20 năm sau bão Linda, Cà Mau đón áp thấp nhiệt đới

Kêu gọi tàu vào bờ tránh áp thấp nhiệt đới.
Kêu gọi tàu vào bờ tránh áp thấp nhiệt đới.
TPO - Ông Trịnh Xuân Hưng, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Cà Mau thông báo: áp thấp nhiệt đới gần bờ hình thành, chiều và đêm 1/11, ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang có gió giật mạnh cấp 6- 7.

Cảnh báo, khu vực Cà Mau từ đêm 1 đến hết ngày 2/11 có mưa vừa, mưa to, rất to 100- 150 mm. Đề phòng dông, lốc xoáy, vòi rồng, gió giật mạnh. Dự báo 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 km. Đến 4 giờ ngày 2/11, áp thấp nhiệt đới hình thành bão khu vực Biển Đông, sức gió gần tâm bão mạnh cấp 8 và giật cấp 10.

Các huyện ven biển cần đề phòng mực nước dâng cao do áp thấp nhiệt đới kết hợp với triều cường. Mực nước có khả năng dâng cao, tại cửa sông Gành Hào ở mức từ 2m-2,2 m, tại thị trấn Năm Căn ở mức 1,6-1,7 m.

Lúc 10 giờ, Đài khí tượng thủy văn Cà Mau cảnh báo, đỉnh triều cường cao nhất từ ngày 4 đến 8/11. Dự báo mực nước cao nhất tại Trạm Năm Căn trên sông Cửa Lớn 1,60- 1,70 m, Trạm Sông Đốc trên Sông Đốc 0,85- 0,95 và Trạm Gành Hào trên sông Gành Hào lên mức từ 2,10- 2,20 m.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Cục phòng chống thiên tai Bộ NN- PTNT đề nghị tỉnh Cà Mau tìm giải pháp xử lý tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Cần thiết gọi ngay phương tiện khai thác hải sản đang hoạt động trên vùng biển có thể bị nguy hiểm, di dời người dân vùng ven biển đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai Cà Mau cho biết, cập nhật thông tin chỉ đạo và thông báo đến các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ông Nguyễn Long Hoai nói: “Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới gần bờ với triều cường có thể gây ngập úng các huyện ven biển”.

20 năm sau bão Linda, Cà Mau đón áp thấp nhiệt đới ảnh 1 Tàu tuần tra Biên phòng làm nhiệm vụ cứu nạn.

Đến 5 giờ ngày 1/11, còn 464 tàu với 2.644 người đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 437 tàu với 2.571 người hoạt động trên tàu hoạt động xa bờ, số tàu thuyền chưa liên lạc được 171 với hơn 1.057 người. Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, có 3.387 tàu thuyền neo đậu tại các cửa biển, 5.645 ngư phủ lên bờ.

Đại tá Lương Phương Đông, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau nói: “Chúng tôi chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị sẵn sàng ứng phóng với thiên tai, thời tiết xấu. Đồng thời, lực lượng tích cực kiểm đếm phương tiện khai thác biển. Đáng lo ngại là hơn 1.000 phương tiện hoạt động ven bờ, ra vào 78 cửa sông ăn thông ra biển rất khó kiểm soát, quản lý”.

Đại tá Lương Phương Đông đề nghị chính quyền các địa phương trên biển phối hợp với 10 trạm Biên phòng phối hợp kiểm soát, xử lý để bảo vệ tài sản, tính mạng người dân. Đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau kiểm tra lại khu vực neo đậu tàu thuyền, nơi sơ tán người dân, vệ sinh môi trường trong thời gian di dời tránh trú bão.

Trước thông tin về cơn áp thấp nhiệt gần bờ và áp thấp nhiệt đới gần biển Đông, sáng ngày 1/11, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng họp khẩn cấp về tình hình chuẩn bị ứng phó với nhưng cơn áp thấp nhiệt đới nay.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh Sóc Trăng, hồi 13 giờ ngày 31-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 370km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13 giờ ngày 1-11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 8,1 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển Bến Tre-Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 5-10 độ vĩ Bắc, 104,5-111,5 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tiềm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thông tin về áp thấp nhiệt đới và tình hình triều cường cũng như công tác triển khai ứng phó.

Để triển khai ứng phó và thông tin kịp thời đến người dân, UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và phân công cụ thể các thành viên trong Ban Chỉ đạo chủ động xuống các địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng. Đối với các huyện, thị xã ven biển, ven sông lớn như Cù Lao Dung, Trần Đề, Long Phú, Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu, Ban Chỉ đạo trực tiếp khảo sát các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng để có phương án chủ động nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn.

Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thông báo đến ngư dân về việc cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt, kêu gọi tàu thuyền đang ở ngoài khơi vào nơi trú ẩn an toàn. Đặc biệt, trong thời gian này, tỉnh Sóc Trăng đang chuẩn bị sự kiện lớn là Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ 3 – Khu vực ĐBSCL 2017 nên tinh thần chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới để lễ hội thành công tốt đẹp.

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Sóc Trăng, hồi 7 giờ ngày 1-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,5 độ vĩ Bắc; 120,7 độ kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan (Philippin) khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 2-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,8 độ vĩ Bắc; 116,5 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10 - 14 độ vĩ Bắc; phía Đông 115,0 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3. Dự báo 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi đươc khoảng 15 - 20km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.

Cùng với các tỉnh, thành trong khu vực Nam bộ, Sóc Trăng cũng được đặt trong tình trạng cảnh giác cao khi cả bão và áp thấp nhiệt đới đang hướng vào khu vực này.

Đúng 20 năm trước (1997), bão Linda vào Cà Mau khiến 128 người chết, 601 người bị thương, 1.164 người mất tích, hư hỏng 574 tàu thuyền, mất tích 318 chiếc.

MỚI - NÓNG