“2000 ngày oan trái”: Nỗi đau 20 năm chưa dứt

“2000 ngày oan trái”: Nỗi đau 20 năm chưa dứt
Đã hơn 20 năm trôi qua, kể từ đêm giao thừa đón xuân Qúi Hợi (1983), câu chuyện buồn đau khép chặt vào dĩ vãng. Hận thù đã được hóa giải… Nhưng vẫn còn một nỗi khắc khoải...
“2000 ngày oan trái”: Nỗi đau 20 năm chưa dứt ảnh 1

 Hơn 20 năm qua, đôi bạn Cao Tiến Mùi – Nguyễn Sỹ Lý luôn ở bên nhau  Ảnh: Quang Long

Diễn biến của vụ án “Hai nghìn ngày oan trái” đã từng được tác giả Hồ Hồng Tuyến – Mạnh Việt phản ánh trên Tiền Phong xuân 1988; Tiền Phong số 14, 15, 16 (năm 1988); Loạt bài “18 năm sau vụ án…” (đăng trên Tiền Phong số 177, 178, 179, 188, 189 (tháng 11, 12 năm 2001) kể về cuộc sống của gia đình anh và những sự kiện liên quan đến vụ án oan nghiệt này.

Năm 1988, Toà tái thẩm TAND tối cao tuyên Nguyễn Sỹ Lý vô tội. Ra tù được 2 năm, anh Lý phát bệnh, liệt tứ chi. Báo Tiền Phong đưa anh ra Hà Nội chữa trị, sau 2 tháng, cơ năng phần nào được phục hồi nhưng đến nay một chân vẫn bại liệt.

Người cựu giáo viên ĐH Tây Nguyên ấy buộc phải từ giã nghề dạy học. “Tôi thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, cho tôi nộp tiếp bảo hiểm XH”  - Nguyễn Sỹ Lý tâm sự.

Vẫn còn đó một nỗi khắc khoải

Ngày 10/7/2005, chuẩn bị cho cuộc giao lưu giữa báo Tiền Phong và độc giả xứ Nghệ, phóng viên báo Tiền Phong và các phóng viên Đài TH Nghệ An tìm về nhà anh Nguyễn Sỹ Lý (thôn Bình Hiếu, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn).

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Con gái đầu lòng Nguyễn Thị Ngọc ánh (SN 1982) đã tốt nghiệp khoa Pháp văn – Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, đi làm từ năm ngoái.

“Cháu làm việc tại Trung tâm ngoại ngữ trường này, chú ạ” - chị Len nói. Con cái học hành nên người, đó là niềm vui lớn nhất của gia đình vợ chồng Lý - Len. Để nuôi gia đình 5 miệng ăn, nuôi đàn con đang tuổi học, vợ chồng Nguyễn Sỹ Lý – Lê Thị Len làm đủ nghề: chế biến đậu phụ; sản xuất giò chả; làm nộm. Công việc chẳng khi nào ngơi tay.

Nguyễn Sỹ Lý “tàn mà không phế”, ngày ngày anh giúp vợ phơi đậu, nghiền nguyên liệu, chế biến; chăn nuôi. Cuộc sống thuận vợ thuận chồng nhưng còn nhiều gian khó.

Tôi đi ra sau vườn. Vườn cây sum suê toả bóng mát. Đây là mảnh đất anh Hồ Đình Trị (người hàng xóm) tặng sau khi Nguyễn Sỹ Lý được minh oan.

“Tôi ra tù, vợ chồng đoàn tụ hạnh phúc nhưng ngày đó nghèo lắm. Tay trắng khởi dựng cơ nghiệp. Anh Trị tặng suất đất hơn 1.000 m2, vợ chồng gom góp, vay thêm của cô em gái 1 chỉ vàng dựng một túp lều”.

“Hồi đó anh có được bồi thường gì sau 2.000 ngày oan trái ?” -  Chúng tôi hỏi anh Lý.

Nguyễn Sỹ Lý cười cay đắng:  “Người ta bồi thường cho tôi 750.000 đ tiền lương; 250.000 đ các khoản khác. Tổng cộng là 1 triệu đồng cho mấy năm tù oan”.

Còn nhớ, sau loạt bài “18 năm sau vụ án 2.000 ngày oan trái” đăng trên Tiền Phong, Nguyễn Sỹ Lý đã từng viết “Đơn đề nghị xét chế độ trợ cấp”.

Cuối lá đơn “bất đắc dĩ” có đoạn: “Tôi là một cán bộ Nhà nước, tôi khát khao được làm việc, được cống hiến, nhưng vì bị oan sai nên tôi mới ra nông nỗi này. Hiện tại khả năng vận động của tôi thật khó khăn – chân trái liệt nhẹ; chân phải liệt hoàn toàn…Tôi viết đơn này kính trình các cơ quan xem xét cho tôi được hưởng một khoản trợ cấp hàng tháng để giảm bớt gánh nặng, đỡ đần vợ con”.

Anh nhờ tôi chuyển lá đơn đó đến “các cơ quan chức năng địa phương”. Trong lúc chờ đợi, Nguyễn Sỹ Lý biên thư về Vinh tâm sự với người viết bài này:

 “Nếu họ xét trợ cấp cho tôi, thú thực với chú có cái gì đó thật buồn. Buồn nhiều hơn vui. Tôi có thể nhận được một khoản trợ cấp nào đấy nhưng về mặt tinh thần thì nặng nề thêm. Mỗi lần nhận đồng tiền xã hội cho kẻ tàn tật, tôi khổ tâm lắm chú ạ” (trích thư ngày 5/12/2001).

Đơn gửi đi, không có kết quả. Nguyễn Sỹ Lý thở dài: “Tôi nhận được thư chú từ tuần trước. Buồn quá chú ạ. Đành rằng,  “Cơ quan chức năng” họ làm không sai nguyên tắc, song tôi vẫn cảm thấy một điều gì đó thiếu công bằng. Mấy hôm nay tôi suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Có lúc, tôi xác định đi kiện. Nhưng nghĩ lại bây giờ biết kiện ai ?” (trích thư ngày 28/1/2002).

“Thiết tha đề nghị…”  

Ngày 16/7/2005, tôi đón anh ở Trạm 25 (nhà khách Nghệ An). Nguyễn Sỹ Lý phải vượt quãng đường 90km, ngồi sau xe máy của người chú ruột Nguyễn Đức Hoạt. Dáng vẻ mỏi mệt, chiếc nạng gỗ - vật bất ly thân luôn kè kè bên hông. Tôi đỡ anh xuống. Lòng trào dâng nỗi xót xa. Câu chuyện bi thương 15 năm trước của anh chợt tái hiện:

Giữa năm 1988, phiên tòa tái thẩm tuyên Nguyễn Sỹ Lý vô tội. Anh liên lạc với Trường ĐH Tây Nguyên xin được trở lại công tác (Nguyễn Sỹ Lý tốt nghiệp khoa Kinh tế, ĐH Lâm nghiệp năm 1980; anh giảng dạy tại khoa Lâm nghiệp, ĐH Tây Nguyên được 2 năm, về quê đón xuân Qúi Hợi (1983) thì rơi vào vòng lao lý), BGH trường ĐH Tây Nguyên lúc đó cho biết nhà trường sẵn sàng nhận anh trở lại giảng dạy.

“Nhưng trường cũng yêu cầu toà phải trực tiếp đưa anh vào, xin lỗi trường. Vì xử oan người ngay của trường, thì phải xin lỗi nhà trường -  Nguyễn Sỹ Lý kể- Tiếp đó, tôi nhận được giấy của TAND Nghệ Tĩnh mời tôi ngày 15/7/1990 có mặt tại trụ sở Toà án để đưa tôi vào ĐH Tây Nguyên bàn giao cho nhà trường. Nhưng khi tôi nhận được giấy mời, đã là ngày 21/7/1990. Muộn mất rồi”.

Sự việc tưởng chừng bế tắc, chợt loé lên tia hy vọng: Trên báo Tiền Phong năm 1990, Cty cao su Phú Riềng nhắn tin nếu anh Nguyễn Sỹ Lý đồng ý, Cty sẽ nhận anh vào làm việc tại đơn vị. Tim anh đập rộn lên.

Lý tự nhủ: “Mình sẽ lại được đi làm, lại thành “người Nhà nước” như năm nào”. Anh sốt sắng bảo vợ gói ghém đồ đạc, tư trang, tổ chức một cuộc liên hoan nhẹ mừng anh lên đường. Nguyễn Sỹ Lý tung tăng đạp xe đi làng trên xóm dưới mời bạn hữu, láng giềng. Giữa đường làng phẳng phiu chợt chân tay anh run lẩy bẩy. Toàn thân tê liệt. Anh đổ xuống.

Niềm vui chưa tròn lại chuốc thêm khổ đau. Nguyễn Sỹ Lý phát bệnh, liệt tứ chi. Trong lúc khốn đốn, “Người vô danh” Cao Tiến Mùi lại đến bên anh, động viên, an ủi. Năm đó báo Tiền Phong giúp đỡ anh Nguyễn Sỹ Lý ra Hà Nội chữa trị, phục hồi cơ năng.

“Người vô danh” Cao Tiến Mùi tình nguyện đưa anh đi. Thuốc thang mấy tháng liền, tình hình sức khỏe Nguyễn Sỹ Lý khá hơn, nhưng cho đến tận hôm nay chân phải anh vẫn bị liệt. Mỗi khi di chuyển, Lý tựa mình vào chiếc nạng gỗ. Bao mơ ước, hoài bão tan tành. Kể từ đó, Nguyễn Sỹ Lý thành một người tàn tật.

“Tôi thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, cho tôi được nộp tiếp BHXH”, Nguyễn Sỹ Lý nói tại cuộc giao lưu “báo Tiền Phong và độc giả xứ Nghệ”.

Trước khi rời Vinh về Nghĩa Đàn, Nguyễn Sỹ Lý tâm sự: “Tôi đề đạt nguyện vọng đó là vì, tôi vốn là cán bộ công chức Nhà nước, bỗng dưng bị tù oan mất hết mọi quyền lợi, sau khi tôi được minh oan thì quyền lợi đó phải trả lại cho tôi. Hơn nữa, sau này tôi cũng có thể tự hào với con cái rằng trước đây cha của các con từng là một công chức. Nếu không, nỗi buồn tủi, mặc cảm oan trái sẽ theo mình đến hết cuộc đời…”.

Nguyện vọng này, xin chuyển đến cơ quan BHXH Việt Nam; BHXH tỉnh Nghệ An.  

MỚI - NÓNG