20 năm trước, ông Trần Bạch Đằng từng cảnh báo nạn tham nhũng

Toàn cảnh buổi hội thảo.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
TPO - Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng, hơn 20 năm trước, ông Trần Bạch Đằng đã kiến nghị ban hành Luật phòng, chống tham nhũng và gần 10 năm sau, tháng 11/2005, kiến nghị này mới thành hiện thực. Ngay cả vấn đề gai góc trong 7 chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM, ông Trần Bạch Đằng đã từng dự báo và trăn trở từ hàng chục năm trước.

Sáng nay, 14/7, Thành ủy TPHCM đã khai mạc Hội thảo khoa học “Đồng chí Trần Bạch Đằng - Người cộng sản kiên trung” nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của ông Trần Bạch Đằng (15/7/1926 - 15/7/2016).

Tham dự hội thảo có Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cùng nhiều cán bộ lãnh đạo các bộ, ban ngành và TPHCM qua các thời kỳ.

Phát biểu đề dẫn, bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM khẳng định hội thảo nhằm làm sáng tỏ những công lao, cống hiến to lớn của ông Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn Gia Định, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Phó Ban Dân vận Trung ương.

Với hơn 81 năm tuổi đời, 64 tuổi Đảng, hơn 66 năm hoạt động cách mạng, ông Trần Bạch Đằng đã cống hiến gần trọn cuộc đời mình cho cách mạng, cho miền Nam trong vai trò là một nhà cách mạng, một nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn nhạy bén, luôn mẫn cảm cùng thời cuộc, tấm gương tự học, có nhiều trải nghiệm vào thực tiễn.

Tham luận tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh, phòng, chống những sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của Đảng viên, trong đó có thái độ kiên quyết đấu tranh với tình trạng tham ô, tham nhũng là một trong những vấn đề đồng chí Trần Bạch Đằng dành nhiều thời gian để suy nghĩ và phản ánh qua nhiều trang viết.

Hơn 20 năm trước, ông Trần Bạch Đằng đã kiến nghị ban hành một đạo luật phòng, chống tham nhũng làm cơ sở pháp lý hữu hiệu để ngăn ngừa và trừng trị quốc nạn này, một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ: “Đạo luật chống tham nhũng - Tại sao không? Xin nói thêm: làm cho nhanh trước khi tham nhũng vô hiệu hóa đạo luật chống nó”. Gần 10 năm sau, tháng 11 năm 2005, kiến nghị này của ông Trần Bạch Đằng mới trở thành hiện thực.

Ông Đinh La Thăng cũng chỉ ra ngay cả vấn đề gai góc mà thành phố đã và đang nỗ lực tập trung giải quyết như tình trạng ngập nước, cũng từng là trăn trở của ông Trần Bạch Đằng trong việc tìm kiếm những giải pháp khoa học từ hàng chục năm trước như: “Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố trên kênh rạch. Tại sao không? Tại sao chỉ nghĩ đến nhà cao tầng, đường bộ? Điểm nút ở đây, chẳng những chống ngập lụt mà còn vì dân giàu, sạch và đẹp…”; kiến trúc đô thị, xây dựng công viên, phát triển mảng xanh đô thị“ giữ và thêm những hàng cây bên đường, những luống hoa, những khu công viên, những vòng xoay “bỏ túi” hoa cỏ…trở thành nhiệm vụ quan trọng của thành phố, như xu thế các thành phố trên thế giới”.

Vấn đề giảm tai nạn giao thông cũng từng là trăn trở của ông Trần Bạch Đằng qua các bài viết như “Thành phố lớn ở ta - Thành phố Hồ Chí Minh, TP Hà Nội - cần gấp rút hình thành nhiều thành phố vệ tinh, quy hoạch các khu dân cư hợp lý, phân tán rộng, từ nơi cư ngụ đến nơi làm việc không xa, không nhất thiết mọi dịch vụ đều gom về một khu trung tâm”...

“Thực chất đó là những vấn đề mà 7 chương trình đột phá của Đảng bộ thành phố chúng ta đang quyết liệt triển khai vì một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Không quá lời khi khẳng định những ý kiến trên của đồng chí Trần Bạch Đằng mang tính dự báo, tiên lượng rất cao”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Theo ông Thăng, cách tốt nhất để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân là phải quyết tâm trở thành những người kế tục xứng đáng, không ngừng làm rạng rỡ sự nghiệp mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng và vun đắp. Đó cũng là những gì mà đồng chí Trần Bạch Đằng đã kiên trì truyền lại bằng cả cuộc đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.