20 trạm BOT có khoảng cách dưới 60 km

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ.
TPO - Sáng 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”.

Xử lý những bất cập về giá tại 6 trạm

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ Giao thông vận tải quản lý 73 trạm thu giá (55 trạm đang thu, 18 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý 15 trạm.

Trong tổng số 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, có 10 trạm (chiếm 11%) có khoảng cách 60 - 70 km do địa hình vị trí đặt trạm đảm bảo 70 km không thuận lợi. Có 20 trạm (chiếm 23%) có khoảng cách dưới 60 km. 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT chủ yếu thực hiện đầu tư trước năm 2011, do trước đây các trạm này thu phí nộp ngân sách.

Báo cáo đánh giá, một bộ phận nhỏ người dân sống khu vực trạm thu giá có sử dụng xe ô tô bị ảnh hưởng bất lợi, để hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với người dân trong khu vực trạm thu giá, trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải có chính sách miễn phí đối với xe thô sơ, xe máy nông nghiệp, xe máy. Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư phải bán vé quý, vé tháng để các phương tiện cơ giới có quyền đi lại nhiều lần nhưng chỉ trả phí một lần trong ngày.

Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành khai thác vẫn còn có một số ý kiến phản ánh của người dân về vị trí trạm và tính công bằng của người sử dụng. Nguyên nhân cơ bản có thể kể đến là:Một số vị trí trạm thu phí lựa chọn chưa thực sự phù hợp; tâm lý không đồng thuận của người sử dụng do việc thay đổi từ miễn phí sang đóng phí sử dụng đường bộ; chính sách phí đối với thu phí lượt (hở) không thể công bằng tuyệt đối.

Qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp và ý kiến của Đoàn Giám sát Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xử lý những bất cập về giá tại 06 trạm và rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống trạm thu giá để đưa ra giải pháp xử lý tất cả các trạm còn lại trên toàn quốc.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT trong giai đoạn vừa qua, chủ yếu các nhà đầu tư áp dụng hình thức chỉ định thầu và tự thực hiện để lựa chọn nhà thầu tham gia thực hiện dự án.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra cho thấy do các nhà đầu tư trong nước hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý dự án, quản lý công tác đấu thầu nên công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu còn tồn tại nhất định.

Mặc dù hành lang pháp lý giao toàn quyền cho nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu tuy nhiên để kiểm soát năng lực nhà thầu, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quy định và đưa vào trong nội dung hợp đồng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đại diện là các Ban quản lý dự án) có trách nhiệm kiểm soát công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu của nhà đầu tư (thỏa thuận kế hoạch đấu thầu, thỏa thuận kết quả lựa chọn nhà thầu).

Thẳng thắn nhận diện những hạn chế, bất cập

Báo cáo đánh giá, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, đất nước thường xuyên đối diện với nhu cầu cấp bách về phát triển hạ tầng, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư của tư nhân theo hình thức BOT phù hợp với quy định pháp luật.

Qua thực tế triển khai thực hiện các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cho thấy, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được hiện thực hóa một cách tương đối hiệu quả, sáng tạo.

Ngoài kết quả mang tính đột phá kể trên, cần thẳng thắn nhận diện những hạn chế, bất cập để có thể tiếp tục khai thác được nguồn lực to lớn ngoài ngân sách cho phát triển đất nước. Những mặt còn tồn tại được chỉ rõ như: Một số công trình sau khi đưa vào khai thác có một số khiếm khuyết về chất lượng như hằn lún vệt bánh xe, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.

Một số dự án do tính chất cấp bách, để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng nên quá trình thực hiện trình tự thủ tục đầu tư chưa thực sự chặt chẽ.

Có một số trạm thu phí, mặc dù đã được các cơ quan nhà nước và địa phương thực hiện đúng quy định pháp luật khi lập trạm nhưng sau khi đưa vào hoạt động vẫn còn có những phản ứng trái chiều của người dân về khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng tuyến đường hoặc vị trí đặt trạm chưa hợp lý. 

Để tiếp tục có đủ nguồn lực cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, Chính phủ kiến nghị Quốc hội: Tiếp tục ưu tiên điều chỉnh vướng mắc các luật (Luật môi trường, Luật giá, Luật doanh nghiệp); tăng mức bố trí vốn cho các dự án công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án quan trọng.

Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường và không áp dụng quy định về nguyên tắc xác định giá “phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ” theo quy định của Luật giá; Bổ sung kế hoạch xây dựng Luật đầu tư công tư vào chương trình xây dựng Luật năm 2018 của Ủy ban thường vụ Quốc hội...

MỚI - NÓNG