; hình thành cơ chế giám sát để bảo đảm tính công khai, minh bạch, bình đẳng của các chủ thể kinh tế.

Trong quá trình đổi mới, Việt Nam phải đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy quyền dân chủ của nhân dân và vai trò các tổ chức xã hội. Phấn đấu mục tiêu cuối cùng là chậm nhất đến năm 2010 phải thoát khỏi danh sách các nước nghèo.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Như Ý).
Giá vàng đồng loạt vọt tăng
TPO - Sáng nay (29/3), giá vàng trong nước tăng tới 700.000 đồng/lượng, lên mức 81 triệu đồng/lượng vàng SJC, vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh cao mới, lên mức 2.232 USD/ounce.